Những nỗi đau không thể đào sâu chôn chặt!

Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn
Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn
TP - Nỗi đau thời chiến và nỗi đau thời hậu chiến thì có gì khác? Nỗi đau nào cũng là nỗi đau, chỉ là cách thể hiện khác nhau.

Chiến tranh, mất mát hy sinh đầu tiên thuộc về người ra trận mạc. Có vô số thân phận người lính: “Có người còn nguyên hình/Có kẻ cụt chân, có người thiếu ngón/Người thủng đầu, người Xơ gan, nát ngực/Còn riêng ta.../Ta chết giữa tuổi thanh xuân/Vì một nguyên tử hơi độc da cam. (Phùng Khắc Bắc). Muôn ngàn cái chết khác nhau, dĩ nhiên cũng bằng ấy nỗi đau.

Thời chiến tranh, ám ảnh tôi nhất là tin báo tử về làng.

Chòm xóm nhà tôi, ai oán tiếng khóc hời suốt đêm. Sáng ra, nhìn thấy vườn hàng xóm trắng xóa các gốc cây. Người nhà đội khăn tang, nhưng cũng không quên quét vôi trắng cho cây để tang người hy sinh ở mặt trận. Có lúc lặng lẽ, có lúc ồn ào người đến chia buồn. Bà mẹ thì khóc ngất lên ngất xuống. Nhưng người vợ thì không một giọt nước mắt. Ngồi trơ trơ. Vô hồn. Như đá như đồng. Thỉnh thoảng có tiếng người nhỏ nhẹ, yếu ớt: “Khóc đi em. Khóc đi cho nhẹ lòng”. Khóc sao nổi, nỗi đau đã hóa đá rồi!

Những nỗi đau không thể đào sâu chôn chặt! ảnh 1 Hình ảnh lính Mỹ trước người dân Mỹ Lai
Một lần, xã tôi tổ chức báo tử bốn người lính. Cái hội trường nhỏ xềnh xoàng, sập sệ. Người ta úp bốn cái thuyền nan chở lúa, lấy vải phin đỏ bọc xung quanh làm giả quan tài. Tôi cũng không hiểu tại sao cứ phải úp thuyền làm quan tài. Chắc phải thật như thời trước diễn kịch “Con trâu quả thực”, diễn viên quần chúng dắt cả con trâu lên sân khấu đình làng? Bốn lá cờ đỏ sao vàng phủ lên. Mỗi quan tài giả đặt một “bát hương” cắt bằng một khoanh thân chuối. Dĩ nhiên là... trắng xóa khăn tang. Và tiếng khóc, tiếng hời. Cũng nhạc Chiêu hồn tử sĩ. Cũng lễ truy điệu. Cũng mặc niệm. Cũng tuyên dương công trạng. Ai cũng được đọc một câu “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”. Nhưng, không nói mộ đặt ở ấp, xã, huyện, tỉnh nào. Làng như giỗ trận, vắng tiếng cười đến cả tháng.

Mấy hôm sau, bà Chủ tịch Hội Phụ nữ, bảo ông chú tôi: “Bác làm xã đội trưởng thì phải biết cân nhắc. Lần sau, bác làm lễ báo tử làm từng người một, rải ra vài ba tuần một đám. Dồn đống lại, tang tóc cả làng”. Chú tôi bảo: “Úp từng cái thuyền một, thì bảo “năm bữa nửa tháng” lại khóc lại than, tuần nào cũng khói hương. Úp thuyền cùng một lúc, thì lại bảo tang thương như giỗ trận. Thôi thì, đằng nào cũng khóc, khóc luôn một lần cho xong”. Nhưng, nào có khóc được một lần cho xong...

Thời chiến tranh, trai tráng ra trận hết, làng toàn đàn và con gái với ông già bà lão. Nhà văn Đỗ Văn Nhâm có cái tứ truyện “Làng xa” rất hay, ám ảnh. Ông xã đội trưởng là thương binh chống Pháp, một chân lành một chân giả. Những người vợ, người mẹ cứ nghe thấy bước chân ông cọc cạch trên đường là hốt hoảng mắt nhìn. Ông rẽ vào cổng nhà khác mới thở phào nhẹ nhõm. Ông đến nhà ai thì làm một trong hai việc: Hoặc đưa giấy triệu tập nhập ngũ, hoặc đưa giấy báo tử. Không đưa giấy nhập ngũ, mà lại đưa giấy báo tử thì sao? Truyện ngắn này, nhà văn lấy cảm hứng từ chuyện có thật ở làng ông.

