Những tuyệt chiêu có một không hai của nghề câu

Cùng với việc chia các thúng ra các mũi thả câu, các ngư dân đồng thời thả lưới để đánh bắt các loại hải sản gần bờ. Ảnh: Hà Minh.
Cùng với việc chia các thúng ra các mũi thả câu, các ngư dân đồng thời thả lưới để đánh bắt các loại hải sản gần bờ. Ảnh: Hà Minh.
Dùng tôm gỗ “dụ” mực; bắt mực lá bằng bông gòn; đánh cá bằng vải, lông gà nhuộm màu lòe loẹt.., là những ngón nghề độc đáo nhưng cũng lắm công phu của nghề câu

Buổi sáng cuối năm, tôi ghé nhà những lão ngư dân để nghe những vui buồn được mất sau 1 năm đánh bắt. Bên cạnh những câu chuyện sinh nghề - tử nghiệp, trên trời - dưới biển, bất ngờ lão ngư Nguyễn Văn Bưng ở thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đem ra một con tôm được làm bằng gỗ phết lên những lớp sơn xanh, mắt được kết hạt cườm như tôm sú thật. Chỉ khác ở chỗ, đuôi tôm là những lưỡi câu sắc lẹm. Ban đầu, tôi chưa để tâm cho lắm. Chừng khi con tôm đã được khoác lên “chiếc áo mới”, tôi mới lân la hỏi. Ông Bưng cười bí hiểm rồi nói thách: “Chú cứ đi cùng tôi xuống cảng Sa Kỳ khắc biết”.

Tôm giả đánh ngã mực thật

Bước cùng ông Bưng lên chiếc tàu cá 90CV, sóng vỗ nhẹ. Chiếc tàu hơi nghiêng, lắc lư khi có bước chân người. Tiếng máy nổ giòn, từng đụn khói nhả lên không trung đẩy con tàu rời xa bến trong tiếng sóng biển lao xao. Ông Bưng bảo phải ra cách bờ 10 - 15 hải lý mới bắt đầu “thả” tôm giả về biển để bẫy mực thật. Mới ra chừng được 3 hải lý, tôi bắt đầu thấy người nôn nao. Nhìn sắc mặt hơi xanh của tôi, ông Bưng bảo nằm xuống chứ không là… pha (nói theo cách của dân đánh cá là ói xuống biển).

Tin vào khả năng đi biển chưa khi nào bị say sóng dù chuyến đi vài giờ, vài ngày hay cả tháng, vậy nhưng, nằm xuống rồi mà tôi vẫn thấy người như chao đảo, quay tròn. Mệt quá, tôi thiếp đi và chỉ giật mình khi ông Bưng vỗ vào người gọi giật dậy. Gắng gượng nhổm người nhìn quanh quất, mặt biển xanh đen ban ngày giờ chỉ một màu đen như mực. Giữa mênh mông sóng nước, con tàu không một chút cố định, cứ dập dềnh như thách thức. Tôm giả được thả xuống biển kẹp theo chùm lưỡi câu…

Chừng 70 tàu, mỗi tàu mang theo cả chục chiếc thúng chia theo các mũi vươn khơi “săn” tìm luồng cá, mực. Khi những con tôm giả đem theo những lưỡi câu đã được thả yên vị dưới biển, ông Bưng mới tranh thủ nói với tôi vài câu: “Đánh bắt gần bờ, lại phương tiện nhỏ nên anh em đoàn kết lắm. Nếu phát hiện được luồng mực hay cá di chuyển, lập tức các thuyền kết nối với nhau tập trung lại vị trí đó đánh bắt. Có tàu, chỉ qua một đêm thu về cả vài chục triệu đồng.

Dịp cuối năm mực không to bằng khoảng tháng 10 và tháng 11. Toàn mực lá loại lớn 1 - 2kg, mực nhỏ cũng nửa ký mới dính câu. Vậy nhưng, mực xuất hiện nhiều, thời tiết mà êm, chịu khó chút là có dư dả tiền tiêu tết”. “20 năm trước, chưa ai câu được mực. Bởi khác với loài cá, mực dùng xúc tu để bắt mồi nên rất khó để cắn câu. Thế rồi, sau khi sáng tạo ra được loại tôm giả làm từ gỗ tra, có gắn thêm móc câu thì số lượng người hành nghề nay đã lên đến 80 người”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, thống kê.

Những ngư dân kỳ cựu của làng chài Châu Thuận Biển, ngoài biệt tài “dụ” mực bằng tôm gỗ, còn bắt được cả chục ký mực lá mỗi ngày, chỉ nhờ vào ít bông gòn.

Kể về ngón nghề độc đáo nhưng cũng lắm công phu, ngư dân Nguyễn Văn Tòng đã có 35 năm “làm giả, ăn thiệt”, cho biết: “Thông thường, cứ đến mùa sinh sản, mực lại tìm vào gành để đẻ trứng. Ngư dân chỉ cần lấy chút bông gòn cho vào bao nylon rồi thả vào lồng tre có nắp đậy. Mực nhầm lẫn bông gòn là trứng nên chui vào và lập tức sập bẫy”. Chiếc lồng tre có chiều dài 1,2m, chiều ngang 0,5m được gắn thêm viên đá nặng 8kg rồi thả xuống đáy biển. Tầm 6 giờ sáng thả lồng, đến 1 giờ chiều thì vớt lên. Lồng nhiều thì 5 - 6 con, có khi đủ chục. Bởi theo ông Tòng, mực có tính bầy đàn, hễ thấy một con vào là những con khác cũng “nối gót” vào theo. Với giá 200.000 đồng/kg mực lá, mỗi ngày ngư dân thu về 1 - 2 triệu đồng.

