Những tấm lòng Việt kiều vì người khuyết tật

Những tấm lòng Việt kiều vì người khuyết tật
Trong những năm qua, không chỉ các cơ quan chức năng, mà nhiều người khuyết tật trong nước cũng đã quen với những cái tên như  VNAH, SAP- VN, những tổ chức từ thiện do Việt kiều sáng lập để giúp người tàn tật hoà nhập với cuộc sống.
Những tấm lòng Việt kiều vì người khuyết tật ảnh 1
Cựu thượng nghị sĩ Dirk Kempthorne (trái - hiện là bộ trưởng nội vụ Mỹ) và cựu thượng nghị sĩ Tom Daschle tham gia một hoạt động cấp xe lăn cho người tàn tật do VNAH thực hiện. Ảnh tư liệu VNAH

Sau hơn 17 năm thành lập, đến nay, Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) do ông Trần Văn Ca (Việt kiều Mỹ) khởi xướng, đã cung cấp miễn phí trên 70.000 dụng cụ chỉnh hình và trên 13.000 xe lăn, xe lắc cho người tàn tật Việt Nam.

VNAH cũng đã hỗ trợ sửa chữa, cải tạo và cung cấp thiết bị cho 12 trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm dành cho người tàn tật; tài trợ xây dựng hơn 20 trường học có khả năng tiếp nhận trẻ em tàn tật.

Không chỉ về vật chất, VNAH còn hợp tác với một số bộ ngành trong nước đẩy mạnh việc thực thi Pháp lệnh về về người tàn tật. Đáng kể là việc giúp Bộ Xây dựng soạn thảo và ban hành bộ tiêu chuẩn xây dựng thiết kế công trình đảm bảo để người tàn tật có thể tiếp cận sử dụng; hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập văn phòng điều phối về người tàn tật.

Nhờ có uy tín từ những hoạt động hiệu quả, VNAH đã nhận được các khoản quyên góp khá thường xuyên từ quỹ NIPPON (Nhật Bản), Hội cựu chiến binh Mỹ, Cơ quan Viện trợ Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và nhiều người Việt tại Hoa Kỳ.

Một địa chỉ khác cũng khá quen thuộc với người khuyết tật Việt Nam là Hội từ thiện SAP- VN do tiến sĩ Huỳnh Phước Đương (Việt kiều Mỹ) sáng lập. Bản thân ông là một người khuyết tật do trúng mìn trong chiến tranh khi còn ở Việt Nam.

Thành lập năm 1992, bằng các chương trình phẫu thuật cho trẻ khuyết tật, xây trường học cho vùng sâu cùng xa, tặng xe lăn cho người khuyết tật, sau một thời gian hoạt động, hội SAP- VN đã kết nối được những tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng người Việt tại Mỹ trong việc giúp đỡ người khuyết tật, nghèo khó ở trong nước.

Nói về hội từ thiện của mình, Tiến sĩ Đương cho biết, những người đến với SAP trước hết là những người có tấm lòng, yêu thích công việc từ thiện nên mới gắn bó được lâu dài. Họ làm việc tự nguyện, không được trả lương.

Còn với cộng đồng người Việt ở Berlin (Đức), năm nay là năm thứ bảy họ chứng kiến những việc làm âm thầm đầy tình nghĩa dành cho người tật nguyền ở Việt Nam của Chương trình xe lăn Berlin do anh Nguyễn Văn Kha và chị Lan Hương, cùng là người Việt Nam sống ở Đức, sáng lập và điều hành.

Kể từ 50 chiếc xe đầu tiên được trao tặng năm 2000, với tổng trị giá 5.000 USD, đến nay, chương trình đã trao tặng được gần 900 chiếc xe lăn cho người khuyết tật nhiều tỉnh, thành phố như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cao Bằng, An Giang, Yên Bái.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG