Những thiên thần bị bỏ rơi

Nhiều ca đến tư vấn phá thai là những cô gái chưa lập gia đình
Nhiều ca đến tư vấn phá thai là những cô gái chưa lập gia đình
TP - Không ít những sinh linh bé nhỏ, thậm chí chưa kịp thành hình hay cất tiếng khóc chào đời đã bị chối bỏ. Những “thiên thần bị bỏ rơi” này là nỗi đau và để lại không ít hệ lụy. 

Kỳ 1: Cay đắng “khoa bỏ”

Có cả trăm lý do khiến những cô gái trẻ chọn giải pháp bỏ con: vì lầm lỡ, phải tiếp tục việc học, chưa sẵn sàng làm mẹ, sợ điều tiếng “không chồng mà chửa”… 

Không chịu thấu

Nhắc đến bệnh viện (BV) Từ Dũ - BV phụ sản lớn nhất TPHCM, nhiều người gọi bằng những cái tên mỹ miều: BV hạnh phúc, BV nụ cười… vì ở đó, các gia đình trẻ đến tìm con, đến để chào đón một thành viên mới trong gia đình ra đời. Nhưng ở đây còn được gọi bằng những cái tên gợi sự xót xa, đau đớn: “Khoa bỏ” khi nói về Khoa Kế hoạch Gia đình. Gọi là “Kế hoạch hóa gia đình” nhưng không ít trong số những người xếp hàng tại đây là những bạn trẻ chưa có gia đình. Đó là những cô gái trẻ, chủ yếu đến để bỏ đi giọt máu đang tượng hình trong cơ thể. Những lý do để người ta phải bỏ đi giọt máu của mình thật muôn hình vạn trạng: Người do thai bệnh lý, người đã lập gia đình nhưng “nhỡ” không sử dụng biện pháp tránh thai, hay có những bạn trẻ khi được bác sĩ hỏi còn hồn nhiên trả lời “không biết vì sao lại có thai”.

Chúng tôi đến “Khoa bỏ” vào một ngày giữa tháng 7, trong cơn mưa lâm thâm. H (sinh viên một trường đại học tại TPHCM) che khẩu trang kín mít, rụt rè nộp giấy đăng ký khám và tư vấn bỏ thai. Vân vê tà áo, H cho hay, người yêu cũng chính là sếp hướng dẫn thực tập cho H hồi năm ngoái. Sự chín chắn, đĩnh đạc của anh người yêu hơn gần chục tuổi đã hút hồn cô sinh viên chuẩn bị ra trường. Khi khóa thực tập kết thúc cũng là lúc cánh cửa tình yêu đẹp như mơ đối với H mở ra.

Số liệu từ Khoa Kế hoạch Gia đình BV Từ Dũ cho thấy, trong năm 2019, đơn vị này đã thực hiện phá nội khoa dưới 9 tuần là 13.853 ca; hút thai dưới 12 tuần là 8.687 ca; gắp thai từ 13-17 tuần là 3.250 ca; nhập viện từ 18-22 tuần là 371 ca; nạo sinh thiết 1.105 ca. Trong số đó, tỷ lệ người trẻ đến phá thai chiếm hơn 50%.

Những thiên thần bị bỏ rơi ảnh 1 Khi đã đến “khoa bỏ”, ít người thay đổi quyết định

“Em đã mơ về một gia đình hạnh phúc sau khi ra trường. Thế nhưng khi em báo tin mình có thai hơn 5 tuần, anh ấy mới khai thật đã có gia đình, vợ cũng đang mang thai đứa con đầu lòng sắp sinh nên không thể để đứa con của em chào đời. Khóc lóc, van xin vô ích, em quyết định bỏ thai. Bởi nếu có giữ, một mình em cũng không nuôi nổi, rồi còn tương lai của em nữa…” - H rớm nước mắt, bỏ lửng câu nói.

Nhấp nhổm chờ gọi tên là chị N, một người nội trợ. Mới ngoài 30 nhưng N đã có 3 mặt con, và đây là lần đến “khoa bỏ” thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 năm của chị. “Chồng làm mộc, lúc hết việc thì chạy xe ôm, mình ở nhà nội trợ và chăm 3 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới học lớp 4, đứa nhỏ vừa tròn 3 tuổi. Mặc dù mình đã canh ngày tránh thai nhưng vẫn “dính” tận… 2 lần” - N bộc bạch và tư vấn cho tôi, nếu thai nhỏ mà muốn bỏ thì cứ uống thuốc cho an toàn, lần trước mình cũng phá bằng thuốc một lần rồi, vừa dễ thực hiện lại không phải động dao kéo gì.

