Những tấm gương thầm lặng mà cao cả: Cho đi để nhận lại những nụ cười

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tối 9/11, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ tuyên dương tấm gương “thầm lặng mà cao cả” năm 2022. Đây là lần thứ 5, Lễ tuyên dương được tổ chức nhằm vinh danh những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước TPHCM thời gian qua. Lần này, 101 tấm gương sáng, bao gồm 21 tập thể và 80 cá nhân, được vinh danh.

Đem con cá, mớ rau... đến khu phong tỏa

Trong thời gian dịch COVID-19 cao điểm, nhờ có giấy thông hành được đi liên quận, anh Quán Quang Diệu (Ủy viên Ban Thư ký Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH Long Chen - Sài Gòn Mì) đã đồng hành với Quận Đoàn Bình Tân chuyển phát nhu yếu phẩm đến những nơi cần trong những ngày thành phố thực hiện phong tỏa chống dịch.

Cùng với nguồn thực phẩm được bạn bè và nhà hảo tâm chuyển đến, anh Diệu còn đến các chợ đầu mối lấy thêm và chuyển đến những nơi cần. Những ngày Sài Gòn chống dịch cam go, hằng ngày anh Diệu và cộng sự chia sẻ khoảng 300 phần nhu yếu phẩm, cùng thuốc men thiết yếu đến các khu cách ly trên địa bàn.

Cùng với đó, hơn 1 năm nay, anh Diệu chung sức cùng bạn tổ chức hoạt động phát cơm, mì chay vào ngày rằm và mồng 1 hằng tháng. Ước tính, cả mùa dịch, anh gửi đi khoảng 5.000 phần mì cùng khoảng 10 tấn rau củ quả cho bà con.

“Thời gian đó, các thành viên trong gia đình mình lần lượt bị mắc COVID-19, may mà mình không bị nhiễm nên mới có điều kiện xông pha lo cho gia đình, anh em công nhân viên và bà con. Thật sự lúc đó mình phải làm bằng cái tâm chân thành thì mới tiếp tục được, chứ có động cơ thì không làm nổi. Mình giúp được ai tốt hơn thì bản thân mình cũng vui. Nếu cuộc sống nơi nào cũng tốt đẹp, ai cũng vượt qua cảnh khốn khó thì mình càng vui hơn”, anh Diệu bộc bạch.

Sau khi dịch bệnh qua đi, anh Diệu phối hợp Quận Đoàn Bình Tân triển khai một không gian khởi nghiệp sáng tạo tại quận để sẵn sàng hỗ trợ về mặt bằng, điện nước cho các bạn thanh niên có nhu cầu trưng bày sản phẩm.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả: Cho đi để nhận lại những nụ cười ảnh 1

Anh Quán Quang Diệu trên hành trình tiếp tế bà con. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, nông dân Nguyễn Văn Hồng, Chủ nhiệm CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, lại đem nụ cười tới cho nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn. Trong những ngày đại dịch diễn biến phức tạp, ông thường xuyên gửi cá, rau xanh. Cả thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều gia đình không mua được thực phẩm. Sẵn có ao cá đang nuôi, ông Hồng quyết định bắt cá đem tặng bà con. Khi hết cá trong ao nhà, ông Hồng thương lượng với nhiều chủ ao khác để mua cá giá rẻ tặng cho nhiều người hơn. Ông còn mua rau củ quả của nhiều chủ vườn để gửi tặng bà con.

Là một trong những người nhận quà “quý hơn vàng” những ngày đó, ông Nguyễn Văn Thọ (ấp 5, xã Bình Hưng) kể rằng, bà con quanh xã ai cũng biết đến tấm lòng nghĩa hiệp của cán bộ xã Nguyễn Văn Hồng. “Thú thật trong những ngày đó, được mớ cá, bó rau tươi là vô cùng ý nghĩa với chúng tôi. Rất biết ơn ông Hồng và chính quyền địa phương”, ông Thọ bày tỏ.

Không chỉ tặng thực phẩm trong những ngày đại dịch, với vai trò là Chủ nhiệm CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hồng còn tự nguyện hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và vốn cho nhiều nông dân khác. Từ năm 2015, mỗi năm ông Hồng nhận hỗ trợ 2 hộ nông dân với việc tặng 50.000 con cá giống trị giá hơn 130 triệu đồng và hỗ trợ kỹ thuật nuôi trong 2 năm. Từ sự hỗ trợ của ông Hồng, hàng chục hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Một tấm gương thầm lặng khác là ông Trần Văn Thanh, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Là người năng động, ông Thanh thường xuyên gắn bó với cuộc sống người dân. Trong một lần tìm hiểu, ông thấy căn nhà của gia đình bà Bùi Thị Hoa (trong hẻm đường Bùi Viện, quận 1) đã xuống cấp trầm trọng. Không có tiền sửa chữa nhà, gia đình bà Hoa phải chấp nhận sống trong căn nhà xuống cấp, ọp ẹp, thấm dột khắp nơi. Ông Thanh đã vét hết số tiền tiết kiệm của bản thân được 45 triệu đồng và vận động thêm nhà hảo tâm để có đủ kinh phí sửa nhà cho bà Hoa. Đây không phải là lần đầu tiên ông Thanh ủng hộ tiền cho bà con lối xóm. Trước đó, người đàn ông nhân ái này cũng đã tặng toàn bộ số tiền dành dụm được là 25 triệu đồng để sửa chữa nhà cho gia đình bà Trần Thị Bạch Yến ngụ cùng khu phố.

Làm đẹp cho các cặp đôi nghèo

CLB Chụp ảnh cưới miễn phí quận Bình Thạnh được thành lập năm 2016 với mục đích ban đầu là hỗ trợ các cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Lễ cưới tập thể” do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TPHCM tổ chức.

Anh Liêng Trần Ngọc Trung Hiếu, Chủ nhiệm CLB kể, qua hoạt động, nhóm tìm hiểu và biết được còn nhiều đôi trẻ khó khăn, muốn cưới nhau nhưng không có tiền để chụp bộ ảnh kỷ niệm. Chính vì nhu cầu thiết thực của nhiều người nên các anh em đam mê nhiếp ảnh chơi thân với nhau đã tự hình thành CLB Chụp ảnh cưới miễn phí và tìm đến những cặp đôi khó khăn để hỗ trợ, từ việc tư vấn chụp bộ ảnh phù hợp nhất tới cách trang điểm, cho mượn trang phục cưới.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả: Cho đi để nhận lại những nụ cười ảnh 2

CLB Chụp ảnh cưới miễn phí “lăn xả” để mang đến những khoảnh khắc đẹp cho các cặp đôi

“Ban đầu CLB của chúng tôi chỉ có vài anh em tham gia, nhưng trước ý nghĩa của công việc CLB đang làm, nhiều nhiếp ảnh gia cũng đề nghị tham gia. Rồi không chỉ có nhiếp ảnh gia, chúng tôi còn có cả chuyên viên trang điểm và những điểm cho mượn áo cưới miễn phí. Thậm chí với một số cặp đôi gặp khó khăn trong việc tổ chức tiệc cưới, CLB còn nhận lời giúp đỡ”, anh Hiếu kể.

Tới nay, sau 6 năm thành lập, CLB Chụp ảnh cưới miễn phí đã hỗ trợ chụp ảnh cho 420 cặp đôi, tham gia chụp đám cưới tập thể từ năm 2018 cho tới năm 2022 với tổng kinh phí 180 triệu đồng. Ngoài ra, CLB còn huy động các mạnh thường quân cùng hỗ trợ 370 cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM và một số tỉnh lân cận với kinh phí lên tới 445 triệu đồng. Anh Hiếu xót xa kể, nhiều cặp đôi khó khăn đến mức không dám đi chụp một tấm hình cưới để làm kỷ niệm. Khi nhận được những tấm ảnh đẹp, nhiều người đã rơi nước mắt vì hạnh phúc. Và đó chính là niềm vui, là động lực để CLB tiếp tục cuộc hành trình hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Nhiều người muốn tham gia CLB, thậm chí có những người từng được chúng tôi chụp hình cưới giờ cũng mong muốn đồng hành để giúp đỡ các cặp đôi khác. Vì thế, chúng tôi đã dự tính sẽ mở rộng hoạt động ra nhiều tỉnh thành và các khu công nghiệp, nơi còn rất nhiều cặp đôi đang mơ có bộ ảnh cưới”, anh Hiếu chia sẻ.

Chuyển tài liệu quý về nước

Là chuyên gia ngân hàng về hưu, từng tham gia giảng dạy tại một số trường đại học tại Mỹ, khi về nước vào năm 1996, TS Võ Tá Hân (kiều bào Mỹ) nhận thấy sinh viên Việt Nam gặp nhiều khó khăn, không thể tiếp cận những tài liệu chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật. Ông lặng lẽ tìm mọi cách để quyên góp sách và những tài liệu quý để gửi về nước.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả: Cho đi để nhận lại những nụ cười ảnh 3

TS. Võ Tá Hân (phải) trao tặng sách cho thư viện ĐH Bách Khoa TPHCM. Ảnh: NVCC

Hơn 20 năm qua, vị chuyên gia đáng kính đã chuyển về Việt Nam hơn 1 triệu cuốn sách trên nhiều lĩnh vực, chuyên ngành. Số sách này được ông gửi tặng sinh viên nhiều trường cao đẳng, đại học trong cả nước, trở thành nguồn tài liệu quý phục vụ việc học tập và giảng dạy. “Tôi nghĩ, người Việt chúng ta vốn rất thông minh, hiếu học và nhẫn nại. Nếu có cơ hội, chúng ta sẽ phát triển không thua kém các nước trong khu vực. Tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách vở nên không có gì hiệu quả hơn là chuyển kiến thức về Việt Nam, từ đó có thể giúp cho đất nước nhanh chóng giàu mạnh”, TS Võ Tá Hân trải lòng.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, việc xét chọn, tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên kịp thời tinh thần tự nguyện, tự giác, sự hy sinh, cống hiến thầm lặng, bằng những tấm lòng nhân ái không toan tính vụ lợi nhằm tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua, phong trào hành động của người dân thành phố.

MỚI - NÓNG