Cá chết vì lông gà

Cầm mớ vải vụn đa sắc màu trên tay, ngư dân Nguyễn Thành Thống xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) gọi là vải ngũ sắc vừa cười với sự ngạc nhiên của tôi, vừa lý giải: “Cá hố, cá thu, cá ngừ… chết vì sắc màu này đấy. Chỉ cần lông gà trắng, vải óng ánh nhiều màu sắc móc vào lưỡi câu rồi thả xuống là chúng lao đến như bắt được mồi ngon”.

Thu phục cá bằng vải, lông gà nhuộm màu lòe loẹt, chuyện nghe tưởng chừng giản đơn, dễ dàng nhưng kỳ thực lại là cả một câu chuyện dài của những người dấn thân ra biển khơi để hành nghề câu. Đó là bởi họ nắm rõ quy luật từ những thành ngữ và vận dụng vào từng trường hợp cụ thể rất hiệu quả: “Chim chết vì ná. Cá chết vì nước”, “Đi buôn gặp chầu, đi câu gặp chỗ”… “Làm nghề câu mà không biết lựa con nước, sức chảy của nước, không dò được vị trí luồng cá thì lên đất liền mà thuê đất trồng rừng hoặc đào ao nuôi tôm”, ông Thống giải thích.

Từ An Kỳ, tiến ra chừng 17 hải lý là đến vùng biển có thể giăng câu. Những ngư dân cao niên kể rằng từ nhiều năm trước, khi còn giong buồm rồi dựa vào sức gió, 4 - 5 người phải mất khoảng 9 - 10 giờ chèo cật lực mới đến được nơi. Câu chừng 2 ngày, khi nào lu nước ngọt mang theo cạn thì đội tàu thu dây câu trở về.

Còn giờ, trên chiếc tàu công suất 30 - 90 mã lực, chỉ 1 giờ rưỡi là đội câu cập được vị trí thả lưỡi. Từng sợi dây cước trắng muốt dài 100 - 120m gắn 5 - 15 lưỡi câu đồng loạt được thả xuống biển. Trên thuyền, 4 ngư dân chia nhau từng vị trí để ngồi chờ cá cắn câu. Không cần, không phao. Nghề câu giữa trùng khơi chỉ nhờ vào đôi tay để “nghe” cá. Chỉ cần chạm vào sợi dây, những người lão luyện trong nghề có thể đoán biết được có bao nhiêu cá đã cắn câu. Cá hố nặng chừng 1 - 2kg, cá thu có khi nặng đến 10kg vẫn bị mắc lừa mà dính câu… Quanh năm suốt tháng xoay trở với sợi dây cước để kéo cá lên thuyền, bởi vậy hễ nghề câu đã vận vào người thì tay lúc nào cũng đầy những vết chai sần, trầy trụa. Sau khi kéo lên thuyền, những con cá câu vẫn còn tươi roi rói được ngư dân cẩn thận thả thẳng vào chiếc thúng hòa sẵn nước biển và đá lạnh để ướp lạnh ngay tại chỗ, nhằm giữ cho con cá được tươi nguyên.

Hơn 100 hộ dân ở An Kỳ, An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ gắn với nghề câu. Cả xóm Gò Tây, xã Tịnh Hòa cũng trải qua mấy đời làm nghề, cha truyền rồi đến con nối. Nghề câu tuy không thu về cả trăm triệu đồng mỗi phiên biển, nhưng cũng đủ dư dả sống qua ngày, lại nhàn hạ nên vẫn hút các ngư dân. “Mỗi chuyến câu có khi 2, có khi 3 - 4 ngày. Sau khi trừ tổn phí thì mỗi anh em chia nhau khoảng 1 - 2 triệu đồng. Có nhiều tiêu nhiều, có ít thì cần kiệm nhưng nghề câu có cái thú của nó nên được giữ gìn và truyền trao cho nhau”, anh Nguyễn Chài, người làm nghề câu ở xóm Gò Tây, xã Tịnh Hòa khẳng định.

Để có thể đứng vững, cạnh tranh được với các phương thức đánh bắt khác, nay những người làm nghề câu không còn “trông trời, trông nước” mà đầu tư công nghệ bằng việc lắp máy định vị, máy dò đứng… để dò tôm, cá nhanh hơn. Sản lượng cá khai thác cũng nhờ thế mà tăng lên. “Hồi xưa, chỉ là những cành lá dừa khô cột lại thành bó dài cỡ hơn sải tay được mang ra biển để dùng làm đuốc dụ cá đến. Sau đó là đèn dầu, đèn măng-xông… giờ là đèn điện. Rồi hồi xưa nhòm trời, nhòm nước để giong buồm nên có khi về trắng tay vì đoán sai. Giờ có máy móc cả rồi nên đi phiên nào chắc phiên đó”, ông Tòng lại lý giải.

Theo Hà Minh

Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG