Những tính năng 'thần kỳ' của ứng dụng dạy tiếng Anh trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
Qua nhiều lần thay đổi các nền tảng và ứng dụng dạy tiếng Anh trực tuyến để ứng phó với dịch COVID -19, giáo viên trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội) đã đúc rút được không ít kinh nghiệm quý báu mà một số cơ sở giáo dục khác có thể tham khảo.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời

Đã 2 năm kể từ ngày virus SARS-CoV-2 xuất hiện và bùng phát ở Việt Nam khiến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Để ứng phó với dịch bệnh, chính phủ đã triển khai việc dạy và học trực tuyến trong năm học 2021 - 2022, tuy nhiên việc này còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Nguyễn Kim Sơn cho rằng để đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng dạy học trong bối cảnh mới này đòi hỏi người dạy phải tâm huyết, linh hoạt, phát huy tính chủ động tối đa để đạt được mục tiêu về chất lượng.

Tiếp thu tinh thần nêu trên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng như thực hiện Kế hoạch số 269/KH-BCĐ của UBND quận Đống Đa, Cụm I các trường THCS: Nguyễn Trường Tộ, Láng Hạ, Thái Thịnh và Láng Thượng đã kết hợp thực hiện “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” từ ngày 1 - 7/10 với những nội dung thiết thực.

Những tính năng 'thần kỳ' của ứng dụng dạy tiếng Anh trực tuyến ảnh 1
Các tiết học trực tuyến trong "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" của các trường Cụm I trên địa bàn quận Đống Đa đều nhận được sự hưởng ứng tích cực từ học sinh vì nội dung gần gũi, hấp dẫn.

Tuần lễ bao gồm chuỗi hoạt động nhằm tận dụng các nền tảng công nghệ để đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, giáo viên, học sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điển hình là hoạt động giới thiệu sách “Tôi đi học”, “Tình thầy trò” (khối lớp 6,7),“Búp sen xanh”, “Đừng làm mẹ khóc” (khối lớp 8,9) của trường THCS Láng Hạ.

Chuyên đề "Tìm kiếm, khai thác và sử dụng internet an toàn và hiệu quả cho học sinh" (trường THCS Láng Thượng); chuyên đề "Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19" (trường THCS Thái Thịnh);...

Đặc biệt, chuyên đề "Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng", tiết học “Chuyển đổi số trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học trực tuyến với môn Tiếng Anh” và tiết thực hành của cô Dư Anh Thư diễn ra mới đây của trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã nhận được những phản hồi tích cực từ học sinh và các chuyên gia giáo dục vì tính sáng tạo và hiệu quả đạt được.

Cách dùng ứng dụng dạy Tiếng Anh trực tuyến hiệu quả

Cô Phạm Thanh Hằng, giáo viên tiếng Anh trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho biết, theo chuyên đề “Chuyển đổi số trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học trực tuyến với môn Tiếng Anh”, việc dạy và học được chia thành quy trình 4 bước: Quản lý, kiểm tra, theo dõi quá trình ghi chép vở của học sinh và tiến độ làm bài cũ của học sinh.

Trong đó, dựa vào tình hình thực tiễn của mỗi lớp học, ví dụ như tỉ lệ học sinh dùng điện thoại hay máy tính để học trực tuyến, giáo viên sẽ lựa chọn ứng dụng dạy học sao cho các em theo dõi, phát biểu, tương tác, làm bài, gửi bài thuận tiện nhất mà bản thân người dạy cũng tiết kiệm được công sức.

Video: Các bài giảng trong tiết học vô cùng ngắn gọn, hấp dẫn, dễ tiếp thu nhờ hình ảnh, âm thanh minh họa sống động.

Ở phần quản lý ghi chép của học sinh thì giáo viên dùng ứng dụng trên website Azota để giao bài. Bên cạnh đó giáo viên còn sử dụng tiện ích của Microsoft Team – Class Notebook để quản lý theo mạch xuyên suốt; tiện ích này cho phép giáo viên thấy được toàn bộ ghi chép của học sinh trong lớp nhưng học sinh thì chỉ thấy được phần bài vở của mình. Tiện ích cũng khắc phục được tình trạng truy cập nhầm vào bài của học sinh khác, nếu có góp ý trao đổi thì giáo viên chỉ cần gõ trực tiếp vào vở của học sinh trên máy tính và học sinh sẽ nhìn thấy ngay, giống như phần chat trên các ứng dụng mạng xã hội mà nhiều người sử dụng.

“ Có thể chia phần này thành nhiều mục để học sinh đỡ bị nhầm, cần nộp bài vào mục nào thì học sinh sẽ click vào mục đó, tự tạo trang mới để nộp bài thành các buổi khác nhau, nhìn rất giống các quyển vở với các trang viết”, cô Hằng chia sẻ.

Những tính năng 'thần kỳ' của ứng dụng dạy tiếng Anh trực tuyến ảnh 2

Tiết học “Chuyển đổi số trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học trực tuyến với môn Tiếng Anh" nhận được sự đánh giá cao của các chuyên viên Phòng Giáo dục quận Đống Đa vì sự sáng tạo và dễ áp dụng.

Về phần kiểm tra bài cũ và hoạt động warm up đầu giờ, giáo viên sử dụng tính năng chat box của Team Microsoff hay Wordwall hoặc Quizizz. Về thảo luận tại lớp, phù hợp với các tiết viết thì sử dụng padlet.com – nền tảng trực tuyến cho phép lưu lại các bài viết của học sinh. Tại đây học sinh có thể vào bình luận, bày tỏ cảm xúc trong khi giáo viên có thể cho điểm ngay trên nền tảng, nếu hết giờ thì giáo viên lưu lại để chấm sau.

Đối với việc kiểm tra đánh giá định kì, giáo viên chủ yếu sử dụng Google form do tính năng này đơn giản, tiện lợi, dễ soạn đề. Đồng thời, khi soạn đề trên Google form giáo viên có thể chụp bài thành các phần nên không cần sửa nhiều, phù hợp với các bài tìm lỗi sai, phát âm hay giữ nguyên được format của các bài đọc có từ in đậm, xuống dòng hay gạch chân. Tuy nhiên, nếu muốn kiểm soát việc thoát khỏi màn hình của học sinh hay việc học sinh mở một trang khác trong khi kiểm tra thì nên sử dụng Azota.

“Dù là nền tảng nào nếu thuận tiện với từng khối lớp hoặc bài tập cho từng đối tượng học sinh thì giáo viên sẽ ưu tiên lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, hãy luôn tâm niệm rằng dù là học trực tiếp hay online việc tạo nguồn hứng khởi cho học sinh, tạo ra các hoạt động tương tác lấy người học làm trung tâm vẫn luôn là nhiệm vụ số 1 của người thầy. Bởi trong giáo dục, sự sáng tạo cũng quan trọng như là biết đọc, biết viết”, cô Hằng bày tỏ.

Video: Kinh nghiệm sử dụng ứng dụng dạy tiếng Anh trực tuyến hiệu quả

MỚI - NÓNG