Những tin đồn khiếp vía với quân đội Mỹ tại Trung Đông

Dùng kính đen có thể nhìn xuyên thấu, thả cá mập bò vào sâu trong nội địa, đó là những tin đồn mà quân đội Mỹ phải đối mặt ở Trung Đông và có thể gây ra tác động xấu.
Những chiếc kính đen của binh lính Mỹ tại Iraq từng bị đồn có thể nhìn xuyên quần áo. Ảnh: BBC.

Theo Washington Post, tin đồn Mỹ bí mật hợp tác với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang lan truyền tại nhiều khu vực ở Iraq. Thông tin này có thể khiến nhiều người Mỹ sửng sốt, nhưng với các cựu chiến binh từng có mặt tại Iraq và Afghanistan, thuyết âm mưu này có vẻ không mấy gây ngạc nhiên. Đây không phải lần đầu binh sĩ Mỹ tại những nước này phải đối mặt tin đồn lạ lùng dạng này.

Tin đồn về IS dường như có nguyên do kép. Một mặt, đây có thể là nỗ lực của những quan chức và đặc vụ thân Iran, quốc gia đang cạnh tranh với Mỹ để giành ảnh hưởng tại Iraq.

Mặt khác, do niềm tin ngày một lớn vào sức mạnh của công nghệ Mỹ, nhiều người cho rằng, các vũ khí và thiết bị do thám của quân đội Mỹ quá hiện đại, nên theo suy đoán, nếu Mỹ thực sự muốn hủy diệt IS thì việc đó sẽ diễn ra chóng vánh. Do vậy, thực tế IS tiếp tục tồn tại là "bằng chứng" cho thấy Mỹ hợp tác với IS. Chính lối lập luận này lâu nay vẫn tiếp sức cho những tin đồn tại Iraq.

Các lực lượng Mỹ từng phải đối mặt với không ít thuyết âm mưu lạ lùng khác. Ngay từ những ngày đầu hiện diện tại Iraq, binh sĩ Mỹ phải vất vả bác bỏ những tin tức rằng kính nhìn ban đêm của họ, và thậm chí cả những chiếc kính bảo hộ màu đen cồng kềnh, có thể giúp họ nhìn xuyên thấu đối tượng, như máy quét X-quang.

Trong một nỗ lực nhằm dập tắt tin đồn này, chỉ huy một đơn vị tại phía nam thành phố Mosul đã mời những người Iraq tới căn cứ của mình để tận mắt nhìn qua những thiết bị đó.

Những tin đồn khác thậm chí còn được suy diễn từ tình hình thực tế. Tại Baghdad, trong hơn 8 năm Mỹ hiện diện, những tin đồn về năng lực của khinh khí cầu do thám trên không có tên Aerostats xuất hiện khắp nơi, cựu đại tá Jeffrey Bannister tiết lộ trong cuộc phỏng vấn năm 2008.

Ông Bannister, phụ trách một lữ đoàn tại Baghdad giai đoạn 2006 - 2007, cho biết một số ông bố bà mẹ tại phía đông thành phố này bắt con cái ở trong nhà mỗi khi Aerostats được hạ xuống để bảo trì, do họ biết các tay súng có thể lợi dụng thời cơ này để đặt bom bên đường. Ông nói một số bà mẹ xem những quả khí cầu như ông ba bị, họ nói với con rằng "nếu con không ngoan, những quả khí cầu sẽ nhìn thấy con".

Khí cầu do thám của quân đội Mỹ tại Kabul, Afghanistan. Ảnh: NYTimes.

Đến khi những con lửng mật ăn thịt lớn xuất hiện gần thành phố Basra của Iraq năm 2007, cắn chết nhiều vật nuôi và khiến người dân hoảng sợ, cư dân tại đây lập tức đổ lỗi cho binh sĩ Anh đóng trong khu vực. "Chúng tôi có thể tuyên bố chắc chắn rằng chúng tôi không thả những con lửng ăn thịt người ra khu vực đó", một người phát ngôn của quân đội Anh sửng sốt trả lời kênh BBC.


Trên thực tế, những con lửng mật vẫn sinh sống ở miền nam Iraq. Một cựu chiến binh đã bác bỏ tin đồn về sự liên quan của người Anh, và giải thích rằng những con lửng mật xuất hiện gần khu đông dân cư sau thời gian dài vắng bóng, do các đầm lầy bị ngập nước trở lại. Một thời gian dài trước đó, chính quyền Saddam Hussein đã giữ cho những đầm này khô cạn.

Một vài tháng sau, khi một ngư dân tại thành phố Nasiryah bắt được một con cá mập lớn, tin đồn lại nhanh chóng lan tỏa, cho rằng con người đứng sau về sự xuất hiện bất thường của loài sinh vật ăn thịt tại khu vực cách vịnh Ba Tư tới 257 km.

Thực tế là những con cá mập bò từ lâu vẫn được biết là thường di chuyển ngược vào các nhánh sông tại Iraq và Iran. Một con bắt được tại Baghdad năm 1924 hiện được lưu giữ mẫu vật tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London. Khoảng cách từ Baghdad ra biển thậm chí xa gấp hơn hai lần từ Nasiriyah. Nhưng, theo Reuters, người dân địa phương lúc đó nghi ngờ có bàn tay của người Mỹ sau sự xuất hiện của sinh vật này.

