Những nhà giáo tiêu biểu nói về nghề

Những nhà giáo tiêu biểu nói về nghề
TP - Bên hành lang lễ tuyên dương, các cô giáo đã chia sẻ với Tiền Phong những tâm sự về nghề:

> Những nữ giáo viên vượt khó trồng người
> 22 năm dạy chữ ở làng phong

Cô giáo Hoàng Thị Minh, SN 1983, giáo viên mầm non xã Quảng Uyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang: “Dạy học sinh vùng cao, ngôn ngữ là một trở ngại”

Học sinh của tôi là các cháu nhỏ, rất hiếu động. Viên chức làm việc 8 tiếng/ ngày, còn chúng tôi thì làm việc từ 7 giờ sáng tới chiều muộn. Cô giáo vùng cao phải dạy học sinh là con em nhiều dân tộc khác nhau, việc bất đồng ngôn ngữ là một cản trở lớn trong việc giúp học sinh tiếp nhận thông tin. Có khi chúng tôi nói “các cháu ơi ngồi ngoan nào” thì các cháu cũng nói lại “các cháu ơi ngồi ngoan nào”. Để cung cấp vốn từ phổ thông cho các cháu, nhiều khi chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của những cháu lớn.

Một khó khăn nữa chúng tôi thường gặp là đi vận động bà con cho trẻ đi học. Ở vùng cao, các hộ dân sống rải rác trên những sườn đồi. Việc đi lại vất vả vì đi từ nhà này sang nhà khác cô giáo không chỉ phải vượt một quãng đường dài mà còn phải trèo đèo lội suối.

Sinh ra lớn lên ở vùng cao, dẫu trong công tác gặp nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ đó chính là nghề mà tôi đã lựa chọn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, SN 1967, Trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Thêm những chính sách cổ vũ giáo viên”

Ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học là một yêu cầu. Cá nhân tôi đã ý thức từ rất sớm việc phải tìm kiếm học hỏi các phương pháp cũng như cơ sở lý luận dạy học để trở thành một giáo viên được học sinh yêu mến, đồng nghiệp tín nhiệm. Từ xuất phát điểm là số 0 về tiếng Anh, tôi đã đi học tiếng Anh để thi đỗ đầu vào cao học, thực hiện ước mơ của mình là học về phương pháp- lý luận dạy học.

Nhà giáo muốn thực sự chuyên tâm dạy tốt có lẽ điều trong cuộc sống chỉ mong ít phải lo nghĩ tới cơm áo gạo tiền, tới cuộc sống mưu sinh. Có thế họ mới chú tâm dạy và nghiên cứu. Hiện nay, tuy được nhà nước quan tâm nhưng với đời sống giá cả đắt đỏ như hiện nay, cuộc sống của giáo viên nhìn chung vẫn rất khó khăn, đặc biệt là giáo viên mới ra trường khi mà lương của họ chỉ hơn 2 triệu đồng/ tháng. Tôi mong có nhiều hơn nữa những chính sách động viên, cổ vũ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng xa.

NGƯT Trần Thúy Kiên, SN 1960, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hưng, TP Cần Thơ: “Đổi mới làm sao để các em tiếp thu kiến thức tốt”

Nhà giáo xưa và nay có đều chung tấm lòng vì học sinh thân yêu. Cái khác giữa xưa và nay, việc ứng dụng CNTT đưa vào bài giảng chưa hiện đại như bây giờ, do đó nhà giáo phải nỗ lực học hỏi mới có thể dạy tốt. Nhưng còn một cái khác xưa đáng buồn, đó là trước đây có nhiều tấm gương nhà giáo xưa tận tụy dạy học trò mà không thu tiền, trong khi đó ngày nay vẫn có một số ít giáo viên nặng việc dạy thêm học thêm để thu tiền không đúng quy định.

Một băn khoăn khác, đó là sự ngộ nhận của một số giáo viên về việc đổi mới phương pháp dạy học. Trước việc kêu gọi đổi mới phương pháp của ngành, nhiều thầy cô hiểu nhầm đổi mới là xóa bỏ cái cũ hoàn toàn. Thật ra, yêu cầu của đổi mới là làm sao cho các em tích cực chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Một số giáo viên cho rằng muốn đổi mới là phải ứng dụng CNTT, trong khi thật ra có bài ứng dụng được, một số bài vẫn phải dùng các biện pháp truyền thống.

Quý Hiên
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG