Những sinh viên 'tay không' nhập học ngày ấy - bây giờ

Những sinh viên 'tay không' nhập học ngày ấy - bây giờ
Nhờ bạn đọc Dân trí nâng bước vào giảng đường đại học, các tân sinh viên ngày ấy sắp trở thành kỹ sư, cử nhân với các dự định tốt đẹp trong tương lai.

Ngày này 2 năm trước, không có tiền đóng khoản học phí đầu năm nhưng Lê Tuấn Danh (quê ở Long An) vẫn khăn gói ra TPHCM, bước tiếp con đường học vấn. Từ khi được Dân trí đăng bài, Tuấn Danh đã được giúp đỡ để theo học khoa Văn hóa du lịch ĐH Sài Gòn, thực hiện những ước mơ cháy bỏng của mình.

Gặp lại chúng tôi, Tuấn Danh vui vẻ tâm sự: “Em rất cảm ơn báo Dân trí, cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của mọi người đã giúp đỡ em trong bước đầu khó khăn nhất. Nếu không có các mạnh thường quân, không có lời động viên của mẹ và anh trai chắc em đã bỏ học lâu rồi…”

Hiện tại, ngoài việc học ở trường, Danh còn đi làm các công việc thời vụ vì cái khoản “cơm áo gạo tiền” đối với sinh viên nghèo như Danh vẫn khó khăn bội phần. Có hôm em phải nghỉ học để làm thêm, có hôm thiếu tiền đi xe buýt, Danh mượn xe đạp vượt chặng đường hơn 40 phút để đến trường… Tuy vậy, không vì thế mà Danh không theo kịp bạn bè. Ngoài ra, Danh cũng thường tham gia các hoạt động tích cực khác như: mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo…

Nhưng có một điều Danh luôn trăn trở là sức khỏe người mẹ thân yêu của em: “Nhiều lần nghe tin mẹ ở quê trở bệnh nặng không có tiền mua thuốc, em phải tức tốc mang tiền dành dụm được về quê, vì nếu không còn mẹ trên cõi đời này, em cũng không còn tâm trạng nào để đi tiếp con đường mình đang bước”.

Cũng “tay không” nhập học như Tuấn Danh, cô bé Ngọc Anh (quê ở Bình Phước), nhân vật trong bài viết: “Mẹ, con nhập trường trong nước mắt rưng rưng” nay đã là sinh viên năm cuối của khoa Xã hội học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn TPHCM.

Những sinh viên 'tay không' nhập học ngày ấy - bây giờ ảnh 1
Cô bé Ngọc Anh (đội nón lá) rất hăng hái tham gia các hoạt động đội nhóm.

Với nước da ngăm ngăm, dáng người nhỏ nhắn, Ngọc Anh trong mắt thầy cô và bè bạn là cô sinh viên chăm học và cũng rất siêng năng tham gia các hoạt động đội nhóm ở trường và cả các công việc thiện nguyện ở chùa, trại trẻ mồ côi… Vì em nghĩ: “Lúc khó khăn nhất em đã được cộng đồng giúp đỡ thì giờ đây, em phải làm những việc hữu ích như một lời cảm ơn chân thành nhất”.

Năm nay đã là năm cuối, đứng trước kỳ thi tốt nghiệp cực kỳ quan trọng, Ngọc Anh càng chuyên tâm ôn luyện. Tháng 6 năm sau Ngọc Anh tốt nghiệp rồi, cuộc đời em bước sang trang mới, sẽ trở thành lao động chính trong nhà, có thể lo cho mẹ và các em… và chắc chắn là Ngọc Anh sẽ không quên những người tốt bụng đã giúp đỡ em những ngày đầu đi học xa nhà.

Cũng gặp khó khăn trong ngày đầu nhập học, em Trần Văn Được (quê ở Đồng Nai) còn có người mẹ cần phẫu thuật tim và đã được Dân trí giúp đỡ qua bài viết “Gió ơi đừng lay mẹ rụng”. Sau ca mổ, sức khỏe của mẹ Được đã khá lên rất nhiều và có thể làm vài việc nhẹ. Còn Được đang là sinh viên năm 4 khoa Chế biến thủy sản, trường ĐH Nông Lâm TPHCM với những thành tích học tập đáng khen, năm nào em cũng được nhận học bổng của trường.

Được nhớ lại: “Ngày cầm giấy nhập học trên tay, em không nghĩ mình sẽ được đi học, vì hồi đó mì tôm cũng không có mà ăn, những hôm lên bệnh viện thăm mẹ cũng chỉ đủ tiền đi xe buýt. Nếu không có bạn đọc Dân trí giúp đỡ, trong đó có chú Linh Xuân (Việt kiều Mỹ) hỗ trợ em trong bước khởi đầu trong lúc khó khăn, chắc em sẽ không đứng vững cho tới ngày hôm nay”.

Giờ đây, ngoài giờ lên lớp Được tranh thủ đi làm thêm, tiền thu nhập hàng tháng cũng đủ trang trải cho việc học. Thỉnh thoảng Được dành dụm gửi về cho em trai đang học lớp 12 ở quê nhà và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn mà em biết.

Nhớ ngày nào, các em còn là những tân sinh viên đang thiếu thốn mọi bề, nay đã “ra dáng” những kỹ sư, cử nhân đang ấp ủ nhiều dự định cho sự nghiệp trong tương lai. Những chặng đường sau này, các em luôn dặn mình phải sống cho xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc Dân trí đã nâng bước cho mình bước vào giảng đường đại học.

Theo Hồng Nhung - Khuất Hậu
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG