Những thế giới song hành

Những thế giới song hành
TP- Ngày 19/8/2008, cuốn tiểu thuyết “Man in the Dark” của nhà văn Paul Auster nguyên tác tiếng Anh, và bản dịch ra tiếng Việt “Người trong bóng tối” cùng lúc được bày bán trong các hiệu sách ở Mỹ và Việt Nam.
Những thế giới song hành ảnh 1

Một sự phối hợp thực hiện công việc tuyệt vời, thú vị giữa nhà văn và dịch giả trong thời đại “thế giới phẳng”. Thú vị hơn, bản thân cuốn sách có sức cuốn hút bạn đọc một cách lạ lùng ngay từ những trang đầu.

Brill, 72 tuổi, goá vợ, một nhà phê bình sách về hưu, sống với con gái 47 tuổi bị chồng bỏ đã 5 năm, và cháu gái 23 tuổi có bạn trai bị bắt cóc và bị hành hình man rợ trong cuộc chiến tranh Iraq.

Đêm nào Brill cũng trằn trọc nhìn sâu vào bóng tối. Và, mặc dù chưa từng tham gia bất kỳ cuộc chiến nào, trong cái đầu mất ngủ của ông già 72 tuổi ấy chiến tranh vẫn nổ ra.

Một cuộc chiến tưởng tượng: chiến tranh giữa các bang của nước Mỹ đang tách ra đòi độc lập. Sinh động và cụ thể đến từng chi tiết.

Bắt đầu từ việc nhà ảo thuật Brick bị đặt xuống một cái hố. Rồi đồng bọn của Brick kéo hắn lên, hắn trở thành một quân nhân bất đắc dĩ. Muốn trở lại cái thế giới quen thuộc cùng với cuộc sống yên bình của hắn xưa kia, hắn phải giết người.

Giết ai? Giết kẻ đã sinh ra cuộc chiến này, đã sinh ra hắn. Kẻ đó chính là Brill. Bởi vì nếu Brill chưa chết thì cùng với những đêm mất ngủ dằng dặc của ông ta, chiến tranh không biết sẽ còn tiếp diễn đến mức nào.

Tất nhiên công việc đó vượt quá khả năng của Brick. Hắn không hoàn thành nhiệm vụ được giao và chính hắn đã bị bắn chết một cách… lãng nhách!

Brill sáng tạo ra một thế giới riêng. Nhưng khác với Thượng đế, ông ta trở thành nạn nhân khi lặn ngụp, vùng vẫy trong “tác phẩm” của mình. “Bắn chết” Brick, nhưng những hồi ức đau buồn, những ám ảnh nặng trĩu không dễ gì buông tha Brill. Brill mất ngủ. Con gái Brill mất ngủ. Cô cháu gái Brill cũng mất ngủ. “Ngủ là thứ cực hiếm hoi ở cái nhà này”.

Những cuộc trò chuyện mang đậm chất tự sự của hai ông cháu Brill kéo dài hết đêm này qua đêm khác. Điện ảnh, công việc, những người bạn, tuổi trẻ, tình yêu, tội ác, sự bạo hành…

Cuộc sống vừa thánh thiện vừa bẩn thỉu, vừa muôn thuở vừa nóng bỏng ý nghĩa thời sự. Như lẽ thường trong đau khổ và bất hạnh, con người - không phân biệt thế hệ, tuổi tác - luôn có nhu cầu chia sẻ, mơ về những hạnh phúc bình dị có thật trong đời. “Trong lúc thế giới kỳ dị này vẫn trôi lăn tiếp tục”.

Paul Auster được coi là một trong số nhà văn đương đại lớn của Mỹ. Tiểu thuyết “Người trong bóng tối”, như nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của ông, chứa đựng những yếu tố hậu hiện đại.

Đọc “Người trong bóng tối”, bạn sẽ thấy thật - ảo, có lý - phi lý song hành bên nhau, lẫn vào nhau. Nhưng tất cả đều chân thực đến độ bạn phải ngạc nhiên tự hỏi: Cái thế giới mà chúng ta đang sống liệu có là duy nhất?

Ai dám chắc những điều chỉ thấp thoáng trong những đêm mất ngủ, trong tưởng tượng và trong giấc mơ…, lại không đáng tin bằng những thứ đang diễn ra trước mắt hàng ngày?

Đọc “Người trong bóng tối” của PAUL AUSTER, Trịnh Lữ dịch - Nxb Hội Nhà  văn và Phương Nam Book, 2008

MỚI - NÓNG