Đội rowing của Việt Nam đang chịu thiệt vì nạn bỏ trốn ở nước ngoài của VĐV. |
Có lẽ nói về trốn tuyển, không ai vượt qua nổi môn vật, cái môn vốn nổi tiếng là lấy quân ở những vùng nông thôn nghèo khổ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Sự khó khăn, vất vả của các đô vật đến nỗi mà cứ có dịp đi tập huấn nước ngoài là lại có trường hợp bỏ đội, dù công tác an ninh được bảo đảm nghiêm ngặt. Trường hợp bỏ đội ra ngoài “làm ăn kinh tế” đầu tiên là của hai đô vật trong chuyến tập huấn ở Nga năm 1996.
Đến năm 2002, Cũng trong một chuyến tập huấn để chuẩn bị cho Á vận hội Busan (Hàn Quốc), 3 đô vật Tạ Đình Đức, Nguyễn Hữu Kim, Xí Hữu Sơn lại bỏ trốn. Một thành viên đã không gặp may mắn khi bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ và trục xuất về nước, khi đang làm nghề bốc vác tại nước này. Sau này thì VĐV đó cũng giải nghệ luôn vì không còn đường trở lại đội tuyển. Thường thì các VĐV luôn chọn những quốc gia có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài cao để “đào tẩu”. Hàn Quốc có một thời được xem là “thiên đường” của các công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam.
Trong số này, không ít người là người thân của các VĐV nên đã lôi kéo được một cách dễ dàng. Còn nhớ năm 2008, sau khi kết thúc giải Vật tự do và cổ điển tại Hàn Quốc, đã có ba đô vật trong đội tuyển bỏ trốn ngay tại sân bay Incheon. Ngay tại cửa sân bay, hai VĐV Dương Đình Nam và Nguyễn Văn Phong đã bỏ trốn khiến lãnh đạo đoàn ngã ngửa. Còn nhớ khi đó, nhà vô địch Nguyễn Doãn Dũng đã xin đi vệ sinh rồi đi luôn, ngay sau khi hai đồng đội của mình tẩu thoát trót lọt. Có một điều rất thú vị ở môn vật là khi báo chí tìm hiểu về lý do vì sao lại có nhiều VĐV vật bỏ trốn như thế, mới vỡ lẽ các đô vật này xuất thân ở làng có "truyền thống" đi xuất khẩu lao động. Trong khi cùng trang lứa có nhà cao tầng, TV, tủ lạnh đầy đủ còn mình chỉ có tấm huy chương mạ vàng treo ở tủ gỗ, khiến các VĐV không khỏi chạnh lòng và sẵn sàng đi theo tiếng gọi của những người đi trước.
Như vậy, với hai VĐV mới nhất ở môn đua thuyền, thể thao Việt Nam có khoảng hơn chục VĐV bỏ trốn trong những lần xuất ngoại. Nếu như trước đây, có thể hiểu việc bỏ trốn là vì cuộc sống quá khó khăn, nghề thể thao không nuôi được gia đình thì bây giờ, mọi chế độ đã khá hơn nhưng các VĐV vẫn cứ bỏ tuyển khiến lãnh đạo các bộ môn không khỏi đau đầu.
Có lẽ ngoài việc tiếp tục cải thiện đời sống cho các VĐV thì giờ đây, công tác tư tưởng, nâng cao tính chuyên nghiệp của các VĐV cần phải đặt lên hàng đầu. Nói thì nói vậy chứ với cách làm của thể thao Việt Nam hiện nay, chắc chắn sẽ lại có thêm những vụ đào tẩu nữa trong tương lai.