Những trang báo quý tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) có những bộ sưu tập với hàng ngàn bài viết của các tờ báo trong và ngoài nước qua các thời kỳ, giai đoạn, sự kiện góp phần khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Những bài báo, theo thời gian đã phai màu, nhưng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những tư liệu báo chí đồ sộ và quý giá

Nhà trưng bày Hoàng Sa những ngày này đông du khách trong và ngoài nước ghé thăm khi TP Đà Nẵng đã mở cửa tất cả các hoạt động sau đại dịch COVID-19, các chuyến bay quốc tế và hoạt động du lịch đã phục hồi.

TS Lê Tiến Công - Phó giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, cho biết: Chỉ riêng tháng 5, sau khi hoạt động trở lại nhà trưng bày đã đón một lượng khách kỷ lục gần 6.000 lượt khách với 51 đoàn đến tham quan, tìm hiểu. Trong đó, đông nhất là học sinh, sinh viên. Ngoài ra, có hàng chục đoàn với hàng trăm khách từ các cơ quan, đơn vị, các đoàn du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng đã chọn Nhà trưng bày làm nơi để tham quan, sinh hoạt chuyên đề…

Bên cạnh đó, Nhà trưng bày đã xây dựng nội dung sinh hoạt chuyên đề theo hình thức tổ chức tọa đàm và tham quan, tìm hiểu nội dung trưng bày, hoàn thiện kế hoạch thực hiện video tham quan trực tuyến, ấn phẩm tờ rơi. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng địa phương xây dựng và hoàn thiện bộ câu hỏi trắc nghiệm cho cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo quê hương Việt Nam.

Tầng 3 của Nhà trưng bày Hoàng Sa, bên cạnh những tư liệu, châu bản, sách sử, bản đồ cổ còn trưng bày bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” do cố nhà báo Trần Thanh Phương và vợ là bà Phan Thu Hương (người gốc Quảng Nam - Đà Nẵng, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) đã sưu tập các tờ báo về Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu năm 1979 đến tháng 10/2011. Bộ sưu tập được đóng thành một cuốn sách dày 1.000 trang với kích thước 60cm x 40cm.

Bộ sưu tập được ông Nguyễn Quang Hòa (một người gốc Quảng Nam - Đà Nẵng đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh) mua với giá 500 triệu đồng tại buổi gặp mặt Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng và trao tặng lại cho UBND huyện Hoàng Sa vào năm 2014. Từ năm 2018, bộ sưu tập được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa bên cạnh những hiện vật, tư liệu quý giá, góp thêm tiếng nói khẳng định quần đảo Hoàng Sa là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

“Bộ sưu tập báo chí Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam lưu giữ các bài đăng trên các tờ báo của hơn 500 tác giả. Qua đó, công chúng có thể thấy rõ sự thật lịch sử và vấn đề pháp lý liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa, đặc biệt từ trước đến sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Chẳng hạn văn bản liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo trên trang thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp năm 1933, các sự kiện ngoại giao liên quan đến chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Tất cả các sự kiện và văn bản liên quan đều được phản ánh qua bộ sưu tập. Đây là một bộ sưu tập báo chí vô cùng giá trị và là một trong những tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Công cho biết.

Những trang báo quý tại Nhà trưng bày Hoàng Sa ảnh 1

Giới trẻ tham quan tìm hiểu về chủ quyền biển đảo ở Nhà trưng bày Hoàng Sa

Liên tục bổ sung, cập nhật

Trong những năm qua, Việt Nam luôn kiên định lập trường đấu tranh khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, phản đối việc dùng vũ lực hay đe dọa vũ lực để giải quyết tranh chấp. Trong cuộc đấu tranh đó, báo chí đã góp phần hết sức tích cực để tuyên truyền giải thích cho quần chúng hiểu rõ tình hình ở quần đảo Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, vạch rõ âm mưu ý đồ của Trung Quốc, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, những chứng cứ không đúng của Trung Quốc về biển đảo, kịp thời đưa những thông tin chính xác tố cáo trước dư luận trong nước và trên thế giới một cách đúng mức, có tính thuyết phục.

Thời gian qua, Nhà trưng bày Hoàng Sa thường xuyên cập nhật, sưu tầm, bổ sung thêm những bài viết trên các trang báo in, báo viết và cũng như truyền hình, báo nói để bổ sung thêm cho kho tư liệu nhằm tuyên truyền sinh động trực quan hơn cho du khách, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Công việc sưu tập tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được các bộ phận chuyên môn của Nhà trưng bày Hoàng Sa qua nhiều kênh kết nối tiến hành thường xuyên và liên tục. Trong đó, có việc tiếp tục sưu tập các bài báo, bản tin, hình ảnh để làm sinh động hơn tư liệu báo chí về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ riêng trong tháng 5/2022, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã bàn giao 185 file tư liệu báo điện tử về Biển Đông, 50 tư liệu báo giấy và 3 xuất bản phẩm về biển đảo cho tổ kiểm kê bảo quản.

Những trang báo quý tại Nhà trưng bày Hoàng Sa ảnh 2

Những bài viết của báo Tiền Phong liên quan đến sự kiện Tàu Hải Dương 981 được Nhà trưng bày Hoàng Sa sưu tầm và sử dụng trong một đợt triển lãm Ảnh: Nguyễn Thành

Đáng chú ý, cũng trong tháng 5 vừa qua, một du khách người Pháp sau khi đến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa trở về nước và đã quay trở lại mang theo 3 tư liệu tiếng Pháp liên quan đến chủ quyền tại Hoàng Sa dưới thời Pháp đô hộ nước ta, dành tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa. Bộ phận nghiệp vụ của nhà trưng bày đã tiếp nhận 3 tư liệu này (gồm 2 bản giấy và 1 bản file). Trong đó, có bản báo giấy có nội dung đề cập đến vụ đắm tàu Europe tại đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên tuần báo Le Monde Illestré của Pháp xuất bản năm 1862.

Trên cơ sở đó, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã sưu tầm được 5 tư liệu số trên Thư viện điện tử Quốc gia Pháp liên quan đến sự kiện trên tuần báo Le Monde Illestré bao gồm số ra 171, 270, 271, 272,273 và bản dịch toàn bộ sự kiện trên do nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp đăng trên trên Tạp chí Nghiên cứu và phát triển (số 138 năm 2017) với nhan đề “Vụ đắm tàu Europe ở quần đảo Hoàng Sa”.

“Mỗi bản tin, mỗi hình ảnh, bài viết về Hoàng Sa, Trường Sa trên báo chí trong nước, ngoài nước qua các thời kỳ, giai đoạn, sự kiện đều có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, cũng như giáo dục tuyên truyền chủ quyền biển đảo. Đồng thời, thông qua những bộ sưu tập tư liệu báo chí về Hoàng Sa cũng là để ghi nhận những đóng góp quý giá của các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhà báo đã tác nghiệp vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. TS Lê Tiến Công - Phó giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa

Do giới hạn không gian, những tư liệu báo chí đồ sộ về Hoàng Sa, Trường Sa không thể trưng bày hết tại nhà trưng bày, nên nhà trưng bày sẽ tuyển chọn, sắp xếp theo chủ đề, sự kiện, mốc thời gian… để phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền lưu động về chủ quyền biển đảo tổ chức tại các đơn vị, trường học, địa phương.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.