Thiếu úy Nguyễn Minh Trí (Phó Bí thư Chi đoàn, Tiểu đoàn 906, Binh chủng Hóa học): Lập nghiệp tương lai
Từ khi về đơn vị công tác đến nay, tôi tâm đắc nhất với mô hình “Tiết kiệm phụ cấp, lập nghiệp tương lai” mà đơn vị chúng tôi đang áp dụng rất hiệu quả. Thực hiện mô hình này, mỗi tháng hạ sĩ quan, chiến sĩ sẽ trích ra một khoản trong tiền phụ cấp, đưa vào quỹ tiết kiệm của từng cá nhân trên tinh thần tự nguyện và sẽ nhận lại khi xuất ngũ. Tôi thấy mô hình này rất hay và thiết thực, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19, rất nhiều đồng chí trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, vì thế khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, khoản tiền đó sẽ giúp gia đình và bản thân họ trang trải được phần nào trong cuộc sống.
Theo tôi, đối với một thủ lĩnh Đoàn áo lính hiện nay, ngoài các kiến thức cơ bản trong công tác tổ chức hoạt động Đoàn, cần bổ sung nhiều hơn nữa các kỹ năng thực hành về các hoạt động thực tế… để khi về đơn vị có thể tham mưu cho chỉ huy áp dụng và vận dụng một cách hiệu quả nhất theo điều kiện, tình hình của từng đơn vị.
Chị Vũ Thị Hồng Phúc (Ủy viên BCH Ðoàn cơ sở Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng): Tham gia mạng xã hội đúng đắn
Nhà máy Z129 là một đơn vị doanh nghiệp, cán bộ, ĐVTN là những người lao động trực tiếp nghiên cứu, chế thử các sản phẩm vũ khí trong Quân đội. Vì vậy, những nội dung kiến thức, kĩ năng tại lớp bồi dưỡng, một số chuyên đề khiến tôi suy nghĩ, trăn trở và sẽ áp dụng tại đơn vị mình thời gian tới.
Nhiều phong trào, mô hình hay, ấn tượng được các cán bộ Đoàn chia sẻ tại khóa bồi dưỡng như mô hình “Mỗi ngày 1 điều biết”, “Mỗi ngày 1 câu chuyện”, “Tổ tư vấn tâm lý, trợ lý pháp lý quân nhân” hay việc lập quỹ “Tuổi trẻ sáng tạo” mang tên Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh… Đây là những mô hình, cách làm rất thiết thực, phát huy tính xung kích của tuổi trẻ Quân đội. Từ những cái hay học hỏi được, tôi đã nảy ra ý tưởng khi về đơn vị sẽ tổ chức các hội thi mang tính tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kỉ luật lao động cho ĐVTN.
Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ mạng ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi. Lớp tập huấn đã bồi dưỡng cho tôi các kĩ năng hướng dẫn ĐVTN biết tận dụng tối đa mạng xã hội như Facebook, Zalo, Mocha, các diễn đàn trực tuyến… để trao đổi công việc, chia sẻ và tra cứu thông tin nhanh chóng cũng như biết tham gia mạng xã hội một cách đúng đắn, tỉnh táo.
Trung úy Nguyễn Thăng Long (Phó Bí thư Ðoàn cơ sở, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3): Tổ chiến sĩ tiết kiệm
Thời gian qua, đơn vị chúng tôi có nhiều mô hình nhằm thúc đẩy ĐVTN hoàn thành nhiệm vụ như “Chi đoàn 4 tốt”, “Chi đoàn không có cán bộ, ĐVTN hút thuốc lá”, “Kíp phà kiểu mẫu”, “Kíp khoan nổ xuất sắc nhất”, “Đường hầm thanh niên”… Trong đó nổi bật lên là mô hình “Tổ chiến sĩ tiết kiệm”. Đầu năm 2018, Lữ đoàn có một số đơn vị làm nhiệm vụ trên tuyến đảo Đông Bắc. Do ở ngoài đảo xa, lại được bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn và nhu cầu thiết yếu nên nhiều chiến sĩ không chi tiêu đến tiền phụ cấp. Một số đồng chí đã bàn bạc, thống nhất mỗi tháng đóng góp một khoản tiền nhất định, sau đó thay nhau nhận để gửi về phụ giúp gia đình.
Không chỉ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn tham gia mô hình mà nhiều đồng chí kinh tế gia đình khá giả cũng hưởng ứng rất tích cực. Mỗi người một mục đích khác nhau, có đồng chí tiết kiệm để khi xuất ngũ sẽ đi học nghề, một số khác lại dành dụm để góp thêm tiền sau này về nhà mua xe máy đi làm. Tuy số tiền tiết kiệm không nhiều, nhưng việc làm của những chiến sĩ công binh đã thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của người con đối với gia đình, khẳng định sự trưởng thành của bản thân khi được rèn luyện trong môi trường quân ngũ.
Thượng úy Nguyễn Huy Hoàng (Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Học viện Biên phòng): Xây dựng kỹ năng mềm
Học viện Biên phòng đã và đang tổ chức, thực hiện rất nhiều các mô hình, phong trào tạo sức lan toả đến toàn thể cán bộ, ĐVTN trong toàn Học viện. Điển hình như mô hình “Chi đoàn không khói thuốc”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Rác thải nhựa”, “Tổ thanh niên điều lệnh”, “Thắp sáng tình quân dân”. Đặc biệt, mô hình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, không chỉ giúp đỡ các em học sinh nghèo có thêm điều kiện đến trường học tập, mà còn góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ, mang lại tương lai tươi sáng cho các em.
Tham gia lớp bồi dưỡng kỹ năng lần này, tôi đã được tham gia và trải nghiệm rất nhiều hoạt động đặc sắc, sáng tạo của các tổ chức Đoàn trong Trường Sỹ quan Chính trị (đơn vị đăng cai) tổ chức. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với đêm sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh và văn học nghệ thuật bởi tài năng, sức sáng tạo, trình độ tiếng Anh của các bạn đoàn viên.
Qua buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tôi đã học hỏi được rất nhiều về cách thức lên ý tưởng, xây dựng kịch bản và tổ chức đêm sinh hoạt đạt chất lượng hiệu quả cao, đặc biệt là xây dựng kỹ năng mềm cho ĐVTN. Đây chính là kinh nghiệm quý báu cho tôi trong tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng mềm, kiến thức tiếng Anh cho ĐVTN Học viện Biên phòng sau này.