Kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít:

Những người Việt bảo vệ Mátxcơva

TP - Theo Đài Tiếng nói nước Nga, trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống quân phát xít Đức có sự tham gia của một nhóm người Việt Nam.

Đầu những năm 1930, nhờ sáng kiến của lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh, những người Việt đó khi ấy còn ở lứa tuổi thanh niên đã từ Quảng Đông đến Mátxcơva. Chính ở thủ đô Liên Xô, ngày 22/6/1941, họ đối mặt cuộc tấn công của phát xít Đức vào Liên Xô. Đầu tháng 10/1941, Mátxcơva bị đe dọa, phát xít Đức tới rất gần, chỉ cách thủ đô chừng 20km. Tấn công Mátxcơva là lực lượng hùng hậu tập trung hai triệu lính phát xít, hơn 14.000 khẩu súng, 2.000 xe tăng, 1.500 máy bay. Khi đó, ở Mátxcơva, tiếng báo động phòng không vang lên tới 6-7 lần mỗi ngày. Buổi tối, giao thông trong đường tàu điện ngầm ngừng lại và tất cả các ga biến thành hầm trú bom khổng lồ có thể chứa đến nửa triệu người. Đề phòng trường hợp quân phát xít đột nhập Mátxcơva, tất cả các cây cầu của thành phố đều được gài mìn. Từ những người lính cho tới dân thường của Mátxcơva, tất cả đều nhất tề đứng lên kiên quyết bảo vệ thủ đô.

Đến tháng 11/1941, trong thành phố và trên các cửa ngõ tiếp giáp đã có 600 km công sự chống bộ binh và chướng ngại vật chống xe tăng, 3.700 ổ hỏa lực, 37.000 hàng rào chống tăng. Các đội dân phòng được thành lập, có hàng trăm nghìn người dân Mátxcơva xung phong tham gia. Liên Xô thành lập Lữ đoàn Cơ giới đặc biệt, đi vào lịch sử với tên gọi viết tắt là OMSBON. Trong Lữ đoàn này có cả những người Việt Nam khi ấy đang ở Mátxcơva tình nguyện gia nhập Hồng quân. Lữ đoàn được phân công trấn giữ một khu vực bố phòng của thủ đô.

Ngày 6/11/1941, Đức Quốc xã tung 250 máy bay vào oanh tạc Mátxcơva. Các chiến sĩ bảo vệ thủ đô đã không cho bất kỳ phi cơ nào lọt vào bầu trời thành phố. Theo truyền thống,  sáng 7/11 thường có diễu hành lễ hội trên Quảng trường Đỏ. Nhưng vào tháng 11/1941 đầy biến cố, ít ai nghĩ rằng vẫn có duyệt binh, bởi  từ Quảng trường Đỏ đến tuyến phòng thủ phía trước chỉ vỏn vẹn 20-25 km. Sáng sớm 7/11, ban chỉ huy OMSBON nhận được lệnh ngay lập tức phân công một số đơn vị tham gia cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, rồi sau đó lại trở về vị trí chiến đấu. Ba đại đội của OMSBON được rút khỏi vị trí trực chiến cùng với đầy đủ vũ khí, và đồng loạt với các đơn vị khác, họ đến Quảng trường Đỏ. Đi đều bước trong hàng ngũ của OMSBON có 6 người Việt Nam.

Khác với  trình tự diễu hành quân sự những năm trước, cuộc duyệt binh 7/11/1941 không mở màn bằng chuyến bay của các phi cơ qua thành phố, bởi tất cả lực lượng không quân thủ đô được dành để bảo vệ bầu trời Mátxcơva. Ngay sau cuộc duyệt binh, những người lính Xô Viết vừa duyệt binh trên Quảng trường Đỏ lập tức trở về vị trí chiến đấu. Và chẳng bao lâu sau đó, quân đội Liên Xô chuyển sang thế phản công, đánh bật quân phát xít Đức khỏi cửa ngõ Mátxcơva. Trong hàng ngũ Hồng quân xông lên kháng địch có cả những chiến sĩ tình nguyện người Việt.

Ông Aleksandr Kazitsky, cựu Chủ tịch Hội đồng Cựu chiến binh OMSBON, kể rằng, đã nhiều lần gặp gỡ những chiến sĩ người Việt khi đang hành quân hay trên chiến hào nơi tiền tuyến. Ông đã nhìn thấy họ bắn rất trúng đích vào quân thù. Những chiến sĩ người Việt nói tiếng Nga rất thạo và thích hát những bài ca Nga. Đầu năm 1942, bốn người trong số các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh anh dũng. Tháng 5/1985, bốn chiến sĩ OMSBON người Việt được Nhà nước Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc.