Nối thêm chuyện chim ưng Mỹ bị xiềng (Kỳ II):

Những nhân chứng sống có bị quên?...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Công Vượng
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Công Vượng
TP - Lần đi Cô Tô mới đây do hối hả chạy tránh cơn bão nên khi về Hạ Long, tôi đã nhỡ cuộc gặp với một người. Đó là Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Công Vượng...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Ninh có nhiều người nổi trội, trong đó có tay máy Công Vượng. Những năm xa về Vùng Mỏ, những lần lang thang với nhà báo Nguyễn An Định, lại may mắn được NSNA Mai Nam giới thiệu nên được gần gũi  nhiều bậc viết, nhiếp ảnh đất mỏ trong đó có tay máy Nguyễn Công Vượng.

Anh Công Vượng người nhỏ nhưng nhanh. Vài lần đi hiện trường mỏ, xuống lò hay ca kíp tôi thầm nghĩ mình đương là người may mắn bởi được ở bên một tài năng nhiếp ảnh. Hai năm liền cái tên Công Vượng sáng giá với bức ảnh viên phi công Mỹ lần đầu tiên bị bắt (1964) và Bác Hồ tay nâng niu hòn than kíp lê ở Hòn Gai (1965).

Chặp tối 5/8/1964, Công Vượng bỏ dở bữa cơm vì nghe tin phi công Mỹ đang bị bộ đội Hải quân giam bên kia Hòn Gai, anh vớ vội chiếc túi đựng chiếc máy Pratika và chiếc đèn Flash còn mới, khi đó là tài sản quý giá của tòa soạn, hối hả nhảy lên xe đạp. Vì từ buổi chiều chưa nguôi cơn tiếc là đã để hụt cảnh phi công Mỹ bị bắt… Trong lúc chờ phà qua Bãi Cháy, anh cẩn thận kiểm tra lại máy ảnh, để sẵn tốc độ, cự ly, ống kính...

Đến nơi đã gần 10 giờ đêm. Cuộc hỏi cung tên giặc lái đang diễn ra. Tên này cũng chả phải vừa, phát hiện thấy Công Vượng giơ máy ảnh lên hắn lập tức ngoẹo đầu, vênh mặt lên, nheo hai mắt, mồm méo xệch... Tư thế như vậy thì hỏng mất ảnh. Anh nghĩ thoáng nhanh và cũng lập tức nghiêm mặt nhìn trừng trừng vào hắn. Viên phi công cũng cụp mắt lại thoáng cúi đầu. Công Vượng bấm ngay máy. Rồi hối hả lên phim. Thêm kiểu nữa. Rồi kiểu nữa!

Về tới tòa soạn đã hơn 12 giờ đêm, ào ngay vào phòng tối.  Hai kiểu hỏng. Chỉ được mỗi một. Công Vượng in ảnh và tòa soạn đem trình đồng chí Nguyễn Thọ Chân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh duyệt. Ngay ngày hôm sau, mồng 6/8/1964 bức ảnh ấy đăng trên báo Vùng  Mỏ được in dưới những dòng tin chiến thắng oanh liệt của quân dân miền Bắc nói chung, của quân dân Hòn Gai - Bãi Cháy nói riêng trong trận đầu chiến thắng máy bay giặc Mỹ. Hình ảnh Alvarez, tên giặc lái đầu tiên bị bắt ở miền Bắc cúi đầu còn được đăng tải ở báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và nhiều báo, tạp chí khác trong cả nước và trên thế giới, đặt trong các bảo tàng Trung ương và địa phương.

Rồi sau ba mươi năm, mãi cho đến năm 1995, NSNA Công Vượng đã lấy lại bản quyền tấm ảnh quý giá có một không hai này.

Có nghe loáng thoáng NSNA Công Vượng dạo này tuổi cao (sinh năm 1934) không được khỏe. Cũng mừng cô con gái ông nối được nghiệp cha đang làm phóng viên báo Quảng Ninh. Gọi cho lão NSNA hơi mừng thấy ông giọng yếu nhưng trí nhớ vẫn rành rọt.

Ai đã cứu, nói đúng hơn đã “vớt sống” Alvarez?  Một thời gian  sau một tờ báo có hẳn bài viết là bố con một ông lão thuyền chài ở Vịnh Hạ Long nọ đã hợp sức lôi viên phi công Mỹ lên cái thuyền chài ọp ẹp. Rồi không ít những lời nắc nỏm về thứ thiên la địa võng thần kỳ của thế trận chiến tranh nhân dân. Rằng bố con ông thuyền chài nọ, một già một nít, trong tay không tấc sắt giữa bom đạn mù trời mà làm được cái việc hi hữu!