Những năm chiến tranh đánh Mỹ, bọn tôi còn nhỏ. Trẻ con thì sợ bom đạn, khi ngớt máy bay phá hoại là lại chơi tưng bừng. Thậm chí có đêm tối đen, máy bay rít trên trời mà vẫn đứng ở đầu làng nhìn về phía ga Gành thấy từng luồng đạn cao xạ đỏ nối đuôi nhau vạch lên trời. Có khi lần mò trong đêm, chui bờ rúc bụi, suông vườn chuối, lủi vườn cà đánh trận giả, bọn tôi tình cờ bắt gặp những người đàn bà tắm đêm. Khuya cũng người tắm. Sớm cũng có người tắm. Không cạnh giếng khơi, thì cũng trên cầu ao nhà mình. Kín đáo có. Hở hang có. Lúc đó, trong trí óc non nớt của mình, chỉ thấy bẽn lẽn, và tò mò, chứ không cắt nghĩa được sao nhiều đàn bà lấy giếng nước làm bầu bạn. Nửa đêm thức dậy thấy chị hàng xóm đằng trước có chồng đi B vẫn đang xay lúa. Gần sáng lúc tỉnh lúc mơ còn biết chị hàng xóm đằng sau có chồng chết trận giã gạo buổi sớm.

Cuộc chiến tranh nào, dù tàn khốc, kéo dài dai dẳng bao nhiêu thì cũng phải đến hồi kết thúc. Hòa bình, lô cốt, xác xe tăng, bùng nhùng kẽm gai... cũng dần biến mất giữa ngút ngàn màu xanh.

Hóa ra, đàn bà chưa biết mùi đàn ông thì không sao, biết rồi thì nhớ nhung, thèm khát, cộng với cái thương, cái yêu đằng đẵng cách xa chờ chồng, chờ người yêu ở mặt trận, hay một đời góa bụa bởi chiến tranh, lòng ai cũng thành lửa cháy. Tắm đêm, và xay lúa đêm, giã gạo khuya cũng là một cách quên đi nỗi nhớ người ra trận, quên đi người có ra đi mà không trở về.

***

Cuộc chiến tranh nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Nỗi đau thương bên thắng trận và bên thua trận chẳng biết bên nào đau thương hơn bên nào. Bởi Tạo hóa rất công bằng, cứ người đàn bà này sinh một con trai thì người kia lại đẻ một con gái. Ở phía sau, cũng có nỗi đau không nói thành lời. Nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Chị thiếu anh nên chị thừa ra/Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Cứ bao nhiêu người con ra trận không về, thì cũng gần bằng từng đó người mẹ khóc hời “Lá xanh còn ở trên cây/Lá vàng đã rụng trời ơi hỡi trời”. Cứ bao nhiêu người con trai ra trận thì cũng từng ấy người con gái... thừa ra.

Những nỗi đau không thể đào sâu chôn chặt! ảnh 2 Pháo đài bay của Mỹ trải thảm xuống Việt Nam năm 1972. Ảnh: TL
Chưa ai thống kê hết bao nhiêu người đàn bà góa bụa bởi chiến tranh, bao nhiêu người chờ chồng, chờ người yêu năm năm, mười năm, thậm chí chờ “hai mươi năm không đêm nào ngủ được”? Chưa có một số liệu đầy đủ bao nhiêu người lính trở về, họ không mang vết thương thân thể, mà ngập đầy nỗi đau tâm hồn?

Tôi đã viết truyện ngắn “Mười ba bến nước” với triết lý: Đời người đàn bà trôi qua mười hai bến nước, gặp bến trong thì may, bến đục thì rủi. Nhưng, người vợ lính còn phải đi qua bến nước thứ mười ba - bến nước chiến tranh. Làm vợ lính đằng đẵng chồng xa nhà đã khổ, nhưng người lính bị nhiễm chất độc da cam thì trăm ngàn nỗi đau hơn. Người lính đi qua vùng rừng trụi lá mà họ không biết. Chiến tranh kết thúc, trở về vẫn lành lặn, vẫn lấy vợ sinh nở. Chỉ có điều không ra những đứa con lành lặn làm người, mà ra những đứa bé dị dạng, tật nguyền, thậm chí ra những cục thịt đỏ hỏn. Mong ước hạnh phúc đơn sơ bình thường làm cha làm mẹ cũng không có sau chiến tranh. Nhìn những đứa con dị dạng, nhìn người vợ héo mòn, lòng dạ ai chẳng buốt giá.  

Chiến tranh đã kết thúc, mà con người vẫn không thoát khỏi chiến tranh. Năm 2017, một khảo sát của Bộ Quốc phòng: Chỉ riêng tỉnh Quảng Trị đã có tới 82% diện tích tự nhiên bị ô nhiễm vật liệu nổ chiến tranh, ước tính khoảng 800.000 tấn. Từ năm 1975, toàn quốc đã có 40.000 người chết, 60.000 người bị thương do bom mìn chiến tranh còn sót lại. Người chết thì cũng yên phận, nhưng người sống thì tật nguyền, mất khả năng lao động, như một gánh nặng cho gia đình, xã hội. Có nỗi nhọc nhằn nào, có nỗi đau nào hơn thế?

Cuộc chiến tranh nào, dù tàn khốc, kéo dài dai dẳng bao nhiêu thì cũng phải đến hồi kết thúc. Hòa bình, lô cốt, xác xe tăng, bùng nhùng kẽm gai... cũng dần biến mất giữa ngút ngàn màu xanh. Nhưng, mất mát hy sinh và nỗi đau chiến tranh thì vẫn hiện diện đâu đó, không thể đào sâu chôn chặt. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.