Những người Việt làm thơ kiểu Mỹ

Các diễn giả trong ngày giới thiệu cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về thơ tân hình thức tại TPHCM. Từ trái sang: Dịch giả Nguyễn Tiến Văn, nhà nghiên cứu Inrasara, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc. Ảnh: T.N.A
Các diễn giả trong ngày giới thiệu cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về thơ tân hình thức tại TPHCM. Từ trái sang: Dịch giả Nguyễn Tiến Văn, nhà nghiên cứu Inrasara, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc. Ảnh: T.N.A
TP - Sáng 29/8, tại Cà phê Thứ Bảy, TPHCM, đã diễn ra buổi ra mắt sách “Thơ tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo” do Tạp chí Sông Hương tổ chức như một hình thức sơ kết cuộc đua làm mới thơ theo kiểu Mỹ của các nhà thơ Việt Nam. 

Gọi là đua, bởi các tác giả phải nỗ lực khác thường khi làm thơ kiểu Mỹ, từ in ấn, phát hành, tranh luận, từ thi pháp đến tác phẩm, từ tác giả đến độc giả, mọi thứ đều phải vượt qua nhiều lực cản hữu hình lẫn vô hình để dần tạo ra một cộng đồng thơ bền chặt.

15 năm ấy biết bao nhiêu tình

Theo nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, đồng thời là một tác giả thơ, thơ tân hình thức Việt được khởi xướng từ năm 2000 “trong quá trình hình thành và phát triển, thơ tân hình thức vừa được đón nhận nhưng cũng bị nhiều người từ chối với nhiều lý do khác nhau”.

Tạp chí Sông Hương từng hai lần tổ chức chuyên đề về dòng thơ này vào các số ra tháng 6/2012 và số đặc biệt ra tháng 12/2012. Trước đó, năm 2011, tạp chí đã giới thiệu một số bài thơ và bình luận. Lần này với việc xuất bản được cuốn sách “Thơ tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo” (Nxb Thuận Hóa) tập hợp nhiều bài phê bình nghiên cứu và một số tác phẩm đặc sắc, nhà nghiên cứu Inrasara đánh giá đây là cuộc tổng kết quy mô nhất từ trước đến nay. Anh kể lại chuyện đi giới thiệu thơ tân hình thức tại miền Trung từng gặp bão lớn và một sự thờ ơ.

Dịch giả Nguyễn Tiến Văn cũng kể chuyện về tình bạn 40 năm với nhà thơ Khế Iêm, chứng kiến nhà thơ một mình lọ mọ tổ chức bài vở, in ấn, phát hành thơ tân hình thức tại Mỹ, gây dựng lên phong trào thơ mới mẻ, hào hứng.

Trong bài viết: “Tân hình thức hành trình và tổng kết” của Khế Iêm in trong tập sách, anh cho biết khoảng cuối năm 1999, anh làm bài thơ “Tân hình thức và câu chuyện kể” rồi gửi kèm bài thơ “Kiều” của nhà thơ Đỗ Kh “cho các anh em cùng làm cho vui và được 11 nhà thơ tham gia với 19 bài thơ tân hình thức”. Tạp chí Thơ do Khế Iêm tổ chức, cho tới số cuối cùng in năm 2004 đã quy tụ 64 tác giả và in 350 bài thơ. 

Bài thơ của Khế Iêm “Tân hình thức và câu chuyện kể” mở đầu như sau:

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề

đường và kể lại câu chuyện đã được

kể lại, từ nhiều đời nào

Chính Khế Iêm tóm lược thơ tân hình thức là: “Dùng kỹ thuật vắt dòng chuyển tất cả những thể thơ có vần ở cuối dòng: 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ và lục bát, thành thơ không vần. Sau đó, dùng kỹ thuật lập lại, tạo nhịp điệu và hồi phục vần ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ” (Trích bài tiểu luận in trong cuốn sách).

Cơ hội nào cho tân hình thức Việt Nam?

Thơ không vần, dòng này vắt qua dòng kia và gieo vần ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ, theo phát biểu của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, đó là một hình thức thơ truyền thống của Anh – Mỹ. Nhật Chiêu nói những năm cuối thế kỷ XX, những tuyển tập thơ đồ sộ của Mỹ người ta chỉ thấy toàn thơ tự do, từ đó giới làm thơ Mỹ khởi xướng thơ tân hình thức (tiếng Mỹ gọi là New Formalism Poetry), tức là khôi phục lại thơ truyền thống nhưng làm mới nó. Thơ tân hình thức Mỹ phát triển nhanh chóng, nhiều thành tựu, gợi cảm hứng cho các nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ. 

Frederick Turner, một tác giả lớn của thơ tân hình thức Mỹ, kể lại trong bài viết của ông rằng phong trào này ở Mỹ bắt đầu từ một quán rượu ở New York, với sự gặp gỡ của các nhà thơ là Frederick Turner, Frederick Feistein, Dick Allen. Họ cố gắng “mài giũa ra một thị kiến về thi ca Hoa Kỳ có thể nên như thế nào. Đó là một nền thi ca đang phục hồi tính ký ức và sự tự do của vận luật thơ, và một lần nữa lại vật lộn với những ý tưởng lớn trong khoa học, triết học, thế giới tâm linh…” (The State of Poetry- Nguyễn Tiến Văn dịch). 

Các nhà thơ Việt Nam, trong quá trình tìm kiếm cái mới, đã dành sự quan tâm ưu ái cho thơ tân hình thức: “Trào lưu tân hình thức Việt phát sinh ở Mỹ, từ “thủ phủ Bolsa” của người Mỹ gốc Việt rồi phát triển ở hầu khắp hải ngoại và cả ở Việt Nam” (Đỗ Quyên- Thơ tân hình thức kể sao hết được).

Thống kê của Khế Iêm và Inrasara, trong 15 năm qua đã có 18 tập thơ tân hình thức Việt Nam được in ấn cả ở Mỹ và Việt Nam với 5 thế hệ làm thơ; 1.500 bài được công bố, tổng cộng khoảng 115 tác giả.

Frederick Turner, trong bài viết đã dẫn, cho biết: “Phong trào thơ tân hình thức hiện giờ đã lan truyền sang một số đất nước khác, bao gồm nước Anh và vài nước khác ở châu Âu, nhất là Hà Lan và Hungary. Đặc thù gây hứng khởi là những gì đang xảy ra ở Việt Nam, vốn đã ở trong tiến trình phục hồi truyền thống thi ca kinh điển cổ xưa và huy hoàng của chính mình.

Chủ nghĩa Tân hình thức ở Việt Nam đã sáng tạo ra một hình thức thi ca đáng kể, một loại thơ không vần thu hút cái tai của người Việt về mặt vận luật có thể sánh với lối thơ không gieo vần trong tiếng Anh và những ngôn ngữ thi ca vĩ đại khác”. 

Một số ý kiến lo ngại thơ vắt dòng liệu phù hợp với tiếng Việt hay không? Một số khác nghi ngại về tương lai phát triển của thơ tân hình thức tại Việt Nam khi môi trường của nó thật hạn hẹp. Chẳng hạn, nếu so riêng với một cuộc thi thơ Haiku của Nhật Bản năm 2013 cũng đã thu hút 753 người tham gia với 1.873 bài thơ.

Một con số áp đảo so với 15 năm phát triển của thơ tân hình thức. Dĩ nhiên, sự so sánh có phần khập khiễng khi thơ tân hình thức phát triển ở Việt Nam là tự phát, còn các cuộc thi thơ Haiku được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đại sứ quán Nhật Bản. 

Không ít người khá dè dặt về tương lai của thơ tân hình thức ở Việt Nam như dịch giả Nguyễn Tiến Văn, anh nhận xét trong cuộc giới thiệu sách rằng anh không tin một tác giả hàng đầu của thơ tân hình thức Việt (xin không nêu tên) lại có thể để một dòng thơ tân hình thức trong văn học sử, tuy vậy anh ghi nhận nỗ lực làm việc với thể thơ này. Nhiều người khác bày tỏ kỳ vọng vào tân hình thức như các nhà thơ Nhật Chiêu, Inrasara, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Bửu Ý…  

Các nhà nghiên cứu Trần Huyền Sâm và Trần Đình Nhân dường như không tin tưởng lắm vào thể thơ Mỹ sẽ thành công ở Việt Nam và họ gọi thơ tân hình thức là thơ lai: “Kết hợp lối thơ Anh truyền thống với các hình thức thơ dân tộc, các nhà tân hình thức kỳ vọng sẽ xóa đi giới hạn về ngôn ngữ của thơ, đưa thơ Việt Nam vươn ra với thế giới. Các nhà tân hình thức đã chọn một lối thơ có nguồn gốc từ nước ngoài, kết hợp với “bộ khung” của thơ Việt để tạo ra một “thể lai”. Đây có thể xem là bước đi táo bạo. Tuy nhiên, lối thơ này, với các đặc tính: không vần, không tu từ, mang tính truyện, xem ra khó phù hợp với tư duy thơ của người Việt”.   

Nhìn vào lịch sử, thơ Việt Nam sẵn có truyền thống tiếp thu các thể thơ từ nước ngoài, chẳng hạn thơ Đường luật của Trung Quốc. Thời kỳ thơ Mới đầu thế kỷ 20, các nhà thơ Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thơ tự do Pháp.

Hoặc nhóm Trần Dần, Đặng Đình Hưng cũng từng rất quan tâm đến các thể thơ Nga. Giờ đây, trong thời kỳ toàn cầu hóa, việc du nhập thơ tân hình thức Mỹ hay thơ Haiku của Nhật lại tiếp tục cho thấy thơ Việt Nam đang muốn tìm những hình thức thơ từ bên ngoài tránh khỏi sự nhàm chán trong những hình thức thơ và là một động lực để làm mới thơ ca.

Các nhà thơ tân hình thức Việt Nam không giấu giếm chối bỏ nguồn gốc ngoại lai của dòng thơ này, cũng như chấp nhận “cuộc chơi” với luật lệ của tân hình thức Mỹ. Điều đó cho thấy họ tham gia sân thơ tân hình thức một cách rất có ý thức.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.