Những thương vụ 'bán rừng' triệu đô

Đất rừng ven biển tại xã Gành Dầu bị san ủi.Ảnh: Hồng Lĩnh
Đất rừng ven biển tại xã Gành Dầu bị san ủi.Ảnh: Hồng Lĩnh
TP - Tình trạng mua “đất chỉ”, tức là đất rừng đã được phát dọn, diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây ở Phú Quốc. Hình thức “đầu tư” là tìm đất rừng có vị trí đẹp sau đó thuê người phát dọn, làm hàng rào, làm nhà tạm, trồng ít cây xoài, dừa, mít; thuê một công ty tư nhân đo vẽ sơ đồ, vị trí lô đất, đóng dấu và… dụ khách vào tròng.

1 triệu USD mua đất rừng

Ông Huỳnh Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc, nói: Chúng tôi đang điều tra vụ bao chiếm 23 ha rừng phòng hộ tại tỉnh lộ 46 thuộc xã Dương Tơ, gần sân bay quốc tế. Khi cơ quan chức năng lập biên bản thì chỉ có người trông coi. Người này khai bà N. chủ đất đang sinh sống tại Anh. Đất được mua lại của một nhóm người đến từ phía Bắc, giá 23 tỷ đồng. Do người mua đất ở nước ngoài nên việc điều tra đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên vụ bỏ ra 1 triệu USD ( hơn 23 tỷ  đồng) mua nhầm đất rừng này cũng chưa bằng vụ một nhân vật đến từ Hà Nội bỏ ra 52 tỷ để mua “đất chỉ”. Phó Tổng giám đốc một Cty BĐS cho Tiền Phong biết: “Ông Th. đến từ Hà Nội “khoe” có miếng đất 52 ha, vị trí đẹp, gần dãy núi Bảy Rồng, ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, cần bán cho tập đoàn lớn, giá 200 tỷ. Tuy nhiên khi dẫn đại diện Cty chúng tôi đi xem đất thì kiểm lâm xuất hiện, yêu cầu ra khỏi rừng. Lúc này chúng tôi xem hồ sơ đất thì có dấu hiệu ngụy tạo. Ông Th. mặt mày biến sắc khi biết mình bị lừa”.    

Ngoài các thủ đoạn trên, đã có những trường hợp làm giả giấy tờ nguồn gốc đất, rồi gắn vào đất rừng để bán. Mới đây công an đã bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Bích Thủy (SN1955), ngụ tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo kết luận điều tra, Thủy đã làm giả giấy tờ nguồn gốc đất có đóng dấu và chữ ký của trưởng ấp, đứng tên 2 ô đất tổng cộng 35.000m2, sau đó bán cho bà T. ở tỉnh Đồng Tháp, giá 3,1 tỷ đồng. Sau khi phát hiện giấy tờ giả mạo, đất mua là đất rừng bà T. đã tố cáo Thủy lên cơ quan điều tra.

Trước đó, năm 2019 cơ quan điều tra huyện Phú Quốc cũng đã xử lý hình sự một đối tượng thuê người chặt phá, bao chiếm 5,6 ha rừng bán với giá 7 tỷ đồng.

Một trong những cái “loạn” lớn nhất xảy ra trên đảo Phú Quốc là chiếm đất trái pháp luật, chặt phá, san ủi rừng và xây dựng trái phép.

Nhận tin tố cáo của người dân, phóng viên Tiền Phong tìm đến khu rừng tại ấp 6, bãi Khem - một bãi biển đẹp nằm ở thị trấn An Thới. Hàng loạt cây rừng đã bị đốn hạ, nhiều cây mới bị chặt, nhựa còn chảy dài trên những vết cắt. Lâm tặc đã dùng cưa máy để phá rừng. Nhiều cây có đường kính từ 40-60cm. Một lượng lớn gỗ đã được chuyển đi. Theo biên bản ngày 22/7/2020 của công an thị trấn An Thới, có gần 1,19ha rừng đã bị chặt phá. Tuy nhiên theo tố cáo của người dân, diện tích rừng bị phá là trên 2,5ha.

Những thương vụ 'bán rừng' triệu đô ảnh 1

 Một khu rừng ở ấp 5, Bãi Khem, thị trấn An Thới bị triệt hạ

Bà Giang Lệ Phương, giám đốc Cty Xuân Phúc Phú Quốc nói: “Khu vực rừng bị phá nằm trong ranh rừng phòng hộ. Nơi đây chúng tôi  đang xin UBND tỉnh Kiên Giang làm dự án du lịch sinh thái. Theo đo đạc của Sở TN&MT Kiên Giang, diện tích rừng phòng hộ nằm trong dự án là trên 38,7ha. Việc phá rừng tại đây diễn ra mấy tháng nay, tôi báo cho ngành chức năng hoài nhưng không ai dòm ngó. Tôi làm đơn tố cáo, và mới đây tỉnh, huyện mới có công văn yêu cầu ngành chức năng vào cuộc”.

Bà Phương nói thêm: “Có nhiều băng nhóm chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở khu vực bãi Khem này. Nhân viên của chúng tôi ngăn cản thì bị hăm dọa. Họ còn nhổ cột mốc của chúng tôi phi tang, làm hàng rào mới lấn sâu vào rừng. Sau khi chặt phá phát dọn họ kêu bán 700 triệu một công (1.000m2)”.

