Những sứ giả của hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
Thanh xuân của nhiều quân nhân trẻ là mong muốn được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
Thanh xuân của nhiều quân nhân trẻ là mong muốn được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
TP - Những quân nhân “mũ nồi xanh” Bệnh viện (BV) Dã chiến 2.3 tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đa phần là những thanh niên với tuổi đời còn rất trẻ; nhưng họ luôn “cháy hết mình” với khát vọng được cống hiến, góp sức hoàn thành nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó.

Sứ giả “mũ nồi xanh”

Dù đã nghe danh lực lượng “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã lâu nhưng đến đầu năm 2021, tôi mới có dịp gặp gỡ. Lực lượng quân y thuộc BV dã chiến 2.3 có người mới đi lần đầu, có người tham gia lần 2 nhưng phần lớn, họ đều là những người trẻ nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng và không ngại dấn thân dù biết sẽ có muôn vàn gian khó phía trước.

Ánh mắt luôn rạng ngời khi nhắc lại thời điểm mình có tên trong danh sách tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (châu Phi), Trung úy Nguyễn Thị Loan (28 tuổi, quê Đắk Lắk, y sĩ đông y chuyên ngành vật lý trị liệu) có 4 năm công tác tại BV Quân y 4 thuộc Quân đoàn 4 bộc bạch, tâm trạng lúc ấy vừa vui vừa… lo. “Vui vì ước mơ ngày nào đã thành hiện thực; còn lo vì không biết nói thế nào để gia đình yên lòng. Chẳng ngờ, ba mẹ đều ủng hộ, động viên và căn dặn phải hoàn thành thật tốt sứ mệnh” – Loan bồi hồi nhớ lại.

Những sứ giả của hòa bình ảnh 1 Nụ cười gây thương nhớ của quân nhân “mũ nồi xanh” Lê Na

Loan là một trong 12 thành viên “đội quân tóc dài” tham gia BV Dã chiến 2.3. Chị tâm sự, chỉ mới được xem những bộ phim ngắn về châu Phi, thấy rằng cuộc sống của họ thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, trẻ nhỏ đói khát. Dù có thể sẽ khó khăn, gian khổ rất nhiều ở nước bạn, nhưng những hình ảnh ấy sẽ cho Loan và đồng đội thêm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ quân đội nhân dân Việt Nam giao phó và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả của lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở phái bộ Liên Hợp Quốc. “Tôi đang ở độ tuổi thanh xuân của tuổi trẻ, chưa có trải nghiệm nhiều trong cuộc sống nên đây là nhiệm vụ rất cao cả. Không phải ai cũng được chọn vào lực lượng vào BV Dã chiến. Đây là kỷ niệm không bao giờ quên, là cơ hội để thử thách bản thân giúp mình trưởng thành hơn” – Loan trải lòng.

Thuộc hàng “em út” cả về tuổi đời lẫn tuổi quân, Lê Na (25 tuổi, quê Bến Tre) cũng là cô gái miền Tây tham đầu tiên của BV Dã chiến 2.3. Vì thế, cô càng quyết tâm rèn luyện bản lĩnh “thép” đối mặt với những hiểm nguy rình rập khi tình hình an ninh bất ổn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sự khắc nghiệt của khí hậu, thiếu thốn điều kiện vệ sinh, ăn ở và các nhu yếu phẩm... Vốn là kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh của BV Quân y 175, hằng ngày tham gia vào các khâu chẩn đoán, điều trị chuyên sâu… thì nay, Lê Na có thể nhấc khẩu súng trường, bắn đạn thật không thua bất kỳ một quân nhân chuyên nghiệp nào. Cô tâm sự, khoác lên bộ quân phục dã chiến giúp cô thêm tự tin và sức mạnh ý chí để vượt qua những bài tập khó, những buổi huấn luyện nghẹt thở… “Cha mẹ tuy có hơi lo lắng cho con gái phải đi xa, nhưng luôn ủng hộ em hết mình. Cha bảo, người ta làm được thì mình cũng làm được. Hơn nữa, bên mình còn có các đồng nghiệp, anh chị đi trước hỗ trợ, giúp đỡ nên em không lo lắng, mà rất tự tin và mong chờ ngày lên đường làm nhiệm vụ” – Lê Na bộc bạch.

Những sứ giả của hòa bình ảnh 2 Thanh xuân của nhiều quân nhân trẻ là mong muốn được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc 

Bệnh viện Dã chiến 2.3 gồm 70 người (63 chính thức, 7 dự bị), trong đó có 28 sĩ quan và 42 quân nhân chuyên nghiệp. Đây đều là những quân nhân ưu tú, nòng cốt được lựa chọn từ BV Quân y 175, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9,... Đặc biệt hơn, BV Dã chiến 2.3 có đến 12 nữ quân nhân, người trẻ nhất sinh năm 1997.

Các quân nhân “mũ nồi xanh” đều chung quan điểm, trong lịch sử, dân tộc ta đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Giờ đây, chúng ta chứng tỏ với quốc tế thấy rằng,Việt Nam đang đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc bảo vệ hòa bình thế giới. Thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, các y bác sĩ đi trước đã tạo nên những hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh chị em sẽ đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với nhau, trở thành những đại sứ hòa bình của Việt Nam, góp phần tô thắm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè thế giới”. 


Trung úy Nguyễn Văn Tám

Để trở thành “sứ giả nữ mũ nồi xanh” đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Ngoài tố chất về sức khỏe, bản lĩnh, nghị lực thì hành trình thực hiện khát vọng tham gia gìn giữ hòa bình của các nữ quân nhân bắt đầu từ việc học tập, ôn luyện tiếng Anh cùng những kiến thức chuyên môn rất cao. Từ các kiến thức về quân sự, kỹ năng ngoại giao quân sự, đối ngoại quốc phòng đáp ứng yêu cầu cao trong môi trường đa quốc gia, phẩm chất đạo đức thể hiện là một sứ giả hòa bình của quân đội nhân dân Việt Nam.

Gian nan rèn ý chí      

Dù con chỉ mới 2 tuổi nhưng Trung úy Nguyễn Thị Huỳnh Như (29 tuổi, ngụ TPHCM), điều dưỡng đang công tác tại BV Quân y 175 nộp đơn tình nguyên tham gia BV Dã chiến 2.3 khi Tổ quốc cần. “Trước khi lên đường cũng có nhiều điều lo lắng, nhất là con còn nhỏ phải xa mẹ trong thời gian dài. Rất may chồng luôn thấu hiểu và chia sẻ với vợ nhiều nhất. Dù biết sắp tới sẽ phải cáng đáng việc nhà thay vợ, nhưng anh vẫn động viên: Không phải ai cũng có cơ hội thực hiện nhiệm vụ này” – Như chia sẻ.

Còn Trung úy Bạch Thị Huyền Trang (30 tuổi, quê Hà Nội) là nữ quân nhân duy nhất trong 5 quân nhân được Cục Gìn giữ Hòa bình cử vào TPHCM tham gia BV Dã chiến 2.3. Gần một năm xa gia đình, Trang nhớ 2 con nhỏ da diết. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến chị càng khó về nhà hơn, bởi phải bảo đảm an toàn cho cả toàn đội. Trang kiên cường cho biết: “Gia đình, cha mẹ và đồng nghiệp luôn thấu hiểu và là hậu phương, điểm tựa vững chắc để tôi có thêm tự tin, tiếp tục rèn luyện thêm kỹ năng trong các hoạt động chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ do cấp trên giao phó”.

Mỗi nữ quân nhân khi tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình chính là hành trình vượt qua chính mình. Vì chẳng dễ gì một người mẹ, người vợ có thể quyết định đến nơi cách xa Tổ quốc đến hơn 10.000 cây số để làm nhiệm vụ. Ngoài tinh thần người lính, sâu hơn, đó là trái tim nhân hậu, yêu thương đã thuộc về bản chất, tính cách vốn có của những người phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời nay. Chưa kể, trên vai họ chính là sứ mệnh cao quý của người thầy thuốc quân y.

Những sứ giả của hòa bình ảnh 3 Những bóng hồng “mũ nồi xanh” tự tin, kiên cường nhưng vẫn rất xinh đẹp

Để hoàn thành tốt sứ mệnh của lực lượng “mũ nồi xanh”, trước khi lên đường, các anh phải tham gia nhiều khóa tập huấn. Ngoại ngữ giỏi là điều kiện tiên quyết. Các quân nhân còn được trang bị hàng loạt kĩ năng cần thiết như kỹ năng đàm phán, kỹ năng sinh tồn (chống bị bắt cóc, cách xử lý khi gặp cướp, làm thế nào để tồn tại khi lạc lối giữa rừng hay mắc kẹt trong đầm lầy…).

Trung úy Ngô Thị Hải Linh (27 tuổi, khoa tim mạch BV Quân y 175) chia sẻ, các chị em đều được tập luyện để ứng phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt này. “Thân gái dặm trường” đến một đất nước xa lạ, khác biệt về văn hóa, môi trường làm việc, chưa kể nơi ấy tiếng súng nhiều hơn cơm gạo, bất ổn, đói nghèo, những khó khăn ấy đều đang chờ đợi chúng tôi. Nhưng với các nữ quân nhân Việt Nam không yếu đuối, luôn mạnh mẽ, kiên cường và sẵn sàng tạm gác hạnh phúc cá nhân, vững vàng đảm đương sứ mệnh đặc biệt của những chiến sĩ mũ nồi xanh ở một địa bàn mà ngay cả với nam giới cũng không phải dễ dàng gì”. 

