Những người mắc kẹt trong hang động

0:00 / 0:00
0:00
Những hang động ở Charwazgi Mulankali, nơi sinh sống của nhiều gia đình từ Tirah trong bảy năm
Những hang động ở Charwazgi Mulankali, nơi sinh sống của nhiều gia đình từ Tirah trong bảy năm
TP - Bảy năm sau khi chạy trốn khỏi các cuộc đụng độ quân sự, gần 100 gia đình người Pakistan đang sống trên một sườn đồi gần biên giới Afghanistan vẫn không thể trở về nhà.

“Đừng nói với tôi về chính phủ. Họ không giúp đâu”, ông Shah Mast, 90 tuổi, đang tức giận. Ông đã sống trong hang động được bảy năm, kể từ khi một cuộc tấn công của quân đội Pakistan chống lại nhóm chiến binh Hồi giáo Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP) đã phá hủy nhà ông.

“Tôi thề có Chúa, không có ai giúp đỡ chúng tôi. Không có tổ chức từ thiện hay gì hết”, ông nói.

Năm 2014, quân đội Pakistan bắt đầu một cuộc tấn công chống lại quân nổi dậy ở thung lũng Tirah gần Afghanistan, sau khi các cuộc đàm phán thất bại. Chiến dịch bạo lực nhằm tiêu diệt tận gốc các chiến binh, bởi mục tiêu chính của họ là lật đổ chính phủ Pakistan. Cho dù Trung tướng Asif Ghafoor tuyên bố nhiệm vụ đã hoàn thành vào tháng 8 năm 2017, trận chiến vẫn tiếp tục đến ngày hôm nay.

Trong khi Taliban đang càn quét để giành chính quyền ở nước láng giềng Afghanistan tháng trước, TTP đã thực hiện nhiều cuộc tấn công hơn chống lại quân đội Pakistan ở khu vực biên giới Bắc Waziristan, ngay phía nam Tirah. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan gần đây có nguy cơ gây bất ổn ở khu vực biên giới miền núi, đồng nghĩa với việc những người phải di dời có thể không bao giờ được trở về nhà.

Những người mắc kẹt trong hang động ảnh 1

Ông Shah Mast trước cửa hang của ông

Chính phủ Pakistan đang từ chối công nhận các gia đình này là người di cư trong nước (IDP), bởi các quan chức nói rằng họ có thể trở về nhà. Tuy nhiên, quân đội sẽ không để họ quay trở lại trong khi chiến tranh vẫn đang tiếp tục. Ngay cả khi họ được cho phép, nhiều gia đình sống trong các hang động không thể chi trả cho việc di chuyển, và nhà cửa của họ đã bị phá hủy.

Ngồi trên giường của mình trong hang động nóng nực và bí bức, ông Mast cho biết ông và gia đình đang gặp khó khăn. Khi lạm phát gia tăng và các con trai ông không thể tìm việc, họ phải vật lộn mỗi ngày để có được bữa ăn. Ông có ba người vợ và 21 người con - chín con trai và 12 con gái. Một trong những người con trai của ông vẫn có thể làm việc ở một mỏ đá gần đó, và một người khác làm nghề chăn cừu. Ông muốn các con gái của mình cũng được học hành và đi làm, nhưng điều đó không dễ dàng: “Chúng tôi không đủ tiền mua đồ ăn, vậy làm sao chúng tôi có thể mua được sách?”

Ông Mast buộc phải chạy trốn khỏi ngôi làng của mình ở thung lũng Tirah, Pakistan cùng với khoảng 50 thành viên trong đại gia đình của mình. Ông vượt qua biên giới đến Afghanistan, trước khi lại quay trở lại Pakistan và cuối cùng định cư cách nhà cũ hơn 130 km trong quần thể hang động gần làng Charwazgi Mulankali, thành phốPeshawar.

“Chúng tôi phải rời đi vào nửa đêm khi các cuộc tấn công bắt đầu. Chúng tôi đã bỏ lại tất cả mọi thứ”.

Nằm trên đáy con sông khô và chênh vênh trên sườn đồi gồ ghề, quần thể hang động là nơi sinh sống của khoảng 100 gia đình, tất cả đều đến từ Tirah. May mắn thay, các hang tối giữ nhiệt vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, trong khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40°C ở Peshawar. Mỗi “ngôi nhà” dựa vào năng lượng mặt trời để cung cấp điện, và ông Mast treo một bóng đèn duy nhất cùng một chiếc quạt trần nhỏ phía trên giường của ông.

Bên ngoài, các bức tường đá đen kịt lại do ngọn lửa được thắp hàng ngày để nấu nướng. Nước là một thứ khan hiếm, chỉ có thể lấy từ một giếng duy nhất. Để có thức ăn, gia đình ông Mast bán hoặc giết một con vật trong đàn gia súc của con trai mình. Để đi chợ, họ đi bộ băng qua lòng sông đầy đá và lên ngọn đồi đối diện, nơi rải rác các cửa hàng dọc hai bên đường.

Gia đình em Aftab Ali có một câu chuyện tương tự ông Mast. Một khi chiến tranh nổ ra giữa TTP và quân đội, họ buộc phải bỏ chạy và đi từ Tirah đến Peshawar.

Em Aftab, 14 tuổi, ngồi trong một hang động tối tăm. Em sống chung với cha mẹ và ba anh chị em của mình. Aftab muốn vào đại học để theo học ngành y, nhưng giờ khi gia đình phải đối mặt với khó khăn như vậy, em không nghĩ rằng điều đó còn khả thi. Cha Aftab từng làm công nhân vào ban ngày và làm bảo vệ ban đêm tại khu công nghiệp ở Bara gần đó, nhưng giờ ông đã bị ít việc đi.

Những người mắc kẹt trong hang động ảnh 2

Em Aftab Ali bên trong hang động của gia đình

Khi cái nóng giữa trưa bốc lên từ lòng sông khô bên dưới các hang động, những em học sinh nữ mặc bộ đồ burqa nâu truyền thống bắt đầu đi xuống sườn đồi từ trường học Hồi giáo địa phương. Hàng xóm của Aftab, ông Khayal Muhammad, nhìn các em và cười. Ông giải thích tên của ngôi làng, Charwazgi Mulankali, còn có nghĩa là “ngôi làng của các học giả”, và nói thêm rằng đó là một sự trớ trêu. “Chỉ có một trường tiểu học trong khu vực. Vấn đề là không ai đủ tiền để đến trường cấp hai”.

Ông Muhammad lo lắng về việc Taliban tiếp quản Afghanistan hơn là về tình hình tài chính của mình. Theo ông, mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng đang cản trở cơ hội trở về nhà của họ.

“Hầu như tất cả những người sống ở đây trong hang động đều muốn về nhà, nhưng quân đội sẽ không cho chúng tôi trở lại vì vấn đề an toàn”, ông nói.“Khi dân làng ra khỏi nhà, quân đội nghĩ rằng họ là TTP”.

Yêu cầu của ông Muhammad: “Hãy công nhận chúng tôi là những người di cư trong nước hoặc cho phép chúng tôi trở về nhà của mình. Sống trong hang động không phải là sống”.

Theo insider-voice.com, ngày 29/9/2021
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.