Những nhân chứng sống có bị quên?... ảnh 1  Phút giây hiếm hoi của Alvarez tại Trại giam Hỏa Lò Ảnh: Tư liệu

Nhưng thời điểm  Alvarez sang Việt Nam muốn tìm gặp người đã vớt sống mình thì người ta mới bổ đi truy tìm hai cha con ông lão đánh cá nọ! Nếu bố cao tuổi đã mất thì phải còn người con? Nhưng truy tìm mãi cũng không ra!

Bí mật về nhân chứng lịch sử, người trực tiếp bắt sống phi công Alvarez mãi đến năm 1997 mới được phát lộ. Đó là bài trên báo Cựu Chiến binh (số 150/1997) “Đã tìm được người bắt sống phi công Mỹ đầu tiên” của tác giả Nguyễn Xuân Trọng, Phó chủ tịch Hội CCB phường Cảm Phú, Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Trong bài báo, tác giả cho biết, cả ba người trên con thuyền đã “vớt sống” Alvarez đều còn sống. Họ đều là những CCB. Thuyền trưởng là ông Nguyễn Kim Bảo, hiện đang sống ở tổ 123A, tiểu khu 8, phường Cẩm Phả, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Nhóm 3 cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia bắt sống viên phi công Mỹ ngày đó là chuẩn úy Nguyễn Kim Bảo cùng binh nhất Lê Văn Lộc và binh nhì Nguyễn Đình Giang của đơn vị bộ đội C7 đóng quân trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Đó là sáng ngày 4/8/1964, theo lệnh chỉ huy chuẩn úy Nguyễn Kim Bảo cùng hai đồng đội là Lê Văn Lộc (quê ở thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) và Nguyễn Đình Giang (ở phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả, nay là thành phố Cẩm Phả) dong thuyền buồm vào quân khu để báo cáo tình hình công việc, kết hợp lấy quân nhu, lương thực cho đơn vị trên đảo.

Xong việc, vào khoảng 9 giờ sáng hôm sau, 5/8/1964, tổ công tác rời Bãi Cháy về Cô Tô. Buổi ấy trời lặng gió, nước ngược nên chèo mãi mà thuyền vẫn chưa ra khỏi được Vịnh Hạ Long. Khoảng hơn 14 giờ chiều, đột nhiên không gian vỡ vụn bởi tiếng động cơ phản lực gào rít cùng súng nổ rền trời. Rồi cả ba tận mắt chứng kiến một chiếc máy bay Mỹ bị trúng đạn, bốc cháy đùng đùng và nhào xuống biển cách thuyền không xa. Và một chiếc dù lơ lửng đáp xuống mặt biển.

Phát hiện viên phi công Mỹ trong bộ đồ bay đang khua khoắng… Mục tiêu phải bắt sống bằng được tên phi công. Chiếc thuyền buồm nhanh chóng tiếp cận. Nguyễn Kim Bảo lăm lăm khẩu súng ngắn K54, Giang với khẩu súng trường CKC, Lộc với khẩu súng tiểu liên AK. Họ cố sức lôi hắn lên thuyền. Ngay lập tức việc thu súng, máy bộ đàm, rồi tất tật dao găm, bật lửa, giấy tờ của tên phi công. Sau cùng là trói hắn vào cột buồm, phủ vải buồm nâu lên.

Vòng lượn của những chiếc máy bay đã xa. Tay phi công Mỹ bị bắt run lẩy bẩy dưới chân cột buồm. Nguyễn Kim Bảo trấn tĩnh hắn bằng cách châm cho điếu thuốc. Y ta gật đầu cảm ơn. Khoảng hơn một tiếng sau, tàu hải quân chạy ra, mấy anh em liền bàn giao phi công cùng tang vật cho các chiến sĩ hải quân trên tàu.

…Thời điểm truy tầm người vớt sống Alvarez, có lẽ do nhiều nguyên nhân, thông tin đã không đến được nơi đến người cần đến chăng?

Có dịp ghé Cô Tô 2 lần nhưng tại Bảo tàng đảo Cô Tô, tôi không thấy trưng bày hiện vật, ảnh chụp hay mô hình nào về sự kiện bộ đội C7 Cô Tô từng bắt sống viên phi công Mỹ đầu tiên trên miền Bắc. Và ngay ở bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cũng vậy?

Cũng có ý tiếc bởi chả tốn mấy công sức và cũng chẳng nhiêu khê gì. Hình như 3 cựu binh kia còn sống khỏe ngay ở Cẩm Phả kia thôi?

 (Còn nữa)

Ngày 4/9/1964, trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu, Nguyễn Kim Bảo được nhận bằng khen, còn ông Lê Văn Lộc và ông Nguyễn Đình Giang được nhận giấy khen của quân khu tặng vì đã có thành tích bắt sống viên phi công Mỹ, Alvarez.

MỚI - NÓNG