Tại cảng cá Thọ Quang vào buổi trưa, bà Đinh Thị Thanh Thủ (53 tuổi, quê xã Phú Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) ngồi trên tàu nhặt từng cọng rau muống. Đây là công việc hằng ngày của bà. Ba năm nay, bà xem thuyền là bếp, là nhà của mình. Cách đây 12 năm, chiếc thuyền vợ chồng bà mua với giá gần 15 cây vàng bị sóng biển đánh vỡ. Chồng bà, ông Phạm Thái Vinh, đành phải đi làm cho một chủ thuyền, còn bà ở nhà bán cá.
Ba năm trước, vợ chồng bà dành dụm sắm được chiếc tàu mới QNg 94560 công suất 400CV, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Bà bắt đầu theo chồng ra cảng cá Thọ Quang lo chuyện cơm nước trên thuyền. “Cứ thuyền về bến là tôi lại bắt xe từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng để bán cá và chuẩn bị lương thực, nấu nướng cho ngư dân trên thuyền”, bà kể.
Sau tết Ất Mùi, tàu vừa ra khơi, bà vừa về đến Quảng Ngãi, nghe tin hộp số của tàu bị yếu phải trở về đất liền sửa chữa, bà lại lặn lội bắt xe ra Đà Nẵng lo cơm nước trong những ngày sửa tàu. “Tôi có 4 đứa con thì có một đứa, Phạm Thế Phúc, 21 tuổi, cũng theo cha đi biển. Nên với tôi, mỗi lần gặp cha con trở về cảng Thọ Quang chính là gặp lại cuộc sống của mình”, bà Thủ chia sẻ.
Chị Đỗ Thị Hoa (36 tuổi, quê thành phố Quảng Ngãi) cũng theo chồng, anh Lê Tấn Đá, tàu QNg 92057 công suất 400 CV, ra cảng cá Thọ Quang, để nấu nướng trên tàu. Mỗi lần tàu của chồng về, chị phải thức đêm để kịp đi bán cá. Sau đó, 7-8 giờ sáng, chị chạy xuống chợ để mua thức ăn nấu nướng và dự trữ trên tàu, chuẩn bị ra khơi.
Mỗi chuyến biển kéo dài 10-15 ngày, phải tính toán đủ đồ ăn, thức uống cho cả chục người. Những lúc rảnh rỗi, chị Hoa lại phụ giúp chuyện đan lưới và bốc đá lên tàu. Chị tâm sự, theo nghề biển là “hồn treo cột buồm”, lo lắm, nên mỗi lần đi lại chuẩn bị cơm nước, lương thực cho chồng, xa xôi, vất vả mấy cũng chịu được, chỉ mong chồng con, anh em bình yên trở về.
Phụ nữ đi biển
Bà Thủ chăm sóc bữa ăn cho chồng con và thuyền viên trên tàu
Bà Thủ kể: “Ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, rất nhiều người phụ nữ đi biển. Thường thì họ chỉ đi biển gần bờ, khoảng 1-2 ngày là vào, hoặc những lúc thuyền thiếu thợ, chồng cùng vợ lênh đênh trên biển”. Đi biển dài ngày rất khó khăn, nên chỉ khi nào tàu thiếu người, phụ nữ mới xông pha.
Bà Nguyễn Thị Bình (54 tuổi, ở xã Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn lênh đênh trên chiếc thúng mưu sinh qua ngày. “Chồng tôi mất hồi năm 2009 vì gặp nạn trên biển, để lại đứa con gái 16 tuổi. Từ đó, tôi bắt đầu với biển. Đến khi con gái lấy chồng, tôi vẫn đi biển”, bà kể. Hằng đêm, bà Bình kéo chiếc thúng ra biển, tự quăng lưới, gỡ cá. Sáng sớm, lên chợ bán cá rồi lại về lo chuyện cơm nước. Cuộc sống cứ thế xoay vần.
Khi được hỏi về người vợ sớm hôm lặn lội bán cá và lo cơm nước cho chồng cùng anh em trên tàu, anh Đá, chồng chị Hoa, vui vẻ nói: “Đúng là đàn ông ngư dân chúng tôi chỉ biết làm, chẳng tính toán được gì cho ra hồn. Cả mấy tấn cá mỗi lần về, có vợ lo… Khỏe!”.