Những 'thủ lĩnh' vì cộng đồng

Nguyễn Thế Hưng (giữa) tại chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ” tại Ðại học Montana, Mỹ (6/2015). Ảnh: NVCC.
Nguyễn Thế Hưng (giữa) tại chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ” tại Ðại học Montana, Mỹ (6/2015). Ảnh: NVCC.
TP - Chương trình “Finding Eco-Truy tìm sinh thái” do Trung tâm Phát triển sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E), với sự hỗ trợ của Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung Văn phòng Ðông Nam Á và Vụ Khoa học- Giáo dục - Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) tổ chức tại Hội An có sự góp mặt của 30 thủ lĩnh sinh viên đến từ Việt Nam và các nước trong khu vực. Xin giới thiệu 3 gương mặt “thủ lĩnh” tiêu biểu.

I – Từ hành trình xanh đến phao trong lũ

NGUYỄN THẾ HƯNG - sinh năm 1993 đến từ Hà Nội, sinh viên Ðại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Go Green-Hành trình Xanh. Hưng là một trong 4 đại diện nghiên cứu sinh Việt Nam tham dự chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Ðông Nam Á về vấn đề môi trường toàn cầu" tại Ðại học Montana, Mỹ tháng 6/2015 và tham dự nhiều hội thảo trong nước và quốc tế khác.

Go Green-Hành trình Xanh thành lập từ năm 2008 với nhiều dự án vì môi trường, hiện có hơn 50 thành viên chính thức và hàng trăm tình nguyện viên (TNV). Câu lạc bộ hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân bằng các chương trình như Thợ xanh thành phố, các gian hàng xanh... Trong đó Thợ xanh thành phố là chương trình tổ chức thường niên, các bạn đạp xe quanh thành phố Hà Nội trải nghiệm những thách thức từ môi trường. “Chúng mình phối hợp với các nhà hàng, chợ, công viên để triển khai chương trình. Theo đó, đi qua các nhà hàng, các bạn sẽ tự nấu ăn sạch và tiết kiệm năng lượng, học cách không sử dụng túi ni lông… Ðồng thời tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người”- Hưng cho biết. Sắp tới, chương trình Ngày sống xanh cũng được thực hiện tại một số trường THCS ở Hà Nội và Thái Bình. Tại đây diễn ra các hội chợ triển lãm, gian hàng đổi đồ cũ, tái sử dụng, hướng dẫn các thí nghiệm khoa học như biến đổi khí hậu, băng tan,… dành cho các em lớp 6.

Những 'thủ lĩnh' vì cộng đồng ảnh 1

Nguyễn Thế Hưng trong dự án Phao trong lũ tại Quảng Nam.

Tháng 6/2015, Nguyễn Thế Hưng cùng 3 bạn Nhâm Khánh Linh (Ðại học Kinh tế Hà Nội), Trần Thị Thục Huyền (Ðại học KHXH&NV TP.HCM) và Lê Phúc Khương (Ðại học Ngoại thương TPHCM), đại diện Việt Nam tham dự Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ tại Mỹ. Sau đợt này, cả 4 bạn bắt tay vào thực hiện sáng kiến vì môi trường, giảm thiểu rủi ro bão lũ mang tên “Phao trong lũ”. Ðịa điểm thực hiện tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ðây là xã giáp sông Thu Bồn và cửa biển, đỉnh lũ năm 2009 dâng tới hơn 2 mét. Dự án được thực hiện cuối tháng 9/2015, trao 59 phao cứu sinh cho trẻ em khối 6 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn hàng ngày phải qua sông đến trường. Ðồng thời nhóm mời các bác sĩ ở Bệnh viện Thủ Ðức và Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) tổ chức dạy ứng cứu khi bị ngạt nước, cho các em nơi đây. 

Cũng tại đây, mô hình “vườn nổi” được Hưng và các bạn thực hiện thí điểm cho hộ dân ven sông. Mỗi vườn nổi diện tích 3m2, gồm các thùng xốp ráp nối với các thanh tre dài, người dân có thể trồng rau bên trên, khi lũ lên vườn cũng nổi theo lên, bảo đảm trong bão lũ người dân vẫn có nguồn rau xanh. Quỹ được tài trợ từ chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ tại Mỹ và cộng đồng. Dự án Phao trong lũ sẽ tiếp tục tại một vùng lũ khác trong năm 2016 này.

II - T Lập Phương và THINK Huế

LÊ NGUYỄN THÀNH LONG (sinh năm 1997) là sinh viên năm nhất, Ðại học Ngoại ngữ Huế - thành viên Ban tổ chức chương trình “Diễn đàn lãnh đạo trẻ Huế”, thành viên ban tổ chức chiến dịch THINK Huế, và cũng là người thành lập nhóm tình nguyện T Lập Phương (viết tắt của Trẻ Tự Tin) - tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em khuyết tật, mồ côi,…

Những 'thủ lĩnh' vì cộng đồng ảnh 2

Lê Nguyễn Thành Long trong chương trình “Thủ lĩnh sinh viên Truy tìm sinh thái” do C&E tổ chức tại Hội An. Ảnh: Nguyễn Trang.

