Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp

TPO - Hai gương mặt trẻ thơ không khóc, không cười, chỉ lặng lẽ ngồi cạnh bà, ăn gói bánh được cho. Khăn quàng đỏ sau khi đi học về vẫn còn nguyên trên cổ của hai hình hài gầy rơ, xanh yếu. Nỗi đau thể xác vì bệnh tật, nỗi đau tinh thần vì mẹ mất đã cùng một lúc trút xuống hai anh em Hiệp (SN 2007) và Ly (SN 2009).  

Nỗi đau đè nặng

Tìm đến nơi hai bé Ly và Hiệp ở không khó, bởi đi đến xóm Cống, thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội hỏi bất cứ người dân nào, ai cũng biết gia đình “nhà bà Thủy có hai cháu nội bị bệnh tim”. 

Gia đình vốn đã thuộc hộ nghèo trong xã, 2 đứa trẻ Nguyễn Quý Hiệp (10 tuổi) và Nguyễn Khánh Ly (8 tuổi) sinh ra lại thiệt thòi bởi mang trong mình những trái tim không khỏe mạnh. 

Hiệp bị dị dạng xương lồng ngực và hở van tim hai lá. Tuy học lớp 4 nhưng Hiệp gầy yếu và có nét trầm ngâm hơn so với độ tuổi đáng ra phải nhí nhảnh hồn nhiên. Bệnh của em luôn ở trong tình trạng theo dõi và chờ phẫu thuật.

Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 1

Hai anh em Hiệp, Ly bị bệnh tim bẩm sinh nên chỉ có thể chơi loanh quanh, nhẹ nhàng

Năm 2007, gáo nước lạnh tiếp tục bị dội xuống gia đình nhỏ, khi Khánh Ly – đứa con gái nhỏ cả nhà mong đợi cũng bị hở van tim, hơn nữa mặt bị nhược thị khiến thị lực chỉ còn 2/10. Kể từ đó là cả chuỗi ngày chuỗi ngày chạy vạy khắp nơi của những thành viên trong căn nhà 10 mét vuông.

Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 2

Ít chạy nhảy hơn bạn bè cùng trang lứa, hai em lặng lẽ ngồi cạnh nhau xem bộ phim hoạt hình yêu thích

Hè năm 2016, Hiệp đã được phẫu thuật điều trị lần một. Bác sĩ hẹn hè năm nay, phẫu thuật lần hai nhưng vì chưa có đủ tiền nên gia đình em chưa biết tính thế nào. Về bệnh của Ly, em phải đi khám mắt hàng tháng và khám tim 3 tháng 1 lần. Ngày nào cũng phải uống thuốc bệnh này bệnh kia, đứa trẻ lớp 2 ấy trở nên sợ thuốc.

Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 3

Chiếc xương ở lồng ngực Hiệp nhô ra sau phẫu thuật lần 1

Tuy ốm yếu và thiếu thốn về vật chất, nhưng hai em Hiệp và Ly đã luôn được sống trong sự đùm bọc và tình yêu thương của bố mẹ và bà nội. Nhưng sự nghiệt ngã vẫn bám lấy số phận của hai đứa trẻ, khi vào đầu năm 2016 người mẹ tảo tần đột ngột qua đời ở tuổi 34. 

Quá đau buồn trước sự ra đi của vợ, anh Nguyễn Quý Thơ (sinh năm 1986) không tập trung được vào công việc thợ xây của mình. Cách đây không lâu anh bị ngã giàn giáo và gãy chân, phải điều trị mất 3 tháng. Tuy nay đã hồi phục nhưng anh Thơ vẫn chưa thể làm những việc nặng. Mẹ mất, cha gãy chân, mọi sinh hoạt và cuộc sống của hai anh em đều do một tay bà nội săn sóc.
Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 4 Anh Nguyễn Quý Thơ trầm lặng và ít nói hơn kể từ ngày vợ mất
Kể về phận mình, phận của gia đình mình, cô Đỗ Thị Thủy (bà nội của hai bé), chốc chốc lại đưa tay lau nước mắt. Bởi những trái ngang của cuộc đời, người phụ nữ góa bụa ấy có vẻ ngoài khắc khổ và già hơn so với tuổi 54. 
Không khỏe mạnh gì cho cam, cô Thủy bị bướu cổ và thoát vị đĩa đệm. Sau ca phẫu thuật năm ngoái, cô phải mang trong mình nẹp sắt và rất nhiều đinh phía trong lưng để giữ cột sống luôn thẳng. Sức khỏe không tốt, cô không thể làm gì để kiếm thu nhập, nên kinh tế trong nhà đều dựa cả vào anh Thơ.

