Những trái tim thắp lửa, những chuyện tình còn mãi

Ðoàn văn công Quân giải phóng Trị Thiên cùng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Trị Thiên năm 1972. Ảnh: TL.
Ðoàn văn công Quân giải phóng Trị Thiên cùng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Trị Thiên năm 1972. Ảnh: TL.
TP - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, họ - những nghệ sĩ khoác áo lính là nhóm văn công cách mạng duy nhất theo bộ đội có mặt trong suốt 26 ngày đêm giải phóng Huế, để cất lên những bài ca chiến thắng hào hùng phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Tròn 50 năm sau, họ lại về Huế để cùng hát, cùng kể tiếp những câu chuyện tình một thuở dưới mưa bom bão đạn còn dang dở…

Ghi dấu đặc biệt

Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế một ngày đầu năm 2018. Hôm ấy, sau nhiều năm, nơi đây lại có dịp đón một lúc gần cả nghìn tướng lĩnh, cựu chiến binh về giao lưu, gặp mặt.

Trong gần 1.000 đại biểu về Huế dự họp mặt hôm ấy, tôi để ý có một nhóm cựu chiến binh phần đông là nữ tỏ ra rất khăng khít gắn bó bên nhau. Dù đã ở tuổi ông, tuổi bà, trải qua một thời đạn bom khốc liệt, nhưng trên từng gương mặt của nhóm cựu binh này vẫn phảng phất nét nghệ sĩ không lẫn vào đâu được. Tôi đến bắt chuyện. Chợt chuông điện thoại reo, trước mặt tôi cũng có một chị nữ cựu binh vừa mở máy gọi ai đó. Thì ra đó là chị Lê Nga - NSƯT, người mà tôi gọi điện hẹn gặp mấy hôm trước, khi biết những cựu văn công quân giải phóng Trị Thiên một thời như chị sẽ hành hương về Huế dịp này. Cuộc gọi vào máy tôi là của chị.

Tôi nhớ lần kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn Văn công quân Giải phóng (VCQGP) Trị Thiên. Lễ kỷ niệm tổ chức trang trọng tại thủ đô Hà Nội vào ngày 10/10/2015. Và phát biểu đầy cảm xúc của nguyên trưởng đoàn văn công Nguyễn Thế Linh tại lễ kỷ niệm này: “Ngày 24/12/1964, sau hơn 4 tháng tập trung (từ ngày 7/8/1964) rèn luyện thể lực, tổ chức xây dựng chương trình, tiết mục, trang bị cơ sở vật chất và nhận thức đầy đủ về cách mạng miền Nam từ Trường Nghệ thuật Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), đoàn chúng tôi được Tổng cục Chính trị tổ chức hành quân vào Đặc khu Vĩnh Linh để vào chiến trường Trị Thiên theo đường dây Bắc Sơn (đường do Đặc khu Vĩnh Linh phụ trách)… Đoàn VCQGP Trị Thiên hoạt động liên tục trên chiến trường Trị Thiên - Huế hơn 11 năm. Tháng 6/1976, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, đoàn giải thể…”.

Đoàn VCQGP Trị Thiên là đơn vị nghệ thuật duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam có mặt suốt 26 ngày đêm phục vụ đồng bào, chiến sĩ tại Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đây cũng là đoàn nghệ thuật duy nhất được phát thanh trên sóng của Đài Phát thanh Huế trong Tết Mậu Thân 1968. Đoàn còn liên tục bám trụ, biểu diễn phục vụ tuyến đầu cho các đơn vị vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, vinh dự đón và phục vụ phái đoàn 4 bên (Hiệp định Paris năm 1973), đón Chủ tịch Phidel Castro và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị...

Đọc tập tài liệu nội bộ mà NSƯT Lê Nga và các đồng đội đã bao năm dày công sưu tầm, biên soạn, tôi thú vị trước những cái tên từng là thành viên của đoàn sau này đã quá đỗi quen thuộc với công chúng như nhạc sĩ Thuận Yến, Thế Linh, Phương Nam, Thanh Huyền, rồi những nghệ sĩ khác như Thu Sen, Thu Hồng, Lê Thu Lưỡng, Kim Anh, Bích Lộc, Thanh Lự…

Những trái tim thắp lửa, những chuyện tình còn mãi ảnh 1 Hội ngộ của những nghệ sĩ văn công quân giải phóng tại Huế 2018.

Những chuyện tình còn mãi

Tôi sống ở Huế, có bạn học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế (sau này có tên Đại học Nghệ thuật, nay là Học viên Âm nhạc Huế), nên không lạ về tên tuổi nghệ sĩ Lê Thu Lưỡng. Sau chiến tranh, chị về công tác tại một đài truyền hình ở Huế. Được biết, nghệ sĩ Thu Lưỡng mồ côi cả bố lẫn mẹ từ khi còn tấm bé, phải sống với bà ngoại trong một khu làng nhỏ của vùng đất Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chị là người có năng khiếu ca hát từ nhỏ, sau đó tham gia một đoàn văn công tới Hà Nội biểu diễn cho bộ đội. Rồi chị xung phong gia nhập văn công hỏa tuyến tham gia phục vụ bộ đội tại chiến trường miền Nam ác liệt. Cũng tại chiến trường này và ở Đoàn VCQGP Trị Thiên, một phần cuộc đời của chị Lưỡng đã gắn với một câu chuyện tình rất đẹp và đầy bi tráng.