Công việc của chúng tôi là không chỉ cứu người mà còn làm công tác đối ngoại, đem những truyền thống đặc sắc của Việt Nam giới thiệu đến các nước. Bây giờ, các quân nhân đều rất phấn chấn và sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ để chứng tỏ quân đội nhân dân Việt Nam của mình có đủ khả năng để thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với Liên Hợp Quốc”. 

Thiếu tá Trịnh Mỹ Hòa

Còn Trung úy Tống Vân Anh (29 tuổi, quê Nam Định), Bí thư Chi Đoàn BV Dã chiến 2.3 cho hay, chị muốn hỗ trợ thanh thiếu niên, các em nhỏ - dù có thể không được nhiều nhưng phần nào cũng tăng thêm hình ảnh của bộ đội và thanh niên Việt Nam.

Đi để trưởng thành

“Cơ duyên” đưa Trung úy Nguyễn Văn Tám (29 tuổi, quê Hải Dương) đã từng tham gia BV Dã chiến 2.1 tham gia lực lượng “mũ nồi xanh” rất tình cờ . “Nghe thủ trưởng thông báo sẽ có lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, lúc đó tôi cũng chưa biết ra nước ngoài để làm gì. Chỉ với đam mê, nhiệt huyết muốn đi xa chứ trong đầu chưa hình dung được công việc sẽ như thế nào. Thế là mình làm đơn tình nguyện tham gia”.

Hơn một năm ở Nam Sudan, Tám mới ngộ ra mình thật sự quá may mắn, hạnh phúc khi được lớn lên ở Việt Nam. “Công việc của mình ở Nam Sudan là nhân viên lái xe cứu thương, do vậy thường xuyên được ra ngoài để đi chợ, lấy nước… nên có cơ hội được tiếp xúc với người dân. Ở đây trẻ em không được đến trường, rất là thương. Từ khi trở về mình như lột xác, biết suy nghĩ và yêu thương nhiều người hơn” – chàng Trung úy trẻ tâm sự.

Chia sẻ về việc trở thành quân nhân, Tám cho biết, gia đình đều là nông dân, không ai công tác trong ngành quân đội. Một lần đến Sài Gòn chơi, anh được người chú gợi ý đăng ký đi bộ đội cho cứng cáp, 1-2 năm rồi về. Thế nhưng, Tám “mết” quân ngũ lúc nào chẳng hay. Anh bảo, muốn cống hiến cả thanh xuân khi đất nước cần.

Sau khi tham gia BV Dã chiến 2.1, về nước, Tám lập gia đình. Vợ đang mang thai, Tám lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đi châu Phi lần 2. “Lần này có cơ hội quay lại, tôi mong mỏi nhất là được thấy cuộc sống của trẻ em thay đổi. Tôi thực sự mong mỏi các em có ngày được đến trường, có đủ cơm ăn, áo mặc…” - Tám bộc bạch.

Là quân nhân, những thanh niên trẻ “mũ nồi xanh” luôn xác định sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Đồng thời nêu cao quyết tâm phải giữ gìn sức khỏe cho chính mình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mối đe dọa dịch bệnh thường xuyên, những tình huống bất ổn về an ninh ở khu vực. Bởi, mỗi chiến sĩ “mũ nồi xanh” sẽ là một “mắt xích” quan trọng trong đội hình chung của BV Dã chiến để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ liên tục 24/7.

Thiếu tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc BV Dã chiến 2.3 cho biết, hơn 70% quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đợt này đều dưới 34 tuổi. Hơn 86% đều có trình độ tiếng Anh từ 5.0 trở lên. “Chúng tôi rất tự hào khi ngày càng có nhiều bạn trẻ tình nguyện ra đi để đem hòa bình cho nước bạn, giúp nâng cao vị thế đất nước, tiếng nói Việt Nam trên trường quốc tế”. 

Chương trình là tập hợp nội dung về bảo vệ bí mật quân sự, võ thuật, ca múa dân tộc, vận hành và bảo dưỡng các loại máy phát điện, xe moóc, lọc nước. các đợt diễn tập thực tế trên bộ trang thiết bị, diễn tập thực địa phù hợp với đặc điểm môi trường phái bộ, diễn tập cấp cứu đường không, cấp cứu chấn thương hàng loạt, xử lý bệnh dịch truyền nhiễm lan rộng… theo đúng quy trình chuẩn của Liên hợp quốc.

MỚI - NÓNG