Vừa nghe gọi tên, T (24 tuổi) giật mình “dạ” rồi bước nhanh theo cô y tá vào phòng tư vấn. Sau khi tìm hiểu các phương thức bỏ thai và những nguy cơ có thể gặp phải, T vẫn quyết định chọn giải pháp “bỏ giọt máu” đã gần 10 tuần. “Em cũng muốn giữ nhưng bạn trai không chịu cưới. Không chồng mà chửa, cái tiếng xấu ấy em và gia đình chịu không thấu” - T nuốt vội viên thuốc phá thai rồi quay mặt, nhanh lau giọt nước mắt chực chờ rơi xuống. Hít một hơi mạnh, T bước vào phòng thủ thuật. Cô tự nhủ: “Sẽ nhanh thôi, một chút là xong...”.

Tiếng các loại dụng cụ inox trong phòng thủ thuật va nhau loảng xoảng. Một cô gái bước ra, khuôn mặt đẫm nước mắt vì đau đớn, dáng đi liêu xiêu được nữ y tá dìu đến phòng chờ nằm nghỉ. Cô sờ tay xuống bụng, không còn gì “động đậy” bên trong nữa… Một sinh linh đã rời khỏi cuộc đời!

Xót xa đến thắt lòng

Hơn 10 năm công tác tại “khoa bỏ”, Ths.BS Nguyễn Thị Bích Ty - Phó trưởng Khoa Kế hoạch Gia đình của BV Từ Dũ tâm sự, ngoài những thai nhi có vấn đề buộc phải bỏ, không ít trường hợp có thai do bị xâm hại, do lầm lỡ. “Trong suốt những năm hành nghề, tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi, có cô gái mới 16, 17 tuổi, cũng có những bé gái mới chỉ 13, 14 tuổi được mẹ đưa đến bệnh viện phá thai. Những gương mặt non nớt đứng đợi ở phòng khám, run rẩy sợ hãi khi bắt đầu tiến hành nạo phá thai khiến các bác sĩ rất ám ảnh” - BS Bích Ty nói.

BS Bích Ty cũng đã gặp những trường hợp thai phụ tìm đến bệnh viện phá thai 2-3 lần, lần nào thai cũng lớn hơn 3 tháng. Gặp bệnh nhân đến quen mặt, bác sĩ phải buông lời trách mắng, hỏi tại sao không dùng biện pháp tránh thai để đến nỗi mang thai lớn thế này rồi mang đi phá bỏ. Rồi sau mỗi lần “giải quyết”, bác sĩ lại căn dặn cách ngừa thai, sử dụng bao cao su… họ “vâng dạ” đấy nhưng không biết có thực hiện hay không?

Trò chuyện với những kỹ thuật viên nơi làm thủ thuật phá thai, họ bảo chẳng ai muốn làm việc ở “khoa bỏ”. “Có những thai nhi ra ngoài chỉ là một hòn máu nhưng cũng có những thai nhi đã đầy đủ hình dạng chân tay. Những ca xử lý thai lớn luôn khiến chúng tôi đổ mồ hôi, phần vì khả năng đảm bảo an toàn cho người mẹ rất thấp, phần vì khi nhìn thấy thai nhi trong lòng lại dậy lên nỗi xót xa đến thắt lòng” - một kỹ thuật viên trải lòng.

Theo chuyên gia y tế, không ít người tìm đến những nơi nạo phá thai “chui”, thai 23-24 tuần vẫn phá… vô tư. Bình thường phá thai đã có nhiều nguy cơ, nhưng nếu chọn những nơi phá thai “chui”, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thì nguy cơ còn cao hơn. Nhiều trường hợp băng huyết, viêm mạc tử cung khi phát hiện đưa đến bệnh viện thì đã muộn; nếu may mắn giữ được tính mạng cũng ảnh hưởng đến sinh nở và sức khỏe sau này.

Đối với phá thai bằng thuốc không phải cứ uống thuốc là xong mà thai phụ cần phải được thăm khám tuổi thai nhi cũng như sức khỏe của bản thân. Trường hợp thai phụ nếu tùy tiện mua thuốc về dùng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn, bác sĩ chưa qua tập huấn về phá thai bằng thuốc, không theo dõi sát bệnh nhân, thai có thể không được tống xuất hoàn toàn dẫn đến sót thai, sót nhau thai gây băng huyết, mất máu dài ngày; nguy cơ nhiễm trùng tử cung cao.

         (Còn nữa)

“Bất cứ trường hợp nào đến bệnh viện, chúng tôi cũng tư vấn giữ đối với những thai khỏe mạnh, phát triển bình thường; nhưng đa số đều xin bỏ. Hiếm hoi một vài trường hợp xin về suy nghĩ lại, hôm sau họ gọi đến bảo sẽ không bỏ nữa. Mỗi lần như thế, tim tôi lại nhẹ gánh một phần, chỉ mong đứa trẻ có thể ra đời khỏe mạnh, sống một cuộc sống của chính mình!”. BS Bích Ty bộc bạch

MỚI - NÓNG