Một lần tình cờ đọc cuốn “Bare Feet, Iron Will” của tác giả người Mỹ James G. Zumwalt, được First News và Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tái bản tại Việt Nam với cái tên “Chân trần, chí thép”, cái tên nhân vật Lê Thu Lượng (theo xác nhận của NSƯT Lê Nga đó là nghệ sĩ Lê Thu Lưỡng - NV) và Đoàn VCQGP Trị Thiên, cùng nhiều người thuộc quân đội giải phóng đã được nhắc đến.

…Thời đó Thu Lượng yêu một Chính ủy Trung đoàn tên là Trương Chí Thành. Theo cuốn “Chân trần, chí thép”, tuổi của Thành hơn gấp đôi tuổi Lượng, nhưng cô vẫn yêu mãnh liệt. Lần cuối họ gặp nhau vào tháng 12/1967. Trước đó, Chí Thành từng gửi thư tình cho Thu Lượng. “Lá thư cuối cùng Thành gửi kèm theo một gói quà. Gói quà gồm một hũ dưa muối do lính tráng tự làm, một chiếc khăn tay và một đôi bít tất. Lượng cho biết có một lá thư xin lỗi. Thư viết: “Trong thời kỳ chiến tranh khắc nghiệt này, anh không có gì khác để tặng em ngoài những món quà nhỏ này. Anh gửi tới cô văn công của anh một chút quà cho ngày Tết”. Đơn vị Thành rời đi, sau đó cùng với các đơn vị khác thực hiện cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân vào ngày 31/1/1968…” (trích “Chân trần, chí thép”). Được biết, mười ngày sau khi Lượng nhận được lá thư cuối cùng của Thành, anh đã hy sinh. Nhiều đồng đội của Thu Lượng biết tin Thành hy sinh, nhưng không cho chị biết. “Nhiều tháng trôi qua, đến một ngày nọ, trong một lần nói chuyện với bạn cùng diễn, sự thật lộ ra, Lượng choáng váng. Trong sự khắc nghiệt của số phận, cuộc chiến đã mang đến tình yêu lớn lao cho Lượng rồi cũng tước đi của cô mối tình ấy. Một mối tình thật đẹp kết thúc trong bi kịch” (“Chân trần, chí thép”).

Trong Đoàn VCQGP Trị Thiên cũng có những câu chuyện tình lãng mạn khác. Trong đó, đẹp và có hậu nhất phải kể tới câu chuyện “Tình yêu của tôi” giữa Thuận Yến và Thanh Hương. Từng được giữ lại làm giảng viên nhạc viện tại Hà Nội sau khi tốt nghiệp, nhưng Thanh Hương lại theo nhạc sĩ Thuận Yến vào chiến trường miền Nam khốc liệt, họ cùng công tác tại Đoàn VCQGP Trị Thiên, cùng về Huế trong mùa xuân năm ấy.

Lần đó, Thuận Yến và Thanh Hương theo hai mũi xung kích khác nhau rồi mất liên lạc. “Thương nhớ, lo lắng, ngóng tin nhau từng giờ nhưng không sao có được tin tức. Trưa mồng 2 Tết năm 1968, có một đồng chí vào hỏi: - Ai là chị Thanh Hương, có thư. Tôi cầm vội lá thư và đọc, chỉ vỏn vẹn một dòng “Em thân yêu, anh vẫn còn sống”. Bấy nhiêu thôi với tôi lúc này cũng đủ là niềm hạnh phúc vô bờ” (trích “Tình yêu của tôi” của Thanh Hương). Cũng về chuyện tình yêu giữa chiến tranh bom đạn đó, nghệ sĩ Thanh Hương bộc bạch: “Sau tiếng súng, tiếng bom vẫn là “trái tim thắp lửa”, một nửa vầng trăng soi tỏ và sưởi ấm tình yêu của chúng tôi”…

Ðau đáu một đề nghị

Tròn 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hơn 40 năm chiến tranh lùi xa, trong lần hội ngộ về Huế mới đây, các anh các chị cựu văn công quân giải phóng xưa giờ đều ở lứa tuổi ông, tuổi bà, có người đã vĩnh viễn đi xa, nhưng họ vẫn đau đáu một nỗi mong, một đề nghị chính đáng. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng có ý kiến về việc đề nghị xem xét giải quyết tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ” cho Ðoàn VCQGP Trị Thiên. Theo ông Lê Khả Phiêu, với nhiều chiến công, thành tích đạt được trong thời chiến, Ðoàn VCQGP Trị Thiên xứng đáng được xem xét phong tặng danh hiệu anh hùng...

MỚI - NÓNG