Những thí sinh hướng ngoại

TP - Thí sinh gửi hồ sơ về BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 đủ ngành nghề, trong đó có những cô sinh viên theo học kinh tế, ưa năng động và hướng ngoại.
Những thí sinh hướng ngoại ảnh 1

Hai cô gái đến từ Đại học Huế: Như Ý (trái) và Quỳnh Châu

Ba cô gái của Đại học Huế

Nguyễn Thị Như Ý, 20 tuổi học khoa Quản trị kinh doanh ĐH Kinh tế Huế nói: “Ngành học này là lựa chọn đúng nhất của em từ trước đến nay, vì tính em thích sự mới mẻ, sáng tạo không dập khuôn. Lúc đầu mẹ chỉ muốn em học ngoại ngữ, trở thành cô giáo dạy tiếng Anh cho nhẹ nhàng”. Cô gái này bảo, năng tham gia hoạt động ở trường và nhiều cuộc thi để hoàn thiện bản thân.

Gửi kèm nhiều giấy chứng nhận tham gia các cuộc thi, biết đâu không phải lợi thế? “Cái gì cũng có hai mặt, ban đầu nhiều người khuyên em không nên gửi, vì như thế dễ gây cảm giác quen mặt, không để lại cái gì mới mẻ. Tuy nhiên em nghĩ, đó chỉ là những cuộc thi cỡ trường, địa phương, Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi lớn. Đăng ký tham gia, em cứ hồi hộp, tò mò không biết cuộc thi tầm quốc gia sẽ ra sao”, Như Ý lý giải.

Cô sinh viên nói thêm, tham gia nhiều cuộc thi giúp hoàn thiện kỹ năng giao tiếp. Trước kia thường run bắn khi nói trước đám đông, nay phát lộ thêm kỹ năng thuyết trình, thậm chí có thể nói tốt trước cả nghìn sinh viên. Theo bạn những yếu tố nào cần cho một cuộc thi tầm quốc gia?

“Tham gia cuộc thi tầm cỡ như Hoa hậu Việt Nam, em nghĩ các bạn hình như tập trung quá nhiều vào hình thức. Chuẩn bị kỹ lưỡng từ ngoại hình là tất nhiên, nhưng nhiều bạn thiếu kiến thức xã hội, nền tảng xã hội. Nhiều bạn theo khuôn mẫu cứng nhắc. Em cố gắng thể hiện sự khác biệt”, cô nói.

Hoa khôi, Miss Đại học Huế 2012 Nguyễn Thị Như Ý nhắc đến cô bạn thân Nguyễn Thị Hà Vy, Á khôi 1 Duyên dáng giảng đường 2012, cũng tham gia thi Hoa hậu Việt Nam 2014. Đôi bạn cùng nhau sắm sanh, sửa soạn cho chuyến ra Hà Nội ngày 19/10. Vy nói, đây là chuyến ra Hà Nội đầu tiên của cô.

Kỳ vọng gì khi gửi hồ sơ? “Em coi đây là dịp giao lưu là chính, tuy vậy cũng tạo mục tiêu để bản thân có động lực. Con gái Huế có cái gì đó vẫn bị gò bó bởi phong tục Huế, nên chuyến ra Hà Nội này có thể giúp em làm mới mình”, Hà Vy nói. Cô nói thêm, ba mẹ cũng hơi lo vì con gái chưa đi đâu xa bao giờ, nhưng vui vẻ tạo điều kiện cho con vững tin.

Hoa hậu Việt Nam 2014 sơ khảo phía Bắc ngày 19/10 tại trụ sở báo Tiền Phong, chung khảo phía Bắc từ ngày 20-23/10 tại khu du lịch Nắng Sông Hồng. Sơ khảo phía Nam ngày 3/11 tại TTXVN-TPHCM, chung khảo từ ngày 4-8/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bạc Liêu. Vòng chung kết toàn quốc diễn ra từ 23/11 đến 6/12 tại Vinpearl, Phú Quốc.

Kỹ năng của những cuộc thi nhỏ, cấp cơ sở chưa phải tất cả hành trang cần có của mỗi thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2014. Cô sinh viên Tài chính, ĐH Kinh tế Huế bảo phải chuẩn bị kỹ càng hơn.

“Đại diện cho người con gái Huế, em càng nỗ lực hơn. Con gái Huế nói chung, sinh viên kinh tế ĐH Huế nói riêng khá năng động, nhưng có lẽ chưa sánh bằng các bạn Hà Nội, TPHCM. Em mong đây là cơ hội học hỏi, em nghĩ cũng tốt cho kỹ năng giao tiếp, tìm kiếm cơ hội với những sinh viên học kinh tế như em”, cô nói.

Một đại diện khác đến từ Huế, Nguyễn Thị Quỳnh Châu, vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế Huế. Được hỏi lí do chờ tới khi tốt nghiệp mới dự thi, cô lý giải, thời gian sinh viên lo học hành, sợ không có thời gian đầu tư cho cuộc thi. Tốt nghiệp, trong thời gian chờ xin việc, Quỳnh Châu muốn tranh thủ cơ hội để thể hiện cá tính.

Thiếu nữ Nùng gửi hồ sơ phút 89

Vi Kỳ Anh sinh năm 1995, sinh viên ngành Thương mại Quốc tế, ĐH Ngoại thương. “Mới đầu em hơi mất tự tin vì chiều cao trên 1m60, nhưng em rất muốn được gặp gỡ, học hỏi vì thực sự em thích hướng ngoại. Hồ sơ chuẩn bị cả tháng, cứ phân vân, mãi đến hôm cuối em mới gửi hồ sơ”, cô kể.

Có danh hiệu Á khôi 1 cuộc thi hoa khôi do tỉnh tổ chức, nhưng Vi Kỳ Anh khá rụt rè. Cô gái dân tộc Nùng đến từ Cao Bằng nói thêm, bố không biết con gái dự thi. “Vì bố bận lắm (làm ngành điện lực), em hay tâm sự với mẹ. Mẹ không muốn con gái đi thi lắm, nhưng nhờ thuyết phục nên cũng gật gù, để con gái tự quyết: Tham gia để cho mình có ý thức tự giác, khôn khéo trong xử lý tình huống, bạo dạn trong giao tiếp”, cô tâm sự.

Từ nhỏ được sự bao bọc của bố mẹ, cô gái Nùng này nói rằng, hòa nhập cuộc sống ở Hà Nội cũng là cách rèn luyện bản thân, dù sống cùng anh chị. “Thành phố Cao Bằng yên bình lắm. Em muốn thử sức ở những thành phố náo nhiệt, thậm chí nhiều cạm bẫy để rèn luyện bản lĩnh”, cô nói.

Có ý định tham gia cuộc thi, Vi Kỳ Anh có ý thức hơn về hình thể. Cô tự nhận, có người khen gương mặt và nụ cười rạng rỡ, còn bản thân thấy cần chuẩn bị sự dẻo dai hơn. Nhà gần hồ Thành Công, hằng ngày chạy ven hồ, Kỳ Anh khoe thấy người khỏe ra, không còn mệt mỏi như trước.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.