Những sự kiện thiên văn đáng mong chờ 2017

Những sự kiện thiên văn đáng mong chờ 2017
TPO - Bên cạnh các trận mưa sao băng định kỳ, nguyệt thực một phần diễn ra vào đêm mùng 7 rạng sáng ngày 8/8 sẽ là sự kiện thiên văn đáng mong chờ nhất năm 2017.  

Dưới đây là danh sách các sự kiện thiên văn đáng chú ý năm 2017:

Mưa sao băng

Những sự kiện thiên văn đáng mong chờ 2017 ảnh 1

Hai trận mưa sao băng lớn nhất năm là mưa sao băng Perseids, diễn ra và đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13/8 và mưa sao băng Geminids diễn ra vào đêm 13 rạng sáng ngày 14/12. Nếu như mưa sao băng Perseids không bùng nổ như năm 2016 thì mưa sao băng Geminids sẽ có cơ hội quan sát dễ hơn năm 2016 do thời điểm mưa sao băng đạt cực đại không trùng với kỳ trăng tròn.

Ngoài ra, trong năm 2017 có nhiều trận mưa sao băng trung bình như mưa sao băng Lyrids vào đêm 22 rạng sáng ngày 23/4. Eta Aquarids diễn ra đêm mùng 6 rạng sáng 7/5; Delta Aquarids đêm 28 rạng sáng 29/7, Orionids đêm 21 rạng sáng ngày 22/10, Leonids đêm 17 rạng sáng 18/11. 

Siêu trăng

Những sự kiện thiên văn đáng mong chờ 2017 ảnh 2

Năm 2017, siêu trăng (mặt trăng lớn hơn, sáng hơn bình thường khi nhìn từ trái đất) chỉ diễn ra một lần duy nhất vào 3/12. Tuy nhiên, mặt trăng chỉ lớn hơn và sáng hơn bình thường một chút, không bằng sự kiện siêu trăng diễn ra năm 2016.

Nguyệt thực nửa tối

Những sự kiện thiên văn đáng mong chờ 2017 ảnh 3

Diễn ra vào đêm 11/2, người quan sát ở Việt Nam có thể chiêm ngưỡng một phần hiện tượng này. Tuy nhiên, mặt trăng lặn xuống dưới chân trời ngay khi pha đầu tiên của hiện tượng diễn ra. Vì vậy, cơ hội quan sát hiện tượng thiên văn này ở Việt Nam là không nhiều.

Nguyệt thực một phần

Những sự kiện thiên văn đáng mong chờ 2017 ảnh 4

Nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào đêm mùng 7 rạng sáng 8/8, khi đó một phần Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái đất, chuyển dần sang màu đỏ thẫm. Đây là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất 2017. Việt Nam có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này.

Ngoài ra, năm 2017 còn diễn ra một hiện tượng thiên văn đặc biệt là nhật thực toàn phần vào 21/8, khi đó mặt trăng đi qua giữa mặt trời và trái đất, che khuất hoàn toàn mặt trời khi nhìn từ trái đất. Tuy nhiên, đáng tiếc, hiện tượng thiên văn đặc biệt này chỉ có thể quan sát ở Bắc Mỹ và một phần Nam Mỹ. Việt Nam không quan sát được. Phải đến 2024, người yêu thiên văn mới có cơ hội chiêm ngưỡng lại hiện tượng này.

MỚI - NÓNG