Những người nói hộ tử thi

Những người nói hộ tử thi
TP- Ở Lâm Đồng, cứ 2 - 3 ngày lại xảy ra một vụ án mạng, tự tử, ngộ sát… hoặc tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người.
Những người nói hộ tử thi ảnh 1
Tổ giám định tử thi đang làm việc

Bộ phận giám định pháp y luôn là những người đầu tiên khám nghiệm tử thi, ghi nhận hiện trạng xác chết để phán đoán nguyên nhân gây tử vong nhằm giúp cơ quan điều tra làm rõ chân tướng các vụ án mạng.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, chúng tôi tìm tới nhà số 15/8C rất sớm nhưng kíp mổ tử thi của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng gồm bác sĩ Mai Văn Lộc cùng 2 kỹ thuật viên Trần Thiện Nghĩa và Trịnh Đăng Tú còn đến sớm hơn.

Các bác sĩ và kỹ thuật viên kiểm tra các vết thương trên thi thể cụ Huỳnh Kim Hè (76 tuổi) để nhằm hỗ trợ cơ quan công an điều tra xử lý vụ việc. Theo lời người làm chứng, cụ Hè đang trên đường đến bệnh viện để thăm người hàng xóm bị bệnh thì bị 2 thanh niên say rượu tông xe chết.

Mới đây, kíp mổ tử thi đến hiện trường vụ hỏa hoạn tại quán phở thuộc khu phố 2, TT Lộc Thắng, Bảo Lâm. Xác chủ quán Đoàn Sĩ Phong (43 tuổi) bị cháy nham nhở nên ban đầu nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết là do hỏa hoạn.

Thế nhưng, kíp mổ tử thi phát hiện hung thủ đã dùng xà beng đánh chết nạn nhân rồi mới gây ra vụ cháy để tạo hiện trường giả. Từ nhận định ban đầu của cơ quan giám định pháp y, công an đã tiến hành điều tra và bắt được hung thủ.

Đối tượng mới 16 tuổi là thủ phạm. Khi đến quán của ông Phong ngủ nhờ, đối tượng bị ông mắng chửi vì đã trộm điện thoại của bố để bán lấy tiền tiêu xài. Trong lúc tức giận, y đã dùng hung khí giết người, trộm 600.000 đồng rồi  đốt quán phở đánh lạc hướng cơ quan điều tra.  

Mặt khác, nhiều chứng cứ mà bộ phận giám định pháp y khám phá đã giúp minh oan cho người sống. Tiêu biểu là nghi án mẹ giết con gây xôn xao dư luận ở huyện Đạ Tẻh. Vợ chồng 34 - 35 tuổi có đứa con mới 3 tháng tuổi. Cháu bé bị viêm phổi, được điều trị tại Bệnh viện Bảo Lộc nhưng đã tử vong vì bệnh quá nặng.

Gia đình chồng cho rằng người mẹ đã giết con và đề nghị trưng cầu giám định. Kíp mổ tử thi đã phải vượt trên 200km từ Đà Lạt xuống Đạ Tẻh. Kết quả giám định tử thi và bệnh án của bệnh viện trùng khớp nhau nên đã minh oan cho người mẹ đau khổ. 

Tương tự, tại xã Tam Bố (Di Linh), từ vụ xích mích, cãi vã giữa mẹ chồng - nàng dâu, người chồng bực bội nên đã đánh vợ, nào ngờ cô vợ bị chết ngay trong ngày hôm đó. Nghi là án mạng nên gia đình bên vợ khiếu kiện khiến cơ quan công an phải trưng cầu giám định.

Sau khi khám đầu và khắp thân thể mà không thấy vết thương gì lớn, bác sĩ chỉ định mổ hộp sọ nhưng bằng linh tính nghề nghiệp, kỹ thuật viên Nghĩa đề nghị mổ bụng, phát hiện trong dạ dày có thuốc sâu và kết luận đây là ca tự tử. Người chồng thoát nghi án giết vợ.  

Bác sĩ Lộc - người có thâm niên hơn 20 năm làm công tác giám định pháp y cho biết: Có không ít vụ mà dấu hiện bên ngoài là hiện tượng giả và nhờ vào sự nhạy cảm, kinh nghiệm lâu năm trong nghề mà chúng tôi nhận diện được những chuyển biến của thể trạng người chết sau khi có lực tác động (từ phía hung thủ, hung khí…) để xác định nguyên nhân tử vong thực sự (hoặc ít nhất là đưa ra nhận định ban đầu) để "lên tiếng" thay cho người chết nhằm giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ án, truy tìm thủ phạm.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng Nguyễn Bá Hy cho biết, làm công tác giám định pháp y dễ bị kiện bởi chỉ nhầm lẫn, lệch hồ sơ một chút là bản chất vụ án sẽ thay đổi; mức án tuyên cho bị cáo có thể thay đổi từ hai mươi mấy năm đến chung thân hoặc tử hình. “Bởi thế chúng tôi luôn nhắc cán bộ của mình phải thận trọng” - Ông nói.

Sống với người cõi âm

Theo qui định, mỗi kíp mổ tử thi phải có 1 bác sĩ và 2 kỹ thuật viên, trong khi bộ phận trực tiếp giám định tử thi ở Lâm Đồng chỉ có 4 - 5  người. Bởi vậy hầu như nơi nào có án là các kỹ thuật viên Nghĩa và Tú phải có mặt để mổ tử thi.

Các anh xuất hiện ở mọi nơi, từ hồ nước, bờ sông, rừng sâu, núi cao, vực sâu và vào bất kỳ thời điểm nào: đêm khuya, tờ mờ sáng, ngày nghỉ, ngày lễ.

Bác sĩ Lộc - người thầy, người anh của tổ giám định tử thi của bệnh viện cũng đồng cảm với Nghĩa: “Thuở còn là sinh viên y khoa, mình nghĩ thấp thoáng sau tà áo blu trắng của bác sĩ là những bệnh nhân có sự sống; thế nhưng mấy chục năm qua hầu như chỉ "chẩn bệnh" cho tử thi.

Tuy nhiên, độ chính xác của nghề này cũng rất lớn bởi tìm nguyên nhân cái chết cũng chính là tìm sự công bằng cho những người trong cuộc. Do đó, mỗi khi chưa làm sáng tỏ hết mọi vấn đề liên quan đến tử thi, chưa giải mã hết những gì mà người cõi âm muốn "lên tiếng", mình cảm thấy rất bứt rứt.

Sinh nghề tử nghiệp

Do điều kiện vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế nên các bác sĩ, kỹ thuật viên giám định tử thi phải làm việc thủ công - tiếp xúc trực tiếp với các chất độc hại từ xác chết, do đó không tránh khỏi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trung bình mỗi tháng kỹ thuật viên Nghĩa mổ hơn 10 tử thi và khâm liệm, chôn cất nhiều xác chết vô thừa nhận. Các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện thường gọi anh là "giám đốc" Nhà vĩnh biệt bởi bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, thậm chí 1 - 2 giờ sáng, hễ có ca tử vong là anh nhanh chóng có mặt để nhận xác, chờ trao trả cho người thân của họ.

"Những người đã chết vài ba ngày mới được phát hiện thì kinh khủng. Sau những ca mổ như thế, có thành viên của kíp mổ "tuyệt thực" vì bị ám ảnh"- Bác sĩ Lộc tâm sự.

"Có những đêm phải thức trắng hoặc uống rượu để quên đi bởi mỗi khi chợp mắt lại thấy toàn máu và chết chóc"- kỹ thuật viên Nghĩa bộc bạch. Một đồng nghiệp của kỹ thuật viên Nghĩa cho biết có lúc phải đi mổ liên tục suốt tuần, thậm chí có ngày mổ tới 2 - 3 xác chết nên anh bị kiệt sức, sốt mê man, phải nhập viện để truyền dịch mới tỉnh lại.

Hơn thế, trong số những xác chết mà tổ giám định tử thi mổ hàng chục năm qua có một tỉ lệ không nhỏ những trường hợp bị nhiễm HIV, nghiện ma túy hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo như lao, viêm gan, nhiễm trùng máu…, do đó nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao.

Vấn đề mà bác sĩ và các kỹ thuật viên giám định tử thi đều bức xúc là:  Chế độ bồi dưỡng cho các ca mổ tử thi quá bèo bọt lại thường xuyên bị chậm trễ (nhiều lúc phải sau vài tháng cơ quan trưng cầu giám định pháp y mới trả).

Tiền bồi dưỡng cho một ca mổ xác chết vì tai nạn giao thông chỉ có 21.000 đồng; tử thi đã qua 48 giờ là 56.000 đồng và trên 72 giờ là 70.000 đồng, tử thi  khai quật là 105.000 đồng?! “Số tiền này quả là quá ít ỏi so với nhu cầu cuộc sống và công sức mà các bác sĩ, kỹ thuật viên bỏ ra.Tôi đã từng đề nghị tăng chế độ bồi dưỡng từ 150.000 - 200.000 đồng/ca mổ tử thi nhưng chưa có phản hồi. Cái nghề này nghèo và bạc lắm: Chỉ hưởng lương và các chế độ của Nhà nước chứ không làm thêm được gì cả" - Giám đốc Hy nói.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.