Những nguyên nhân “giật mình” khiến trẻ bị viêm loét dạ dày

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Khi bị loét dạ dày, trẻ bị đau bụng, do còn nhỏ trẻ xác định không chuẩn xác như người lớn. Một số kêu đau ở thượng vị nhưng một số lại đau ở quanh rốn. Đau có thể liên quan đến bữa ăn như đau sau ăn hay thường vào một số thời điểm trong ngày như gần trưa, hoặc chiều. Tuy nhiên nhiều trường hợp đau không liên quan gì đến bữa ăn hoặc thời điểm nhất định trong ngày.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Loét dạ dày tá tràng là bệnh ít gặp ở trẻ, tuy nhiên bệnh đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. 

Bệnh được chia làm 2 loại: tiên phát và thứ phát. Trong đó, hay gặp nhất là loét dạ dày thứ phát, do các tác nhân gây ảnh hưởng cấp tính đến niêm mạc dạ dày.

Nguyên nhân hay gặp nhất ở trẻ là do stress. Ở trẻ lớn hay gặp sau chấn thương hoặc các tình trạng đe dọa cuộc sống, các chấn thương tinh thần. Học hành quá tải, sự lo lắng quá nhiều, thậm chí cả những trường hợp do cha mẹ ép ăn quá nhiều cũng là một trong các nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng ở trẻ, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ngoài ra cũng có trường hợp loét do thuốc, thường gây tổn thương ở dạ dày nhiều hơn.

 Những nguyên nhân chính khiến trẻ bị dạ dày

Stress từ việc học hành, thi cử:

Người lớn có cái lo của người lớn, con nít cũng có cái áp lực riêng của lũ nhỏ. Trong thời đại ngày càng ưa chuộng bằng cấp và điểm số (tất nhiên không thể thiếu kiến thức) thì thật không khó để chúng ta có thể bắt gặp những hình ảnh phụ huynh chở con em của mình đi học từ sáng tinh sương đến tận đêm khuya chỉ để mong con em của mình không thua kém người khác. Áp lực từ sự hy sinh của cha mẹ mong cho con nên người và thành tài, nỗi lo về những con điểm trong kì thi sắp tới đã vô tình tạo một áp lực tâm lý đè nặng trong lòng con nhỏ mà chúng ta lại không hề hay biết.

Những sự lo âu trong chuyện điểm số và danh hiệu đã phần nào trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến cho trẻ nhỏ khi không lại mắc bệnh về dạ dày. Nhưng cũng như các phân tích ở trên, có đến 60 – 70% dân số nhiễm phải vi khuẩn HP thì việc trẻ tự nhiên mắc bệnh chắc chắn sẽ không tạo được sự ngạc nhiên đối với những bậc cha mẹ có kiến thức về bệnh dạ dày.

 Do sự di truyền từ cha – mẹ:

Một thông tin đáng lưu ý cho bạn đọc rằng: “Vi khuẩn HP hoàn toàn có thể di truyền từ cha mẹ sang con”. Tuy không gây nguy hiểm như virus HIV thế nhưng việc di truyền vi khuẩn HP từ mẹ sang con là một sự thật đã được chứng minh. Thế nên đối với những gia đình mà ở đó người cha hoặc mẹ là một người mắc phải bệnh dạ dày thì khả năng rất cao đứa bé khi sinh ra đã bị bệnh về da dày bẩm sinh.

 Do thói quen ăn uống chung đụng trong gia đình và xã hội:

Thế nhưng cũng có nguyên nhân khác khiến trẻ mắc bệnh về dạ dày nhưng chúng ta lại xem đó như là một hành động hết sức tự nhiên và bình thường, đây cũng lại là mấu chốt quan trọng khiến cho tỉ lệ nhiễm bệnh dạ dày của ngươi dân Việt Nam luôn có thứ hạng cao trong tổ chức y tế thế giới về căn bệnh liên quan đến dạ dày: “Đó chính là thói quen ăn uống chung đụng”.

Thói quen này diễn ra ở phần lớn là các nước phương Đông khi mà ở đó, nền văn hóa cũng như hình ảnh về bữa cơm ấm cúng có sự góp mặt của tất cả các thành viên trong gia đình. Đây là một trong những nét văn hóa vô cùng đáng tự hào của người phương Đông nhưng cũng chính vì đặc điểm văn hóa này khiến cho mức độ nhiễm phải bệnh dạ dày của người Đông phương luôn trong tình trạng báo động.

Đối với những người có một vài sự hiểu biết về bệnh dạ dày thì chúng ta hoàn toàn biết được là chỉ cần ăn chung một chén mắm thôi cũng đã đủ để bệnh lây lan cho toàn thể thành viên trong gia đình nếu như trong đó có một người mắc phải bệnh về dạ dày. Tuy nhiên điều này cũng có thể hoàn toàn xảy ra đối với trường hợp ăn uống chung đụng bên ngoài, chỉ cần trẻ chuyền tay chon nhau ly trà đào hoặc đơn giản là ăn chung một bịch bánh tráng trộn thôi thì cũng là đã đủ để trẻ có thể nhiễm bệnh nếu như bạn của tụi nhỏ mắc phải căn bệnh này.

Do ăn uống không điều độ:

Với lối sống ở các thành phố lớn như Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì trẻ khi vừa mở mắt ra là đã phải học cho đến tận tối mù, vì vậy mà thời gian ăn uống của trẻ bị hạn chế và có nhiều trường hợp trẻ không được ăn uống đầy đủ hoặc phải ăn một cách vội vàng để kịp giờ vào lớp. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp và phổ biến nhất khiến trẻ mắc phải bệnh dạ dày.

Một số biểu hiện trẻ đã bị viêm loét dạ dày

Đau bụng

Đây là triệu chứng hay gặp nhất ở trẻ. Đau ở trẻ cũng thường không giống người lớn. Một số kêu đau ở thượng vị nhưng một số lại đau ở quanh rốn. Nhiều trường hợp gia đình cho là đau bụng giun nên đã tẩy giun nhiều lần nhưng vẫn không đỡ.

Đau có thể liên quan đến bữa ăn như đau sau ăn hay thường vào một số thời điểm trong ngày như gần trưa, hoặc chiều. Tuy nhiên nhiều trường hợp đau không liên quan gì đến bữa ăn hoặc thời điểm nhất định trong ngày.

Ở trẻ lớn, đau bụng vùng thượng vị thường giống như người lớn, đau lâm râm, âm ỉ, đôi khi có cảm giác bỏng rát ở thượng vị. Một số ít có cả cơn đau về đêm. Mỗi cơn đau có thể kéo dài vài chục phút đến hàng giờ. Mỗi đợt đau có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.

 Nôn

Nôn và buồn nôn hoặc chán ăn là những triệu chứng rất ít gặp ở trẻ lớn nhưng ở trẻ dưới 2 tuổi có thể gặp nôn tái đi tái lại, kèm theo chậm lớn và có thể xuất huyết tiêu hóa.

 Thiếu máu

Nguyên nhân thường do xuất huyết đường tiêu hóa kéo dài nhiều ngày hoặc xuất huyết ồ ạt do vết loét ăn mòn vào trong niêm mạc và dưới niêm mạc. Điều này làm tổn thương mạch máu dẫn tới thiếu máu cấp tính và nặng. Đây cũng có thể là những lý do đầu tiên khiến trẻ nhập viện.

MỚI - NÓNG