Giải thưởng "15 tháng 10":

Những thủ lĩnh Đoàn kết nối người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai thủ lĩnh Đoàn, một người ở miền Trung, một ở vùng Tây Bắc, luôn có sáng kiến tập hợp thanh niên để triển khai các hoạt động hiệu quả. Cả hai đều nhận giải thưởng "15 tháng 10" của T.Ư Hội LHTN Việt Nam năm nay.

Đưa điện sáng đến người nghèo

Anh Trần Văn Hiếu, SN 1992, Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã hơn chục năm gắn bó với công tác Đoàn, Hội. Trong những lần đi khảo sát, hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo trên địa bàn, nhận thấy bên trong những ngôi nhà cũ kỹ có hệ thống điện chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, anh Hiếu đã đề xuất triển khai mô hình "Điện sáng cho người nghèo" và tích cực vận động kinh phí.

Những thủ lĩnh Đoàn kết nối người trẻ ảnh 1

"Thợ điện áo xanh” thực hiện mô hình "Điện sáng cho người nghèo" trên địa bàn phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. - Ảnh: NVCC

"Ban đầu nhiều người hoài nghi, rằng ở thành phố mà còn triển khai mô hình điện sáng cho người nghèo, chẳng nhẽ những hộ đó chưa có điện hay sao? Nhưng khi được giải thích, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ", anh Hiếu nói.

Bắt tay thực hiện, anh Hiếu và nhiều cán bộ, hội viên trở thành "thợ điện áo xanh” đến từng nhà khảo sát, lên phương án và dự trù kinh phí. Có kinh phí, các anh kéo đường dây điện mới, lắp hệ thống ổ cắm, công tắc và bóng đèn tiết kiệm điện. "Chúng tôi rất thận trọng khi thi công vì nhiều nhà có tường, hệ thống xà cột đã cũ yếu", anh Hiếu cho biết.

Những thủ lĩnh Đoàn kết nối người trẻ ảnh 2

Anh Giàng A Hải (đứng), Bí thư chi Đoàn Trung tâm Văn hóa Thể thao Truyền thông huyện Bắc Hà (Lào Cai) dạy khèn cho học sinh. - Ảnh: NVCC

Từ đầu năm 2020 đến nay, mô hình của anh Hiếu đã mang đến hệ thống chiếu sáng mới cho 38 hộ dân, chi phí thay lắp trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/hộ, có hộ lên đến 5 triệu đồng.

Để giúp các hộ khó khăn trên địa bàn, anh Hiếu còn triển khai nhiều mô hình, hoạt động khác, như: hỗ trợ phương tiện sinh kế, nâng bước em đến trường, khu vui chơi xanh... Gần đây là hoạt động "Bữa cơm 0 đồng" cung cấp gạo, thực phẩm trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát.

Anh Hiếu chia sẻ, kinh phí triển khai các hoạt động an sinh xã hội chủ yếu được vận động trong từng đoàn viên, hội viên, thanh niên qua việc tiết kiệm, bán phế liệu. "Chúng tôi vận động mỗi đoàn viên, hội viên tiết kiệm mỗi ngày ít nhất 5 - 10 nghìn đồng. Tôi nêu gương mỗi ngày bỏ 10 nghìn đồng vào heo đất để ở phòng làm việc. Trong các cuộc họp giao ban, tôi và thành viên tham gia cuộc họp đều “cho heo ăn”. Việc mổ heo đất thu hoạch diễn ra sau Tết Nguyên đán", anh Hiếu cho hay.

Anh Hiếu còn có sáng kiến trong đoàn kết tập hợp thanh niên. Với mô hình “sinh hoạt 1 - 2" (một đoàn viên, hội viên vận động thêm một thanh niên khác và một thiếu nhi tham gia sinh hoạt), anh triển khai khá hiệu quả trên địa bàn phường.

Tiếng khèn kết nối người trẻ

Để tập hợp những người cùng sở thích về khèn và văn hóa dân tộc Mông, anh Giàng A Hải, SN 1990, Bí thư chi Đoàn Trung tâm Văn hóa Thể thao Truyền thông huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã đứng ra vận động, thành lập CLB khèn Mông trực thuộc Hội LHTN Việt Nam huyện Bắc Hà. "Năm 2019, tôi về Bắc Hà công tác. Khi nói về việc thành lập CLB khèn, dù nhiều người không phản đối, nhưng cũng chưa đồng tình ủng hộ", anh Hải chia sẻ.

Anh Hải kiên trì tiếp cận những người có uy tín trong cộng đồng, các nghệ nhân để từ đó chia sẻ ý tưởng đến với mọi người. Cuối tháng 8/2020, CLB khèn Mông ra đời với 34 thành viên, gồm nghệ nhân, thanh thiếu niên trên địa bàn. Trong đó người lớn tuổi nhất là 60, nhỏ nhất 9 tuổi. Sau một năm hoạt động, CLB trở thành mái nhà chung của hơn 105 thành viên, trong đó phần lớn là học sinh tiểu học, THCS. Năm 2020, anh Hải tổ chức thành công chương trình "Lan tỏa văn hóa Mông", Hội thi múa khèn Mông huyện Bắc Hà lần thứ I.

Không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa, tiếng khèn còn nuôi sống nhiều thành viên CLB. “Trước đây một số bạn đi biểu diễn ở các homestay, điểm có khách du lịch, nhưng thu nhập không đều. Từ khi tham gia CLB, các bạn đi biểu diễn có tổ chức, nguồn thu nhập cao hơn, trung bình một tuần các đội biểu diễn hai buổi, thu nhập từ 1,5 - 4,5 triệu đồng/đội/buổi”, anh Hải cho biết.

"Là một thủ lĩnh thanh niên, tôi luôn tự nhủ đầu tiên phải giữ được phong trào, giữ được lửa trong thanh niên; phải có mô hình, hoạt động thiết thực thì mới thu hút, giữ chân được người trẻ gắn bó với tổ chức. Chính những điều này đã luôn thôi thúc tôi có những ý tưởng, sáng kiến trong hoạt động thanh niên”.

Anh Trần Văn Hiếu, Bí thư Đoàn phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng

Để kết nối thế hệ trẻ với tiếng khèn truyền thống, anh Hải và các nghệ nhân trong CLB đã tổ chức 2 lớp dạy khèn miễn phí cho hơn 50 học sinh tiểu học và THCS xã Bản Phố (huyện Bắc Hà) vào các buổi tối tại Nhà văn hóa thôn Bản Phố. Lớp học dự kiến kéo dài 9 tháng.

"Kết thúc khóa học, mỗi học viên có thể chơi thành thạo hơn 30 bài khèn theo nghi lễ chính của đồng bào Mông. Nhiều em có tố chất, kiên trì rèn luyện, có thể vươn lên thành những nghệ nhân trong tương lai", anh Hải chia sẻ.

MỚI - NÓNG