Những người Mỹ ở Mỹ Lai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng qua, tại khu tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai (Mỹ Sơn, Quảng Ngãi), 5 hồi 4 tiếng chuông lại gióng giả vang lên. Những hồi chuông nơi tháp chuông mang tên Hòa Bình, lại tượng trưng cho 504 linh hồn dân thường vô tội bị lính Mỹ sát hại chỉ trong một buổi sáng ngày 16/3/1968, tròn 55 năm về trước.

Không nhớ đã bao nhiêu lần, cứ ngày này tôi lại về nơi đây, cũng chính là mảnh đất quê hương tôi. Gặp những mẹ già lưng còng, những người đàn ông gầy gò khắc khổ may mắn thoát chết trong vụ thảm sát ngày ấy, nhưng gia đình người thân của họ đã không có được may mắn ấy. Nước mắt, hương hoa, rất nhiều hoa sen, những hồi chuông... Và rất nhiều người Mỹ, là những cựu binh từng tham chiến tại chính Quảng Ngãi cũng như nhiều chiến trường khác tại Việt Nam.

Tôi thường xuyên gặp 504 bông hồng đỏ thắm của cựu binh Billy Kelly năm nào cũng đúng ngày này gửi tới lặng lẽ đặt dưới chân tượng đài đau thương. Tôi thường nghe bản nhạc mang tên Vĩnh biệt Ashokan (Ashokan Farewell) từ cây vĩ cầm cũ kỹ của cựu binh Mike Boehm tấu lên trước tượng đài. Đã liên tục 31 năm rồi cứ ngày này người cựu binh Mỹ này lại bay nửa vòng trái đất về Mỹ Lai kéo đàn vỗ về những linh hồn nơi đây – bằng bản nhạc do ông tự sáng tác, ngón đàn do ông tự mày mò học. Cũng từ hơn 30 năm qua, Tổ chức Madison Quakers do ông sáng lập vẫn về đây đồng hành, giúp đỡ phụ nữ nghèo Mỹ Lai.

Về đây, tôi thường gặp Ronald L. Haeberle, tác giả bộ ảnh gây chấn động về vụ thảm sát này, cũng chính là bằng chứng vén màn tội ác ra trước công luận thế giới. Về đây, tôi được Mike Hastie, bác sĩ quân y Mỹ tặng cho tấm danh thiếp của ông, với một chữ Why (Tại sao?), cùng dòng chữ “Trong chiến tranh, nói dối là vũ khí mạnh nhất”. Về đây, tôi được chứng kiến David E. Clark, một cựu binh Mỹ thành viên Tổ chức Hòa Bình-Việt Nam trong bộ áo dài màu đỏ khoan khoái ngồi ngửa cổ bắn thuốc lào, ống điếu vẫn mang theo bên mình.

Về đây, tôi nhớ đạo diễn lừng danh Oliver Stone gặp trong chuyến ông khảo sát cho bộ phim Pinkville (Làng Hồng), với nỗi đau đáu bộ phim về vụ thảm sát này. Giờ về đây, tôi không còn được gặp lại Hugh Thompson, cựu phi công trực thăng Mỹ ngày ấy đã đứng chắn trước những họng súng điên cuồng của đồng đội, góp phần cứu được nhiều người. Tôi đã phỏng vấn ông ở sân bay Đà Nẵng, và theo ông vào Mỹ Lại. Ông đã qua đời từ nhiều năm nay rồi… Về đây, tôi được nghe nhiều người mẹ Mỹ Lai nói với tôi “Mẹ ân xá cho họ”. Và những người Mỹ ấy đã trở thành những người bạn…

Tại dải đất miền Trung hiện còn vô số những khu chứng tích các vụ thảm sát do quân đội Nam Hàn gây ra thời chiến tranh. Hằng năm tới ngày tưởng niệm, từ Hàn Quốc những nghị sĩ, trí thức, giáo viên, sinh viên… vẫn đến đây quỳ sám hối, xin được tha lỗi. Mới đây, một tòa án của Hàn Quốc phán quyết chấp thuận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thanh, một nạn nhân của vụ thảm sát tại làng Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam) năm 1968, và buộc nhà nước này phải bồi thường cho bà và người thân. Thế nhưng ngay sau đó, Chính phủ Hàn Quốc đã kháng án bản án này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 9/3 mới đây, đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc phải tôn trọng sự thật lịch sử.

Tôn trọng sự thật lịch sử, và chân thành hòa giải hướng tới hòa bình, như những người Mỹ tôi gặp ở Mỹ Lai.

MỚI - NÓNG