Với mong muốn trẻ em có thể nói ra suy nghĩ, và thông qua các hoạt động vui chơi để hòa nhập cộng đồng, phát triển kỹ năng sống cần thiết, Long đã thành lập ra T Lập Phương. Bởi như chia sẻ của Long: “Hồi tiểu học, chính em cũng từng mong mọi người lắng nghe ý kiến của mình, nhưng thật khó vì người lớn cho rằng chúng em chỉ là trẻ con. Thật ra, trẻ em có nhiều ý tưởng rất thú vị”.

“Mình và các bạn cùng khảo sát, phỏng vấn những người nước ngoài, khách tham quan về những vấn đề du lịch, văn hóa và con người Huế. Qua đó, chúng mình sẽ có tiếng nói giúp Huế ngày càng hoàn thiện hơn trong mắt du khách, từ món ăn cho đến các dịch vụ”.

Thành Long cho biết

Nhóm T Lập Phương thành lập năm 2014 gồm 10 thành viên. Nhóm dành những tháng hè lên thăm những đứa trẻ ở chùa Ðức Sơn, xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, Huế) - nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ nghèo mồ côi. Kết quả, những đứa trẻ được chơi cùng với nhóm đã dạn dĩ, tự tin hòa nhập hơn rất nhiều. “Có một em nhỏ bị mù đã không còn mặc cảm, nhờ các anh chị bày cách chụp ảnh”, Long kể. Ðiều nhóm mong muốn  là truyền đạt kỹ năng sống, tự tin khi các em bước ra cuộc đời.

Cũng trong năm 2014, Long tham gia vào chương trình “Diễn đàn lãnh đạo trẻ Huế” và là một trong 10 thành viên Ban tổ chức. Diễn đàn lãnh đạo trẻ là nơi các bạn trẻ trao đổi, thảo luận về các vấn đề văn hóa, giáo dục,… Một trong những thành công lớn của diễn đàn chính là dự án THINK Huế, với hơn 50 bạn tham gia. Long cho biết: “Mình và các bạn cùng khảo sát, phỏng vấn những người nước ngoài, khách tham quan về những vấn đề du lịch, văn hóa và con người Huế. Qua đó, chúng mình sẽ có tiếng nói giúp Huế ngày càng hoàn thiện hơn trong mắt du khách, từ món ăn cho đến các dịch vụ”.

Dự án đã phỏng vấn hơn 100 khách nước ngoài và nhận được nhiều tín hiệu tốt, gây tiếng vang, nhất là sau khi hoàn thiện chương trình hồi tháng 2/2015.

III - Cô gái Cần Thơ tình nguyện vì trẻ em

Cô gái miền sông nước Cửu Long ÐỖ MINH KHANG (sinh 1992, phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), vừa tốt nghiệp Ðại học Cần Thơ - giải khuyến khích cuộc thi hùng biện tiếng Anh Wilmar Agro Vietnam 2013. Minh Khang cũng là thành viên Ban tổ chức chương trình “Sinh viên huấn luyện” (Coach for College) được tài trợ bởi tổ chức Ðông Tây Hội Ngộ, dành cho các bạn sinh viên dạy cho các em nhỏ cấp 2 các môn văn hóa và thể thao.

Những 'thủ lĩnh' vì cộng đồng ảnh 3

Ðỗ Minh Khang (đứng ở giữa) cùng các bạn trong chương trình Sinh viên huấn luyện (Coach for College). Ảnh: NVCC.

Khang cũng tham gia các hội thảo ASEAN Future Leaders Summit các năm 2013-2014 tại các nước Ðông Nam Á về vấn đề môi trường. “Từ hội thảo ở Thái Lan, mình được học hỏi nhiều về môi trường, ví dụ như những cây cọ được dùng làm đồ thủ công và mang lại hiệu quả kinh tế… Tại Malaysia và các nước, thông qua các hội thảo, khóa huấn luyện, mình học hỏi được nhiều điều thiết thực về các hoạt động tình nguyện”, Khang cho biết.

Sinh ra trong gia đình nhà giáo gốc Hậu Giang, khi Khang lên 2 tuổi cả nhà dời lên Cần Thơ sinh sống. Ði về những vùng đất, Kha nhận thấy ở Hậu Giang, nhiều đứa trẻ dậy từ 5 giờ sáng đạp xe đến trường vì nhà quá xa, có đứa chèo thuyền đến. Nhiều nhà khó khăn kinh tế, những đứa vừa lên cấp 2 đã nghỉ học đi làm thuê ở Bình Dương. Những ngày là tình nguyện viên, Khang dạy học cho những đứa trẻ ấy. Khang kể về một câu chuyện buồn khó quên: “Một cậu bé bị bệnh tim nhưng giấu mẹ vì sợ bị bắt nghỉ học. Mình nói bé là mình sẽ hỗ trợ cho em học, nhưng sau này khi mình tìm lại thì em đã đi làm thuê cho người ta rồi”.

Chương trình Sinh viên Huấn luyện  tại Ðà Nẵng thực hiện tại trường THCS Trần Quang Khải và trường THCS Phạm Văn Ðồng. Tại đây, Khang cùng các sinh viên tình nguyện Mỹ dạy các em về thể thao như chơi bóng chuyền, bóng đá… và các hoạt động văn hóa. Khang cho biết: “Một môi trường vừa có văn hóa vừa có thể thao sẽ giúp giảm tỷ lệ bỏ học”. Hiện nay, Khang là một nhân viên chính thức của tổ chức Ðông Tây Hội Ngộ để tiếp tục giúp đỡ trẻ em các vùng miền.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.