Từng là học sinh có học lực yếu
Ngô Hà Kiều Phương vừa giành điểm tuyệt đối trong kỳ thi chuẩn hóa SAT để ứng tuyển vào đại học Mỹ với số điểm: lần 1 - 800 điểm viết, 800 điểm toán, 680 điểm đọc. Lần 2 - 800 điểm đọc, 780 điểm toán, 780 điểm viết (điểm tuyệt đối là 2.400/2.400 điểm). SAT I là kỳ thi bắt buộc khi xét tuyển đại học của hầu hết các trường ÐH ở Mỹ, gồm 3 phần toán, đọc, viết và bài luận ngắn, đều bằng tiếng Anh. Ở cuộc thi SAT II, Phương đạt: toán 800/800 điểm và sử Mỹ 770/800 điểm.
Theo đơn vị tổ chức cuộc thi College Board, trong khoảng 1,7 triệu thí sinh trên thế giới dự thi SAT I, mỗi năm chỉ 0,03% thí sinh đạt điểm tối đa. Bài thi SAT II kiểm tra trình độ học sinh trong mỗi môn học/lĩnh vực cụ thể, Kiều Phương nằm trong số hiếm đạt điểm tuyệt đối 800/800 môn toán, 770/800 môn sử Mỹ.
Kiều Phương cho biết, để đạt được kết quả trên Phương nỗ lực không ngừng nghỉ. Và ít ai ngờ, trong thời gian học tiểu học, những năm đầu học THCS, Phương là học sinh được đánh giá là có học lực yếu, tiếp thu kiến thức chậm hơn so với bạn bè cùng lứa. “Năm học tiểu học em viết xấu, đọc chữ chậm, làm toán thường sai, kết quả học tập đều kém xa so với bạn bè, thường đứng cuối lớp. Ðến đầu năm lớp 6, em còn mặc cảm với bạn bè khi tiếp thu kiến thức chậm”, Phương kể. Học lớp 6 Trường THCS Giảng Võ, thấy bạn bè đều học tiếng Anh giỏi, Kiều Phương đặt mục tiêu cố gắng vươn lên. Ngoài thời gian học tập trên lớp, Phương miệt mài ôn luyện tiếng Anh. Lên lớp 7, Kiều Phương thực hiện được điều mà “bản thân cũng không ngờ” khi từ một học sinh xếp thứ 49/54 của lớp, bỗng phá kỷ lục điểm số thi Olympic tiếng Anh năm lớp 7 của quận Ba Ðình. “Xem kết quả cuộc thi em còn không tin đó là sự thật, nghĩ có khi giám khảo chấm sai, thông báo kết quả thi với gia đình, mẹ em còn nghĩ đùa và không tin…”, Phương chia sẻ. Tiếp nối thành công đó, những năm học sau, Phương đoạt giải nhì thi Olympic môn Toán, tiếng Anh của quận, giải nhì kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh và đỗ vào khối chuyên Anh của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. “Phương pháp học tiếng Anh của em là tích cực đọc các bài viết trên báo nước ngoài như New York Times, CNN hay những truyện cổ kinh điển”, Phương bật mí.
Với thành tích học tập trên, Kiều Phương được Ðại học Vanderbilt (top 15 trường tốt nhất nước Mỹ) nhận học trong lần gửi hồ sơ sớm (chỉ được gửi một trường và phải học ở đây nếu trúng tuyển). Mức hỗ trợ tài chính em nhận được là hơn 50.000 USD một năm cho suốt 4 năm (hơn 4,5 tỷ đồng).
Giành học bổng 7 tỷ của Harvard
Nguyễn Ðình Tôn Nữ (SN 1999, tại Hà Nội), học sinh lớp 12 Anh1 của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vừa giành học bổng với mức hỗ trợ học phí 100% lên đến 7 tỷ đồng cho 4 năm học của Trường Harvard. Tôn Nữ nộp hồ sơ vào Harvard ngày 31/12 thì đến 31/3 cô bạn nhận phản hồi. 9X thi SAT (1.560/1.600), TOEFL (118/120), 3 môn SAT Subject Test (Hoá: 800, Toán 2: 740, Văn: 690) và viết một số bài luận.
Trong bài luận gửi Harvard, Nguyễn Ðình Tôn Nữ viết về chính cái tên của mình. Cô viết với một văn phong không cầu kỳ, cố gắng đơn giản nhất có thể. Nó chỉ là những mảnh ghép về các cuộc nói chuyện của em với bố về lý do bố đặt tên cho em, là ý nghĩa từ Hán Việt từng chữ trong cái tên... Từ những mảnh ghép nhỏ đó, cô muốn gửi thông điệp qua bài luận là đời sống văn hóa của mỗi người Việt Nam nói riêng hay người phương Ðông nói chung được thể hiện từ những điều nhỏ nhất, có thể bắt đầu chỉ là những cái tên.
