Những người chưa bao giờ khuất

Những người chưa bao giờ khuất
TP - Mỗi dịp 27/7 hàng năm gia đình ông Lê Văn Hoà ở huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị lại  bày lễ vật hương hoa ra khu vườn của mình và ông lại  cúi đầu  lạy tạ… đất. 

Mảnh đất này  hơn 40 năm trước, 10 chiến sĩ giải phóng đã hy sinh khi trúng bom B52 của Mỹ, quả bom tấn ném trúng hầm và thân xác họ tan  biến vào đất. Từ đó đến nay, gia đình ông  xem mảnh đất ấy vừa thành kính, vừa gần gũi, vừa  hàm ơn, mà mỗi gốc cây ngọn cỏ như hoá thân linh hồn của những người lính. Những người con của ông sinh ra lớn lên và ra đi từ mảnh đất này và  họ tự nhận thấy mình phải sống  thế nào cho xứng với 10 người lính đã hy sinh trong vườn nhà ở tuổi hai mươi mà không cần một lời nhắc nhở hay giáo huấn.

Ở Quảng Trị có rất nhiều  gia đình như thế! Người sống dường như sống chung với những linh hồn, quá khứ, hiện tại hoà quyện vào nhau và tình yêu quê hương, tổ quốc lại thêm đó mà bền chặt. Sự tri ân chẳng cần nói thành lời, nó nằm trong  tâm khảm và  tự nhiên như mầm cây mọc lên trên mảnh đất đẫm máu xương những người đã ngã xuống vì  đất nước.

Trên ngàn dặm cương vực của Tổ quốc Việt Nam, nơi nào chẳng thấm đẫm máu đào của những anh hùng liệt sĩ. Những người con sinh ra từ đất Mẹ và  hy sinh vì đất Mẹ. Đất vì thế không chỉ đơn giản là đất, mà là quá khứ, là lịch sử, là hồn cốt, máu và nước mắt...Những trầm tích ấy chưa bao giờ bị chôn vùi, không hề đứt quãng mà đang đồng hành cùng hiện tại hôm nay.  Đúng như những câu thơ trong bài  ‘Đất nước” của Nguyễn Đình Thi: “Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất; Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất; Những buổi ngày xưa vọng nói về…”. 

Dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 là dịp để lắng đọng lại, lắng nghe tiếng đất, cảm nhận  hồn thiêng sông núi kết tinh từ  những sự hy sinh,  để biết trân quý hiện tại hoà bình. Sức mạnh của  dân tộc nằm ở những mạch nguồn đó, ở những sự hy sinh đó.  Tương lai vững bền và trường tồn không thể xây trên sự quên lãng, vô ơn.  Hiện tại chính là sự tiếp nối, và sự hy sinh cũng cần được tiếp nối . 

Chính vì vậy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận: “Ôi đất nước nghìn năm đi đâu ta cũng thấy; Những cuộc đời đã hoá núi sông ta” và: “Em ơi em, phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở; Làm nên đất nước muôn đời” …

MỚI - NÓNG