Thảm họa sân Dasharath, 93 người thiệt mạng (tháng 3/1988, Nepal)
Thảm họa sân Dasharath đã xảy ra vào ngày 12 tháng 3/1988 ở Kathmandu, thủ đô Nepal trong trận đấu giữa chủ nhà Janakpur và Liberation Army của Bangladesh. Mọi thứ không có gì đáng nói cho đến khi một cơn mưa đá lớn trút xuống sân, nó khiến hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau để tìm lối ra.
Nhưng đám đông không thể thoát ra ngoài vì cửa sân bóng bị khóa, gây ra một vụ giẫm đạp chết người. 93 người đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương ở vụ việc này.
Thảm họa sân Hillsborough, 96 người thiệt mạng (tháng 4/1989, Anh)
Đây chính là vụ Hillsborough kinh điển vẫn được báo chí Anh nhắc đi nhắc lại. Trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest hồi tháng 4/1989, cảnh sát đã cho phép thêm 5.000 fan vào sân bất chấp các khán đài đã kín người từ trước. Cộng với việc các sân bóng lắp hàng rào khiến nhiều người bị mắc kẹt. Họ giẫm đạp lên nhau và kết cục là 96 người thiệt mạng.
Các CĐV giẫm đạp nhau tháo chạy khỏi sân Hillsborough |
Thảm họa sân Kanjuruhan, 125 người thiệt mạng (tháng 10/2022, Indonesia)
Trong trận đấu tại giải VĐQG Indonesia giữa Arema FC và Persebaya Surabaya vào tối 1/10, các CĐV chủ nhà đã trút cơn thịnh nộ lên đội nhà. Căng thẳng leo thang sau khi lực lượng an ninh phản ứng bằng hơi cay và có cả đạn khói.
Tất cả khiến đám đông hỗn loạn, xô đẩy lên nhau hòng chạy thoát. Kết cục là đã có hơn 100 người chết, trong đó có rất nhiều trẻ em. Theo cảnh sát địa phương, con số chính thức là 125 người bởi trước đó, đã có sai sót trong quá trình cập nhật. Dù sao, đây vẫn là thảm họa lớn nhất trong lịch sử bóng đá châu Á.
Còn xét trên bình diện thế giới, nó vẫn chưa là gì so với cú sốc vào năm 1964, trong trận đấu giữa Argentina và Peru.
Thảm họa sân Accra, 126 người thiệt mạng (tháng 5/2001, Ghana)
Trong trận đấu giữa Hearts of Oak và Asante Kotoko tại Ghana cách đây 21 năm, đã có 126 người thiệt mạng trong vụ "tàn sát" tại SVĐ quốc gia ở thủ đô Accra. Khi trận đấu chỉ còn 5 phút, các fan của Asante Kotoko thể hiện sự bất bình khi phá ghế trên khán đài và ném xuống sân.
Cảnh sát đáp trả bằng cách bắn hơi cay và đạn cao su vào nhóm người này. Và nó đã thổi bùng lên thảm họa. Hàng chục nghìn fan xô đẩy nhau khiến 126 người không qua khỏi và hàng trăm người khác bị thương. Đây được coi là thảm kịch tồi tệ nhất của bóng đá châu Phi.
Vụ việc tại Peru vẫn được ghi nhận là thảm họa ghê sợ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới |
Thảm họa sân Lima, 328 người thiệt mạng (tháng 5/1964, Peru)
Ngày 24 tháng 5 năm 1964, khi Peru và Argentina đụng độ với nhau ở vòng loại Olympic tại thủ đô Lima, Peru, đã có khoảng 53.000 khán giả đến sân. Khi Argentina dẫn trước 1-0 trong bối cảnh trận đấu chỉ còn sáu phút, trọng tài Angel Eduardo Pazos đã từ chối một bàn thắng của Peru.
Quyết định này khiến các CĐV nhà khó chịu. Tất cả vượt qua hàng rào an ninh và ùa xuống sân. Cảnh sát đã phải can ngăn bằng cách dùng hơi cay. Nhưng họ chỉ làm cho mọi thứ thêm khủng khiếp hơn bởi sân bóng... không có cửa.
Tất cả chỉ ra vào bằng một đường hầm nối thẳng lên phố. Mà cổng của đường hầm lại đóng khi trận đấu bắt đầu. Thế nên mọi người tranh nhau tìm lối ra gần nhất, dẫn tới tình trạng giẫm đạp lên nhau. Vì hàng ngàn người ở trong hầm nên có rất ít không khí để thở.
Hậu quả là 328 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương do ngạt thở hoặc do đa chấn thương vì bị giẫm đạp. Tuy nhiên, con số có thể cao hơn khi rất nhiều người thậm chí còn bị bắn chết bởi cảnh sát.