Những nữ sinh tài năng

Mai Thị Ánh Hồng nhận giải thưởng Sinh viên tài năng CSC trị giá 120 triệu đồng. Ảnh: NVCC
Mai Thị Ánh Hồng nhận giải thưởng Sinh viên tài năng CSC trị giá 120 triệu đồng. Ảnh: NVCC
TP - Lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí tưởng chừng chỉ dành cho các đấng nam nhi nhưng Mai Thị Ánh Hồng (ÐH Xây dựng) và Phan Thị Hồng Mai (ÐH Thái Nguyên) vẫn quyết định dấn thân vào lĩnh vực “xương” này với một niềm đam mê đặc biệt, có kết quả học tập, nghiên cứu khoa học đáng ngưỡng mộ.

Nữ sinh “giám sát chất lượng không khí”

Đang là sinh viên năm thứ 5, nhưng lớp trưởng lớp 59PM2, khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH Xây dựng Hà Nội Mai Thị Ánh Hồng đã có công việc thực tập tại một tập đoàn công nghệ viễn thông nổi tiếng với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Để có được công việc thực tập này, Ánh Hồng đã phải cạnh tranh với nhiều nam sinh viên công nghệ tài năng khác, vượt qua nhiều vòng phỏng vấn khắt khe về kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ.

Ánh Hồng là con cả trong gia đình có 3 chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên từ ngày Hồng thi đỗ vào ĐH Xây dựng, bố cũng khăn gói theo con gái ra Thủ đô Hà Nội làm thuê nuôi con ăn học. “Mặc dù, thiếu thốn về kinh tế nhưng bố mẹ cấm em đi làm thêm, bắt em chuyên tâm vào việc học hành. Năm đầu ở Thủ đô, bố đi làm thường bị khách hàng quỵt tiền, rất tội. Thương bố vất vả, em trốn đi làm thêm để tự trang trải cho cuộc sống”, Hồng chia sẻ. Suốt 4 năm học, từ tiền đi gia sư, làm thêm, tiền học bổng, nữ sinh ĐH Xây dựng không chỉ tự trang trải cuộc sống mà còn có khoản dư nho nhỏ gửi tiết kiệm.

Lớp 59PM2 60 sinh viên, chỉ có 2 nữ, còn lại 58 nam nhưng Hồng không chịu thua kém bất cứ bạn nam nào. Suốt 5 năm học trong môi trường hầu như chỉ dành cho nam, nữ sinh quê Thanh Hóa đã nỗ lực không ngừng nghỉ để khẳng định bản thân với kết quả học tập đáng mơ ước: Đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường năm học 2014 -2015 và 2017 - 2018; 8 kỳ liên tiếp nhận học bổng trường ĐH Xây dựng, trong đó 5 kỳ đạt học bổng xuất sắc, 2 kỳ đạt học bổng loại giỏi, 1 kỳ đạt học bổng khá. Không những thế, Hồng còn đạt giải Nhì cấp Bộ, giải Nhất cấp trường giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018” với đề tài: “Nghiên cứu và phát triển hệ thống giám sát chất lượng không khí trong nhà từ thiết bị cảm biến IOT”.

Mới đây, Ánh Hồng xuất sắc vượt qua hơn 16 nghìn sinh viên trường ĐH Xây dựng đạt giải thưởng Sinh viên tài năng CSC năm 2018, trị giá 120 triệu đồng. CSC là giải thưởng danh giá, hàng năm chỉ trao cho duy nhất một sinh viên của ĐH Xây dựng, có kết quả học tập và nghiên cứu khoa học đặc biệt xuất sắc.

Có được bảng thành tích học tập ấn tượng đó, ít ai biết rằng, những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, Hồng từng bị sốc vì môi trường học tập toàn nam, ngành học cũng không phù hợp với bản thân. “Em định bỏ cuộc giữa chừng, thi lại vào một trường đại học khác nhưng rồi được các thầy cô, bạn bè động viên, hỗ trợ nên em quyết tâm học”, Hồng chia sẻ. Kỳ học đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ, Hồng học chỉ đạt loại khá nhưng bước sang kỳ học thứ 2, Hồng đạt loại giỏi, những năm tiếp theo đạt xuất sắc.

Với thành tích học luôn đứng vị trí số 1 lớp, bước sang năm thứ 2 đại học, Ánh Hồng được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Cũng từ năm thứ 2 đại học, nữ sinh khoa công nghệ thông tin tập tành nghiên cứu khoa học và xuất sắc giành giải Nhì giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học 2016-2017” cấp trường với đề tài: “Xây dựng và phát triển website tình nguyện cho trường ĐH Xây dựng”. Hiện đề tài đã được áp dụng trong khoa.

Đặc biệt, năm thứ 4 Đại học, Hồng xuất sắc giành giải Nhì cấp Bộ, giải Nhất cấp trường giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu Khoa học năm 2018” với đề tài: “Nghiên cứu và phát triển hệ thống giám sát chất lượng không khí trong nhà từ thiết bị cảm biến IOT”. Đề tài nghiên cứu, thiết kế và phát triển hệ thống Internet of Things có khả năng giám sát chất lượng không khí môi trường trong nhà, các thông số về bụi, khí thải bằng các thiết bị cảm biến có khả năng kết nối Internet. Số liệu đo sẽ được hiển thị trực tiếp trên các thiết bị thông minh và lưu trữ tại kho dữ liệu. Khi môi trường trong nhà có vấn đề, các chỉ số an toàn vượt ngưỡng cho phép, thiết bị sẽ báo chuông. 

Hồng cho biết, thiết bị đã được thử nghiệm tại chung cư và nhà xe cho kết quả tốt. Thiết bị đang được Hồng nâng cấp có thể cảnh báo qua điện thoại cho người sử dụng.

“Ðỗ vào ngôi trường mơ ước, ngày đầu tiên bước vào lớp học, em cũng khá bối rối vì cả lớp 30 sinh viên chỉ có mỗi em là nữ. Tuy nhiên, em cũng đã xác định tinh thần từ đầu, con gái theo học ngành cơ khí chắc là “của hiếm” nên cứ đặt mục tiêu phấn đấu”.

Sinh viên Phan Thị Hồng Mai (ÐH Thái Nguyên)

Chinh phục mục tiêu đã lựa chọn

Xinh đẹp, nữ tính nhưng nữ sinh Phan Thị Hồng Mai (SN 1996) lại có sở thích về cơ khí, máy móc. Từ những năm học cấp III, nữ sinh quê Hòa Bình đã có niềm đam mê tìm hiểu, thiết kế các loại máy móc. Vì thế, thi đại học, Hồng Mai quyết định chọn thi vào chuyên ngành cơ khí, thuộc khoa Quốc tế, trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên). “Đỗ vào ngôi trường mơ ước, ngày đầu tiên bước vào lớp học, em cũng khá bối rối vì cả lớp 30 sinh viên chỉ có mỗi em là nữ. Tuy nhiên, em cũng đã xác định tinh thần từ đầu, con gái theo học ngành cơ khí chắc là “của hiếm” nên cứ đặt mục tiêu phấn đấu”, Mai chia sẻ.

Chương trình Mai đang theo học tại ĐH Thái Nguyên là chương trình tiên tiến, học hoàn toàn bằng tiếng Anh với các thầy cô giáo từ nước ngoài, vì vậy đòi hỏi trình độ, sự nỗ lực của sinh viên rất lớn. Mai không chỉ có kết quả học tập xuất sắc, mà còn khẳng định mình ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tháng 5/2018, nữ sinh ĐH Thái Nguyên đã có công bố kết quả nghiên cứu khoa học tại hội thảo Quốc tế về vật liệu, máy móc và phương pháp phát triển bền vững. Tại hội thảo này, Hồng Mai xuất sắc đạt giải bài báo hay nhất với đề tài “Điều khiển và năng lượng trong phát triển bền vững”.

Hồng Mai hiện chủ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường đã nghiệm thu: “Thiết kế và chế tạo bộ cánh tuabin gió kiểu trục thẳng đứng công suất nhỏ hơn 100W”. Mai chia sẻ, việc sản xuất năng lượng sạch từ gió đang là xu thế của thế giới. Thực tế trên thế giới chủ yếu nghiên cứu và sản xuất bộ cánh tuabin gió kiểu trục ngang còn trục thẳng rất ít. “Khi bắt tay vào nghiên cứu ở mảng này em cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu tham khảo nghiên cứu cũng như thiết kế”, Mai chia sẻ. Với thiết kế trục thẳng đứng có nhiều ưu điểm hơn trục ngang vì không bị phụ thuộc vào hướng gió và phù hợp với môi trường thành thị.

Mai chia sẻ, đây chỉ mới là những kết quả bước đầu trên bước đường trở thành một kỹ sư cơ khí. Chọn con đường chủ yếu dành cho nam giới, Mai cho rằng, muốn thành công phải nỗ lực, đam mê hơn gấp bội. Thần tượng của Mai là nhà khoa học nữ lỗi lạc Marie Curie. Với Mai đó là một tấm gương, một động lực để vượt qua những khó khăn, thách thức để chinh phục những mục tiêu đã lựa chọn.

Mới đây, Hồng Mai giành học bổng toàn phần trường ĐH Quốc gia Gyeongsang, Hàn Quốc, bậc Thạc sỹ. Dự kiến tháng 3/2019, Mai sẽ lên đường du học. Đây là cơ hội để nữ sinh viên ngành Cơ khí ĐH Thái Nguyên mở mang hiểu biết, tiếp tục theo đuổi đam mê mà mình đã chọn.

Phan Thị Hồng Mai và Mai Thị Ánh Hồng là 2 trong số 20 nữ sinh xuất sắc trên toàn quốc được nhận phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ năm 2018, do T.Ư Ðoàn trao tặng. Ðây là năm thứ 20 T.Ư Ðoàn trao tặng giải thưởng này nhằm khuyến khích, tuyên dương những nữ sinh theo các ngành học kỹ thuật, công nghệ đang có ít bạn nữ lựa chọn như: Công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí.

Những nữ sinh tài năng ảnh 1 Hồng Mai (ngoài cùng, bên phải) tổ chức dã ngoại tiếng Anh cho sinh viên quốc tế  Ảnh: NVCC 
MỚI - NÓNG