Những người trẻ đưa nhạc kịch... về làng

Một hoạt cảnh trong vở kịch “Dòng sông không chảy ngược” của người trẻ. Ảnh: Xuân Tùng
Một hoạt cảnh trong vở kịch “Dòng sông không chảy ngược” của người trẻ. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Chung niềm đam mê sáng tạo và hoạt động xã hội, dự án “Đi và Mở” quy tụ nhiều sinh viên, du học sinh đã tổ chức các loại hình nghệ thuật hướng tới cải thiện ý thức, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.

Hai đêm công diễn vở nhạc kịch “Dòng sông không chảy ngược” của dự án “Đi và Mở” diễn ra ngày 30/8 và 31/8 tại hai làng Khúc Thủy, Khê Tang (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), sân đình chật kín khán giả. Số lượng ghế kê ra không đủ, người dân phải mang thêm ghế từ nhà tới xem.

Đẩy lùi ô nhiễm bằng nhạc kịch

“Đi và Mở” được thành lập từ tháng 6/2014 xuất phát từ ý tưởng của Khuất Thị Ly Na (du học sinh ngành Đạo diễn sân khấu điện ảnh tại Pháp) và Nguyễn Minh Thắng (cựu sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân).

Từ hai thành viên sáng lập, đến nay dự án quy tụ 60 thành viên và tình nguyện viên, 17 diễn viên. Ly Na cho biết: ““Đi và Mở” là hai giá trị cốt lõi mà chúng mình hướng tới. Đi thể hiện sự sẵn sàng, chủ động và cam kết với việc hành động. Mở thể hiện sự sáng tạo, cởi mở và sự truyền cảm hứng”. 

Dự án được thực hiện dưới sự bảo trợ của Ban Thanh thiếu niên Đài truyền hình Việt Nam, Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước, Trung tâm Giáo dục và Phát triển; Được tài trợ của Sline Club, Tem Việt và GSP Entertainment.

Hoạt động chính của dự án là tổ chức các hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng gắn với các vấn đề nóng trong xã hội. Phụ trách truyền thông, Vũ Đức Đam Trang (ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết: Dự án đã lựa chọn vấn đề đầu tiên là ô nhiễm nguồn nước và thực hiện tại hai làng thuộc lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy - hai con sông bị ô nhiễm nặng.

Bên cạnh hoạt động chính là kịch tương tác, nhóm tổ chức các hoạt động thi vẽ tranh theo chủ đề "Ước mơ xanh" và triển lãm tranh để tuyên truyền, nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên nước của người dân các làng nghề trong khu vực góp phần hồi sinh hai con sông và cải thiện môi trường sống.

Tham gia dự án, nhiều thành viên đã hi sinh công việc cá nhân, dành nhiều thời gian, chi phí và sức lực cho nó. Trong suốt hơn hai tuần, các thành viên trong nhóm liên tục khảo sát tại các làng nghề ven sông Nhuệ, sông Đáy để tìm hiểu: Loại hình thức nghệ thuật nào được người dân hưởng ứng; Địa điểm thực hiện các hoạt động của dự án; Những câu chuyện và cuộc sống sinh hoạt của người dân tại các làng nghề ven sông. 

“Trong quá trình khảo sát, nhóm gặp không ít khó khăn. Có những địa điểm làng nghề, người dân, chính quyền địa phương không đồng tình khi nhóm đề cập về các hoạt động của dự án”, Đam Trang chia sẻ. 

Hoàng Diệu Quỳnh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) thành viên nhóm biên kịch của dự án, cho hay: Để có nhiều thời gian và chuyên tâm hơn cho vở kịch, có thành viên sẵn sàng bảo lưu một học kỳ quân sự như Vũ Đức Mạnh (SV năm 2, ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội), hay tạm dừng công việc kinh doanh hiện tại như Cấn Việt Hòa (SN 1992, vừa tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp).

Nhiều thành viên khác của dự án như Hoàng Diệu Quỳnh, Vũ Đức Đam Trang vừa làm dự án, vừa hoàn tất các thủ tục du học. “Sau dự án, một thời gian ngắn nữa mình sẽ sang Pháp để học ngành Quản lý Văn hóa. Hiện tại, mới xong thủ tục, còn hành lý chưa chuẩn bị gì”, Diệu Quỳnh cho hay.

Đưa nông dân lên sân khấu

Sau hơn hai tháng chuẩn bị, "Đi và Mở" đã công diễn vở nhạc kịch "Dòng sông không chảy ngược" tại hai làng Khúc Thủy, Khê Tang (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Vở kịch là câu chuyện xung đột giữa nhân vật Thạch với dân làng trong việc muốn thay đổi phương thức sản xuất lụa của cả làng để bảo vệ dòng sông, tránh ô nhiễm. 17 diễn viên là những sinh viên theo học nhiều ngành khác nhau đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa diễn xuất, vũ đạo và hát.

Diệu Quỳnh cho biết, vở nhạc kịch đã sử dụng nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng như "Tạm biệt chim Én", "Giai điệu Tổ quốc", "Khát vọng"… và một số ca khúc nước ngoài được viết lại lời.

Những người trẻ đưa nhạc kịch... về làng ảnh 1

Điều đặc biệt, vở kịch có sự tương tác khi người dân địa phương tham gia xây dựng kịch bản, diễn xuất và đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường như sử dụng hầm biogas, phân loại rác thải, thu gom rác đúng nơi quy định...

Khuất Thị Ly Na chia sẻ: “Những người dân ven sông là người hiểu con sông quê mình, hiểu thói quen và tâm lí của bà con xóm giềng hơn chúng mình. Chính họ là người đưa ra giải pháp, xây dựng kịch bản và diễn xuất”. 

Cùng với nhiều người dân làng Khúc Thủy, ông Đặng Minh Chương (71 tuổi) hồ hởi đón nhận vở nhạc kịch của “Đi và Mở”. Ông Chương cho biết: “Từ tinh thần của những người trẻ, những người dân sống bên hai bờ sông như chúng tôi ý thức phải có trách nhiệm hơn để cùng với nhà nước bảo vệ, cải thiện môi trường của dòng sông đang ô nhiễm nặng”. Theo ông Chương, những người vẫn cố tình đổ rác thải ra sông, những làng nghề gây ô nhiễm vì “miếng cơm manh áo” là những người thiếu lo lắng cho tương lai của thế hệ sau. 

GS Nguyễn Lân Dũng - cố vấn của dự án cho hay: “Tôi khâm phục các em đã cống hiến sức trẻ để làm việc có ích. Việc đưa lại kiến thức môi trường cho nông dân rất quan trọng”.

Dịch chuyển không gian biểu diễn từ nhà hát đến sân đình - không gian có tính cộng đồng lớn nhất của làng quê Việt, "Đi và Mở" không chỉ thành công trong truyền tải rộng rãi thông điệp về môi trường, mà còn đạt được mục đích khác: đưa nhạc kịch đến gần hơn với công chúng. Lần đầu tiên, người nông dân Cự Khê biết đến nhạc kịch. 

Bà Phạm Thị Hương (57 tuổi) nói: "Kịch mà có nhạc, tôi chỉ nghĩ đến chèo, tuồng thôi. Hôm nay đến xem mới biết nhạc kịch phương Tây là như thế này". Bà Dương Thị Thu (65 tuổi) tỏ ra thích thú: "Đến chừng này tuổi tôi mới biết là có cái kịch vừa diễn vừa hát, vừa nhảy múa, nhưng mà tôi thấy hay". 

Chị Nguyễn Thị Liên, chi hội phụ nữ xã Cự Khê, Thanh Oai cho biết: "Tôi không nghĩ là mình diễn được kịch đâu. Lúc đầu ngại ngại nhưng thấy các bạn trẻ nhiệt tình quá nên tham gia cùng. Lần đầu tiên tôi làm diễn viên đấy".

Đam Trang, Diệu Quỳnh và các thành viên trong nhóm cho hay, sau “Dòng sông không chảy ngược”, chắc chắn sẽ còn có rất nhiều “Đi và Mở” ở những năm tiếp theo, với nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng như phản ánh nhiều vấn đề khác của cuộc sống. Như một câu thoại của Thạch - nhân vật chính của vở nhạc kịch: “Chỉ cần nơi nào có niềm tin và hy vọng, nơi ấy ắt có đường cho chúng ta đi!”. 

MỚI - NÓNG