Ðất dự án tiền tỷ

Trong vai “đại gia” mua đất, tôi cùng với anh bạn thuê một chiếc xe hơi sang trọng tới khu vực nam Bãi Trường thuộc xã Dương Tơ. Trước khi “hành nghề”, tôi điện thoại cho ông N. trưởng ấp Đường Bào, ông này nói: Khu vực ông hỏi toàn là đất dự án mà ông mua làm cái gì. Mua mất tiền ráng chịu đó nghe.

Chúng tôi ghé thăm một khu dự án du lịch nghỉ dưỡng của Cty D.S (Hà Nội) rộng 13ha,  được UBND tỉnh Kiên Giang cấp chủ trương từ 2017, chủ đầu tư đã đóng tiền ký quỹ 10 tỷ đồng. Qua khảo sát toàn bộ đất trong vùng dự án đã bị lấn chiếm trái phép, có khoảng 100 ngôi nhà kiên cố, biệt thự đã mọc lên. Nhiều công trình nhà cửa, đường bê tông cũng đang được tập kết vật tư hối hả thi công. Ở mặt tiền đường lộ có nhiều quán hàng, nhà trọ, công ty.

Tay “cò đất” tên Kh thấy có khách hỏi mua đất tỏ ra mừng rỡ, giới thiệu: “Các bác muốn mua kiểu nào cũng có. Nếu mua miếng 2,3 công (2.300m2), vừa xây nhà xong, kẹt tiền nó bán về Bắc, giá 15 tỷ. Không lấy miếng đó thì lấy miếng 800m2 ở phía trong chỉ có 4,5 tỷ”. Thấy chúng tôi băn khoăn về tính pháp lý của các lô đất chào bán, tay “cò” chặc lưỡi: “Thôi các bác cứ sang quán cà phê bên cạnh, có bà chị bà ấy giải thích, bao hết giấy tờ”…

Bà chủ quán cà phê ở độ U60, người tầm thước, mập mạp, giọng Hà Nội chậm rãi: “Đất vùng này có chủ hết rồi. Bây giờ thì cũng mua đi bán lại thôi. Ở đây tôi bán cho biết bao nhiêu người, tổng cộng cả mấy chục ngàn m2. Nhà tôi làm ở Bộ X…, cũng vừa về hưu. Ở đây mua bán chỉ cần giấy tay với nhau thôi. Nếu các chú mua của tôi thì tôi bao luôn mảng xây dựng. Có chú em dân Hải Phòng đây, chú này chuyên xây nhà cho dân khu vực này, các chú chả lo cái gì. Có miếng hơn một ngàn mét vuông mặt tiền gần quán cà phê nhà, tôi lấy 9 tỷ thôi”.

“Bám trụ”

Như Tiền Phong đã thông tin, tại ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu, đoạn cầu 17-18, có khoảng 30ha đất trước đây thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc, sau khi có quyết định  của Thủ tướng ngày 11/5/2010 về điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, đất này được chuyển mục đích sử dụng.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ phát hiện khoảng 1ha bị dân lấn chiếm nhưng chưa bị xử lý. Tuy nhiên, theo điều tra của Tiền Phong, năm 2017 chỉ có 3 hộ dân lấn chiếm, nhưng đến đầu năm 2020 đã có gần trăm hộ dân bao chiếm khoảng 30 ha, phân lô bán nền. Ít nhất 60 hộ dân đã xây cất nhà. Một cán bộ xã nói: Chính quyền địa phương nhiều lần cưỡng chế đưa dân ra khỏi rừng nhưng bất lực vì bị chống đối quyết liệt.

“Vụ việc bây giờ không còn thẩm quyền giải quyết của xã nữa. Theo chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã khoanh vùng đất rừng bị lấn chiếm, đo đạc, kiểm đếm, phân loại đối tượng…”, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu Huỳnh Văn Định nói.

Tại xã Gành Dầu không chỉ có điểm nóng nói trên. Tại khu vực Suối Lạng, nằm hoàn toàn trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phú Quốc, cơ quan chức năng phát hiện 64 vụ lấn chiếm đất rừng, diện tích trên 50ha.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, hạt kiểm lâm huyện và Vườn quốc gia Phú Quốc cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét , xử lý các điểm nóng lấn chiếm, phá rừng. Kiểm lâm huyện đã phát hiện 74 vụ vi phạm lâm luật…

Theo ông Huỳnh Long Hải, tình hình phá rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng và cháy rừng vẫn còn diễn ra và ngày càng phức tạp. Các đối tượng khi thực hiện các hành vi vi phạm luôn cho người canh đường, theo dõi bất kể thời gian nào. Điều này khiến cơ quan chức năng rất khó  phát hiện vi phạm quả tang và điều tra truy tìm đối tượng vi phạm. 

“Ông Th. đến từ Hà Nội “khoe” có miếng đất 52 ha, vị trí đẹp, gần dãy núi Bảy Rồng, ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, cần bán cho tập đoàn lớn, giá 200 tỷ. Tuy nhiên khi dẫn đại diện Cty chúng tôi đi xem đất thì kiểm lâm xuất hiện, yêu cầu ra khỏi rừng. Lúc này chúng tôi xem hồ sơ đất thì có dấu hiệu ngụy tạo. Ông Th. mặt mày biến sắc khi biết mình bị lừa”.  

MỚI - NÓNG