Theo đó, nguy cơ hàng đầu hiển hiện ở châu Âu, nơi những rạn nứt môi trường chính trị đang nuôi dưỡng các nguồn cơn xung đột mới. Xung đột chính trị giữa các cường quốc thế giới sẽ gia tăng hơn bất cứ lúc nào, kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Theo bài viết, kinh tế châu Âu không tồi tệ như đỉnh điểm khủng hoảng khu vực eurozone năm 2012, nhưng chính trị cựu lục địa xấu hơn nhiều. Tại những nước chủ chốt như Anh, Đức, các đảng chính trị chống Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục giành thêm sự ủng hộ. Sự va chạm, bất bình tăng lên giữa các quốc gia châu Âu. Trong khi đó, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng làm gia tăng quan ngại an ninh đối với châu Âu.
Các lệnh trừng phạt cộng với giá dầu tụt dốc khiến Nga suy yếu đủ để Tổng thống Vladimir Putin giận dữ, nhưng không đủ để kiềm chế ông hành động. Mátxcơva sẽ tiếp tục gây sức ép lên Ukraine và kết quả Mỹ, EU sẽ tăng cường trừng phạt.
Kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại. Những nỗ lực cải cách kinh tế đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phụ thuộc việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tiêu thụ, đòi hỏi tăng trưởng thấp hơn nhưng bền vững hơn. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm sẽ có ít tác động bên trong Trung Quốc, nhưng Brazil, Úc, Indonesia và Thái Lan vốn phụ thuộc vào bùng nổ thương mại với một Trung Quốc khát nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Mỹ đang biến tài chính thành một thứ vũ khí ở một tầm mức mới. Mỹ đang sử dụng chính sách cây gậy (nhiều loại lệnh trừng phạt) và củ cà rốt (quyền tham gia thị trường tài chính) như một công cụ hăm dọa ngoại giao. Lợi ích là rất lớn, nhưng chiến lược này cũng sẽ gây thiệt hại cho Mỹ.
IS phải đương đầu phản công quân sự tại Iraq và Syria, nhưng hệ tư tưởng của chúng sẽ lan truyền qua Trung Đông và Bắc Phi. IS sẽ tăng cường thành lập các đơn vị mới tại Yemen, Jordan và Ảrập Xêút. Chúng cũng sẽ lôi kéo các nhóm thánh chiến khác tại Ai Cập và Libya gia nhập hàng ngũ. Khi ảnh hưởng của IS lớn hơn, nguy cơ sẽ tăng lên đối với các nước Hồi giáo dòng Sunni như Ai Cập, Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất…
Một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có những người tái đắc cử năm ngoái, phải đương đầu phe đối lập mạnh. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ gặp những trở ngại lớn khi triển khai chương trình nghị sự của mình.
Kinh doanh toàn cầu sẽ phụ thuộc hơn vào các chính phủ không thích rủi ro - các chính phủ tập trung vào ổn định chính trị hơn là tăng trưởng kinh tế. Họ sẽ ủng hộ các doanh nghiệp hoạt động phù hợp với mục tiêu chính trị và trừng phạt các công ty không nghe lời. Người ta sẽ chứng kiến xu hướng này ở các thị trường mới nổi, nơi nhà nước sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Sự thù địch giữa Iran theo Hồi giáo dòng Shiite và Ảrập Xêút theo Hồi giáo dòng Sunni là động cơ xung đột tại khu vực Trung Đông. Sự gia tăng can thiệp của Mỹ và các cường quốc bên ngoài vào khu vực, phức tạp chính trị nội bộ của hai quốc gia này, chương trình hạt nhân của Iran sẽ thúc đẩy Tehran và Riyadh sử dụng những lực lượng ủy nhiệm để tiếp thêm bất ổn tại các quốc gia Trung Đông năm 2015.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tận dụng chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử năm 2014 để gạt ra rìa các đối thủ chính trị, cải tổ hệ thống chính trị nhằm củng cố quyền lực. Nhưng mâu thuẫn với thủ tướng đang làm suy yếu sự gắn kết chính trị. Tin xấu là sự bất ổn gần biên giới Syria trong bối cảnh cuộc chiến chống IS vẫn diễn ra. Người tị nạn từ Syria và Iraq mang theo chủ nghĩa cực đoan và khó khăn kinh tế.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể sẽ xấu đi trong
năm 2015.