Ðược biết, ngoài Harvard, Tôn Nữ còn trúng tuyển vào ÐH Williams, ÐH Swarthmore, cả 3 trường ÐH này đều thuộc các trường ÐH top cao của Mỹ. Tuy nhiên, Tôn Nữ chọn Harvard, bởi ở đây có ngành Nhân học. “Em thích tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người phương Ðông nói chung và của Việt Nam nói riêng, để từ đó thấy được một sợi dây xuyên suốt trong đời sống văn hóa của mỗi con người trên thế giới”, Tôn Nữ nói.
Harvard chọn Tôn Nữ không chỉ từ bài luận mà còn từ cuộc phỏng vấn thứ hai của trường. Cuộc phỏng vấn chỉ xoay quanh nội dung vì sao em thích học và tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến văn hóa, đến tín ngưỡng của người Việt. "Trong bài luận với hội đồng tuyển sinh, nhiều người chọn viết về thành công của mình nhiều. Còn trong bài luận của mình về "Cộng Hưởng" lại là một bài luận nói về việc mình đã thất bại như thế nào, đã phải đánh đổi những gì cho lý tưởng mà mình tin. Ðến cuối cùng, mình học được những gì? Ðó là sự khác biệt của mình với những sinh viên khác”, Tôn Nữ nói.
Nữ sinh Lào Cai vào Stanford
Nguyễn Lê Hoài Anh (SN 1998) ở Lào Cai vinh dự nhận học bổng toàn phần 6,5 tỷ đồng từ Trường ÐH Stanford. Hoài Anh là một trong 5 đại diện Việt Nam tham dự Chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Ðông Nam Á - Southest Asia Youth Leadership Program (SEAYLP), tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ðại học Northern Illinois vào năm 2015.
Hoài Anh chia sẻ, một lần lên Sa Pa, thấy các em nhỏ chỉ có manh áo mỏng trên người giữa mùa đông buốt giá, cô đã huy động được sự giúp đỡ của doanh nghiệp du lịch để mang đến hàng trăm chiếc áo ấm mới đẹp được trao đến tay các em nhỏ vùng cao qua dự án “Warmth”. Một trong các bài luận phụ gửi Stanford của cô gái Việt có chủ đề: “Hãy viết một bức thư gửi đến bạn cùng phòng tương lai của em”. Ðể thể hiện sự quan tâm đến đa dạng văn hóa, Hoài Anh ngỏ lời muốn bạn cùng phòng tương lai chia sẻ đặc sắc văn hóa đất nước cô ấy và hứa hẹn cũng sẽ chia sẻ văn hóa Việt Nam, một ngày sẽ làm nem cho bạn của mình ăn.
Hoài Anh cho biết, mùa hè năm học lớp 11, cô là một trong 5 đại diện của Việt Nam tham dự Chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Ðông Nam Á (SEAYLP) tại Mỹ. Chuyến thăm thủ đô Washington D.C và trò chuyện với cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ khi ấy là bà Kristie Kenney đã thắp lên trong nữ sinh Việt Nam niềm khát khao trở thành nhà ngoại giao. Hoài Anh chọn học ngành Quan hệ quốc tế ở Stanford University cũng bởi lý do này.
Trở về Việt Nam, nữ sinh vùng cao dốc sức ôn thi học sinh giỏi quốc gia và làm hồ sơ gửi tới nhiều đại học Mỹ, trong đó có khối Ivy League danh giá. Cùng với sự chịu khó tìm tòi thông tin, kết nối với bạn bè quốc tế, Hoài Anh đỗ vào Ðại học Stanford. Theo xếp hạng của QS World University Rankings, năm 2017 Stanford University đứng thứ hai trong các trường tốt nhất thế giới. Ðại học này có tỷ lệ chấp nhận học sinh thấp nhất nước Mỹ.
“Trong bài luận với hội đồng tuyển sinh, nhiều người chọn viết về thành công của mình nhiều. Còn trong bài luận của mình về "Cộng Hưởng" lại là một bài luận nói về việc mình đã thất bại như thế nào, đã phải đánh đổi những gì cho lý tưởng mà mình tin. Đến cuối cùng, mình học được những gì? Đó là sự khác biệt của mình với những sinh viên khác”.
Nguyễn Đình Tôn Nữ