Những phép thử sai

Những phép thử sai
TP - Hiện nay, tình trạng các đôi sinh viên yêu và thuê nhà sống với nhau như vợ chồng không còn là chuyện “giật mình” . Đi một vòng quanh các khu trọ đông sinh viên thuê sẽ gặp không ít cặp “vợ chồng” sinh viên “sống thử”.

Có chứng kiến cảnh sinh hoạt của họ mới thấy lắm chuyện bi hài…

Nằm sâu trong những ngõ nhỏ ở xã Lệ Chi (Gia Lâm, Hà Nội) là những dãy nhà trọ cũ, dột nát.

Trong một căn phòng khoảng 10m2, với đồ đạc ngổn ngang, bức tường vôi đã bong tróc là “tổ ấm” của Huyền và Hưng một trong 6 cặp vợ chồng của xóm trọ này. 

Cả hai là người Vĩnh Phúc, Huyền và Hưng quen nhau từ khi còn bé. Năm vừa rồi, cả hai cùng thi đỗ và học tại ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Yêu nhau được khoảng 2 tháng, họ quyết định chuyển về sống cùng nhau trong 1 phòng trọ với lí do để có nhiều thời gian chăm sóc và quan tâm nhau hơn.

Như bao đôi “vợ chồng” sinh viên khác, hàng ngày Huyền dậy sớm nấu cơm, đi chợ, giặt giũ quần áo. Hưng- từ ngày “có vợ”, lại yên tâm hơn ngồi trong các quán điện tử, bi-a.

Không chỉ “nổi tiếng” trong lớp về khoản rượu chè, Hưng còn máu me cờ bạc. Mỗi chiều tan học, nhìn Huyền vội vàng thu xếp sách vở, ra chợ mua thức ăn cho bữa cơm chiều, lại thấy thương cô bạn.

Huyền tâm sự với tôi: “Mỗi lần ra chợ, cầm số tiền ít ỏi trên tay là lại phải tính toán xem ăn gì, khi giá cả mọi thứ cứ tăng vùn vụt. Trước đây, số tiền bố mẹ cho lúc nào cũng rủng rỉnh, giờ về ở chung trăm thứ phải lo”- Huyền thở dài.

Cùng là sinh viên, cảnh cuối tháng hết tiền chẳng trừ một ai, cả “vợ chồng” Huyền cũng thế. Những lúc thế này, Hưng lại lấy chứng minh thư của hai đứa, hoặc một số đồ đạc có giá trị đi cầm đồ; Huyền thì đi vay tiền bạn bè.

Đầu tháng gia đình gửi tiền lại mang đi trả nợ. Cứ thế cặp “vợ chồng” này cứ loay hoay trong vòng tròn vay – trả nợ!

Và đây là “gia cảnh” của một chuyện tình khác. Chính Nam và Thuý (Cao đẳng Dệt may thời trang, Gia Lâm, Hà Nội) cũng không ngờ rằng bố mẹ Nam lại phản ứng quyết liệt khi biết 2 đứa sống chung.

Mặc dù bị bố mẹ buộc thôi học về quê làm công nhân trong một nhà máy, nhưng chỉ được 2 ngày, Nam lại bỏ việc lên sống cùng Thúy. Hằng ngày, Thúy đi học, Nam chạy xe ôm kiếm tiền.

Cuộc sống càng trở nên căng thẳng hơn khi Thúy phát hiện mình có thai hơn 4 tháng. Xấu hổ khi thầy cô, bạn bè biết chuyện, Thúy bỏ học ở nhà chờ ngày sinh nở.

Gặp Thúy khi cô đang may áo trong phòng trọ, nét mặt buồn rầu, cô nói: “Mỗi lần không có tiền, hai đứa lại cãi nhau, thậm chí có lần Nam còn đập phá bát đũa, xoong nồi, vứt cả quần áo, đồ đạc ra ngoài sân rồi bỏ đi uống rượu.

Giờ chẳng khác nào cảnh chị chăm em, 21 tuổi, sắp làm bố mà bữa nào mình cũng phải ra quán nét gọi anh ấy về ăn cơm”.

Cách đây không lâu, ban giám hiệu cũng như sinh viên trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên rất bất ngờ trước cái chết đột ngột của sinh viên Nguyễn Thị Ngọc L (Hà Giang) xuống Thái Nguyên học đại học.

L có bạn trai cùng quê, những ngày đầu bạn trai L thường lặn lội 2 tuần một lần xuống chơi. Về sau, để được tự do yêu đương, L đã thuê nhà ở ngoài và chuyển khỏi KTX.

Kết cục của những tháng ngày sống tự do là L đã mang thai. Không còn sự lựa chọn nào khác, L đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên để giải quyết và L đã chết khi đang trên bàn phẫu thuật…

Sống thử và những câu chuyện đau lòng xảy ra do lối sống buông thả, nông nổi của một bộ phận giới trẻ chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về gia đình và sức khoẻ sinh sản vẫn luôn được kể ra như một lời cảnh báo, nhưng tình trạng này vẫn không giảm.

Trào lưu sống thử, những “mối tình riđô” và phong trào “góp gạo thổi cơm chung” đã khiến cho nhiều sinh viên trở thành những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ trên giảng đường.

Thiết nghĩ, con đường để tiến tới một hôn nhân và gia đình bền vững là cả một quá trình nỗ lực lâu dài, chứ không gấp gáp vội vàng thử ngay để thành hậu quả thật như hiện nay.

MỚI - NÓNG