Những tổng biên tập không lương

Những tổng biên tập không lương
TP - Ít ai ngờ rằng, tờ tuần báo Nhịp cầu Thế giới và trang web cùng tên với nội dung khá phong phú chỉ do một mình Hoàng Linh đảm nhiệm. Bù lại, anh nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng tác viên từ khắp nơi trên thế giới.
Những tổng biên tập không lương ảnh 1
Tổng biên tập tuần báo Nhịp cầu Thế giới Hoàng Linh và con gái trên núi Gellert, Hungary

Có những cộng tác viên khá tên tuổi từ Việt Nam như đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà văn Lê Minh Hà, Lê Ngọc Mai… và nhiều cây bút trong cộng đồng. Dù không có nhuận bút nhưng mọi người đều cộng tác rất nhiệt tình với Nhịp cầu Thế giới  trên tinh thần ủng hộ vì họ biết rằng, bản thân anh trong vai trò tổng biên tập cũng phải lăn lộn mưu sinh để có tiền nuôi tờ báo.

Vì vừa làm báo, vừa phải lo bươn chải mưu sinh nên anh phải tranh thủ triệt để mọi thời gian rảnh rỗi. Thông thường, anh làm việc 18-19 giờ mỗi ngày, ngủ cũng phải tranh thủ. Vậy mà tờ báo ra đều đặn và chất lượng bài vở đồng đều. Không những vậy, anh còn tích cực viết bài cho một số tờ báo ở Việt Nam.

Công việc làm báo của Hoàng Linh hiện nay chẳng liên quan gì tới những gì anh từng được đào tạo tại Khoa Điện tử Trường Đại học Bách khoa Budapest, Hungary. Tám năm trước đây, cộng đồng Việt tại Hungary chưa có một tờ báo văn hóa Việt ngữ định kỳ nào. Đại đa số bà con trong cộng đông do bận mưu sinh, không thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa, xã hội và pháp luật nước sở tại... nên gặp rất nhiều khó khăn trong hội nhập. Mặt khác, những thông tin về văn hóa, truyền thống Việt Nam cũng còn rất thiếu thốn đối với bà con bên này.

Hoàng Linh đã mày mò học cách làm báo và cho ra mắt tạp chí Nhịp cầu Thế giới, mong muốn được làm cây cầu nối giữa cộng đồng người Việt tại Hungary với đồng bào Việt ở mọi nơi trên thế giới. Ngày 12/12/2001, số báo đầu tiên với 40 trang chính thức ra đời.

Anh tâm sự: “Với việc nối kết được nhiều tác giả, cộng tác viên của tờ báo ở khắp nơi trên thế giới, kể cả nhiều cây bút ở Việt Nam, chúng tôi coi đây là sự nối kết đẹp nhất của những người có cùng một tâm tư, nguyện vọng để làm một điều gì đó có ích cho dân Việt, văn hóa Việt”.

Ngoài việc xuất bản báo, Nhịp cầu Thế giới còn đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động giao lưu văn hóa, xã hội và thể thao mang tính nối kết cộng đồng Việt tại Hungary. Trong đại đa số các hoạt động lớn thường niên của cộng đồng (Tết Nguyên đán, Tết Trung Thu, hội thao mùa Thu, những ngày lễ lớn của dân tộc...), Nhịp cầu Thế giới luôn là đối tác truyền thông chính thức. Nhịp cầu thế giới còn đứng ra tổ chức nhiều cuộc thi có tính chất tiên phong như giải bóng đá cộng đồng (năm 2002), cuộc thi tìm kiếm giọng ca triển vọng của cộng đồng (năm 2004)… Đến tháng 3/2007, Nhịp cầu Thế giới có thêm trang tin điện tử với mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu và… giảm chi phí. 

Hoàng Linh nhớ lại thời kỳ đầu làm báo: “Có những hội thao mùa Thu của cộng đồng qui mô rất lớn với đủ các môn thể thao. Hồi ấy, bên cạnh tuần báo, tôi còn ra thêm 1- 2 phụ san thể thao mỗi tuần. Làm toét cả mắt, nhưng mà vui lắm, mọi người thích thú đón nhận những tờ báo vừa ra lò với những thông tin nóng hổi về các trận đấu”.

Để ra một tờ phụ san 16 đến 24 trang, anh phải đi xem tất cả các trận đấu để về tường thuật, rồi làm các trang ảnh. Những trận đấu diễn ra vào cuối tuần, anh phải xin nghỉ phép ở Sở Dịch thuật Hungary để toàn tâm, toàn trí cho việc xuất bản báo.  Tất cả công việc đó nhiều khi chỉ có một mình anh.

Tổng biên tập bất đắc dĩ

Những tổng biên tập không lương ảnh 2
Tổng Biên tập Tạp chí Quê Việt Vũ Linh (trái) nhận bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan

Ra đời trước Nhịp cầu Thế giới hai năm, tính đến nay, tạp chí Quê Việt của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan Đoàn kết & Hữu nghị tròn 10 tuổi. Sau khi tổng biên tập đầu tiên Lê Huy Thọ không may mắc bệnh hiểm nghèo, tiến sĩ địa chất Vũ Linh bất đắc dĩ trở thành Tổng Biên tập khi bạn bè tín nhiệm bầu lên thay.

Gọi là tổng biên tập cho oai, chứ tổng biên tập không hề có lương, ngoài số tiền nhỏ để trang trải chi phí xăng xe, điện thoại. Chính vì vậy, các thành viên trong ban biên tập luôn bị xáo trộn bởi ai cũng phải lo mưu sinh và có thể rút ra bất cứ lúc nào.

Vốn là tiến sỹ địa chất nhưng Vũ Linh rất yêu văn học. Ông cũng như các thành viên ban biên tập lúc đầu không hề biết làm báo là gì. Ông về Khoa Báo chí Đại học Quốc gia Hà Nội xin tài liệu để tìm hiểu xem thế nào là tin, bài, phóng sự, tùy bút… Cho đến nay, tờ báo đã phát triển lớn mạnh, các bài viết đăng báo đều được trả nhuận bút. Tổng Biên tập  có hẳn một thư ký giúp việc. Ngoài việc xuất bản báo, tạp chí Quê Việt cũng tham gia tích cực trong việc mở các lớp học tiếng Việt cho con em người Việt.

Tiến sĩ Vũ Linh hy vọng sẽ có thể tổ chức cuộc giao lưu với những người làm báo Việt ở châu Âu. Bên cạnh đó, ông cũng rất trăn trở trong việc tìm người làm báo kế cận vì khó có thể thu hút giới trẻ hiện nay vào những công việc mà chẳng đem lại lợi ích kinh tế cụ thể.

MỚI - NÓNG