"Điều này với chúng tôi thật đáng sợ", một ngư dân địa phương nói với phóng viên. "Tôi tin rằng người Mỹ đứng đằng sau vấn đề này". Một giáo viên tại Nasiriyah cho rằng xác suất người Mỹ dính líu đến sự xuất hiện của con cá mập là 75%. Nhưng liệu những con cá mập đó có thể phục vụ cho mục đích gì thì những người dân tại đây không lý giải được.

Những thuyết âm mưu thường xuất hiện nhất tại Trung Đông liên quan đến những con chim, và không chỉ Mỹ mà cả Israel bị cho là đứng đằng sau. Thậm chí trên trang Wikipedia, có hẳn một mục về "những thuyết âm mưu gắn với động vật liên quan đến Israel". Trong hầu hết trường hợp, những con chim bị nghi ngờ làm gián điệp thực chất chỉ vì chúng được gắn thiết bị để giúp theo dõi hành trình di cư, do các nhà nghiên cứu tại các đại học Israel và những nước khác thực hiện.

Trong vụ việc đáng chú ý nhất liên quan đến chim, được Washington Postđăng tải năm 2011, truyền thông địa phương đã loan tin về vụ "bắt giữ" một con vật bay lạc vào Arab Saudi khi mang theo vòng đeo chân của Đại học Tel Aviv.

Việc những con chim đó có thể do thám cho quân đội Mỹ hoặc Israel có thể là giả thuyết kỳ quặc, nhưng trong thời đại của những máy bay không người lái ngày một nhỏ và hiện đại hơn bao giờ hết, ý tưởng này rất dễ được đồn thổi và lan truyền.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts và các cơ sở khác từ lâu vẫn nỗ lực thiết kế máy bay không người lái cỡ nhỏ, di chuyển giống như chim bay. Năm 2009, các phiến quân Shiite ở miền nam Iraq từng bắt được một máy bay không người lái nhỏ, không rõ nguồn gốc với hình dáng như một chú chim, với cánh có khớp nối. Hai năm sau đó, một máy bay không người lái hình dạng tương tự bị rơi tại Parkistan.

Chính phủ Mỹ chưa bao giờ thừa nhận sở hữu những máy bay không người lái này, và có thể chúng thuộc về các nước khác. Nhưng năm 2013, đặc nhiệm Mỹ bắt đầu đưa ra những mẫu máy bay không người lái nhỏ, thậm chí còn giống những con chim hơn nữa, với những lớp phủ giống như lông chim.

"Lực lượng đặc nhiệm đã đề nghị có một mẫu máy bay trông giống một sinh vật", lãnh đạo một công ty sản xuất robot đã thiết kế các mẫu máy bay không người lái hình con chim tiết lộ với Wired.

Tác động xấu

Cho dù xuất phát từ đâu, các thuyết âm mưu xuất hiện trên chiến trường hiện đại đều có vẻ khôi hài. Giống như cách những tin đồn mới đây về IS có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự hợp tác giữa Mỹ và Iraq trong cuộc chiến chống nhóm cực đoan. Những giả thuyết, dù khó tin, vẫn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Một ví dụ là lời đồn về kính đen của binh sĩ Mỹ có thể được dùng để nhìn xuyên thấu quần áo phụ nữ Iraq. Điều này đương nhiên không đúng, nhưng lại có rất nhiều người tin. Nó trở thành vấn đề nghiêm trọng cho những chiến dịch chống phiến quân mà đòi hỏi phải có sự ủng hộ của công chúng.

"Nó khiến tôi tức giận. Chúng tôi sợ khi đi cùng gia đình mình ra ngoài đường", một sinh viên kỹ thuật trả lời kênh CNN về tin đồn liên quan đến những thiết bị công nghệ cao. Nhưng đó là năm 2003. Đồn đoán về tính năng xấu xa của những chiếc kính râm còn tiếp diễn cho đến khi binh sĩ Mỹ rời khỏi đây. Và đó chỉ là một trong số nhiều hoài nghi của người Iraq về nước Mỹ.

Các lực lượng Mỹ tại Afghanistan cũng phải đối mặt với những tin đồn hoang đường tương tự. "Họ sống trong thế giới của những đồn đại", một tùy viên Bộ ngoại giao Mỹ tại một đơn vị quân sự khẳng định trong cuộc phỏng vấn năm 2004, và nói thêm rằng cần phải cập nhật kịp thời những tin đồn như vậy để đối phó, dù chúng có hoang đường đến mức nào

Chỉ đơn giản gọi tin đồn là quá nực cười để phải đưa ra lời phản ứng chính thức - như cách quân đội Mỹ làm hôm 2/12 trước tin đồn về hợp tác bí mật với IS - có thể không hiệu quả. Cách tốt hơn là phải làm rõ và bác bỏ những đồn đoán đó, như cách người phát ngôn của Anh đã làm trong vụ việc những con lửng tại Basra năm 2007.

"Nó có thể không đúng, nhưng nếu người ta tin đó là sự thật và điều chỉnh hành vi vì nó, thì rồi nó sẽ trở thành 'thực tế'", đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích. "Có thể tin đồn rằng chúng ta đang xây một phòng thí nghiệm chiến tranh sinh học tại các căn cứ hỏa lực ở Asadabad là không đúng, nhưng nếu mọi người tin vào nó, thì chúng ta sẽ gặp rắc rối", ông nói thêm.


Theo Theo VnExpress