Nói về hai đứa cháu nhỏ, cô xót xa: “Chiều chiều, thấy những đứa trẻ khác gọi mẹ, nhìn lại cháu mình chỉ lủi thủi ngồi ở góc giường, không còn mẹ để gọi, nước mắt tôi lại trào ra.”.

Tết vừa rồi, cô gom góp chắt chiu được ít tiền may cho cháu trai bộ complet (com lê), mặc được mấy phút ra ngoài ngõ, Hiệp khóc tức tưởi đi vào nhà. Hỏi ra mới hay, vì cái áo nặng, em không mang nổi trên người. Nói đến đây, cô Thủy nghẹn giọng, nước mắt chảy dài vì thương cháu “Có bộ quần áo mới mà không thể mặc”.

Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 5 Cô Thủy không thể giấu những giọt nước mắt khi nhắc đến cháu
Niềm vui lớn nhất trong căn nhà tạm

Hai năm đi học, Ly đều giành danh hiệu học sinh giỏi, nhận được rất nhiều bằng khen của trường cũng như chính quyền xã. Đặc biệt, em còn có tên trong danh sách thi viết chữ đẹp của xã. Nhưng vì mắt kém, mà cuộc thi viết chữ đẹp đòi hỏi sự tập trung thị lực cao nên gia đình và cô giáo chủ nhiệm đã xin cho em ra khỏi đội tuyển. 

Hỏi đến học lực của hai cháu, mắt cô Thủy sáng lên những niềm tự hào, hi vọng: “Hai anh em nó đều chăm học lắm. Nhưng Ly thì học tốt hơn anh. Cháu có khả năng ghi nhớ rất tốt. Chỉ cần đọc qua 1, 2 lần là có thể thuộc làu.”.

Bằng khen, giấy khen treo hàng dài trên tường chính là những vật giá trị nhất trong căn nhà tạm. Đó là động lực, là minh chứng cho tài năng và sự nỗ lực của hai anh em, cũng là niềm an ủi to lớn cho bố, cho bà.

Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 6 Niềm vui lớn nhất trong gia đình là những bằng khen Khánh Ly đem về
Tuy ít tuổi nhưng hai em rất hiểu chuyện, đặc biệt là Khánh Ly. Thấy bà khóc vì nhớ và thương con dâu, Ly ôm bà thủ thỉ: “Bà ơi, bà đừng khóc. Bà nhớ thì bà giữ trong lòng, càng khóc bà sẽ càng lâu nguôi ngoai.”. 
Có đôi lần, em nói với bà “Con chỉ ước nhà mình đông đủ, sống bình an. Con có bà, có bố, có mẹ, có anh trai.” Nhưng rồi dần dần ước mơ ấy của em chỉ được nhắc lại trong giấc ngủ bởi em biết rằng điều ấy không thể thành sự thật.

Trong ánh mắt lơ đễnh, trong nụ cười thẹn khi gặp người lạ, Hiệp và Ly chôn chặt một nỗi buồn sâu thẳm, nỗi nhớ mẹ da diết để cố gắng học tập và uống thuốc đều đặn mỗi ngày.

Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 7 Hai em biết rằng dù không được ở gần nhưng mẹ vẫn sẽ luôn dõi theo
Được sự giúp đỡ của chính quyền xã Ngọc Mỹ, gia đình bà Thủy là 1 trong 7 hộ trong xã nhận trợ cấp 40 triệu đồng theo chính sách 138 của huyện Quốc Oai. Cùng sự góp sức của xóm làng và họ hàng, một ngôi nhà mới rộng 50 mét vuông đã được khởi công ngày 24 tháng Giêng. Do ngôi nhà cũ đã bị rỡ bỏ, nhà mới chưa hoàn thiện nên gia đình 4 người tá túc tạm trong nhà thờ Họ. Dù điều này theo tâm linh là kiêng kị nhưng không thể làm gì khác.

Ông Bùi Trọng Dung (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc xã Ngọc Mỹ) chia sẻ: “Gia đình bà Thủy là gia đình trọng điểm hộ nghèo của xã. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng trường hợp gia đình này thì khiến cho cả xã phải xót xa.” Ông Dung cũng mong rằng các cá nhân, đoàn thể có khả năng thì cùng chung tay giúp đỡ cho gia đình, đặc biệt là hai đứa nhỏ, để hai em có một trái tim khỏe mạnh và được đi học đến nơi đến chốn.

Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 8 Căn bếp tạm bợ đồng thời cũng là nhà tắm của cả nhà
Những thổn thức của hai trái tim chệch nhịp ảnh 9 Ngôi nhà mới đang được thi công dần hoàn thiện
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.