Những người cảnh giới tàu ngoài biên chế

Sau mỗi chuyến tàu, chị Nguyễn Thị Huệ lại ghi “nhật trình”
Sau mỗi chuyến tàu, chị Nguyễn Thị Huệ lại ghi “nhật trình”
TP - Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua Đồng Nai có 123 điểm giao cắt cùng mức giữa đường sắt với đường bộ, trong đó  có 57 đường ngang hợp pháp và 66 lối đi dân sinh. Tình trạng mở đường ngang trái phép băng qua đường sắt, vi phạm hành lang an toàn giao thông ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Những tổ cảnh giới tàu ra đời  như một giải pháp tình thế.

Tuyến đường ngang dân sinh băng qua đường sắt Bắc – Nam  tại km 1692 qua địa bàn phường Tân Hiệp (TP Biên Hòa) từ nhiều năm nay đã trở thành đường huyết mạch của hàng ngàn lượt công nhân, học sinh đi làm, đi học mỗi ngày. Với địa thế dốc cao khi  băng ngang qua đường sắt, người điều khiển xe máy khi qua điểm giao cắt này không quan sát được hướng tàu đến. Điểm giao cắt này trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn và được Ban ATGT tỉnh chính thức tổ chức hoạt động cảnh giới tàu sau khi xảy ra vụ 2 bà cháu bị tàu tông chết vào tháng 4/2015.

Chị  Huệ, chủ quán cà phê ở cạnh đường dân sinh này kể lại, buổi sáng hôm đó trong khi nhiều người đi làm nghe tiếng còi tàu, đã dừng xe dưới chân dốc nhưng người phụ nữ trung niên vẫn tăng ga chiếc xe máy chở theo đứa cháu nhỏ vượt qua đường sắt, mặc cho nhiều người la lớn cảnh báo tàu đang tới. Trước khi đầu tàu lao tới hất tung chiếc xe máy cùng hai bà cháu, nhiều người vẫn nghe thấy tiếng thét thất thanh của cháu nhỏ.

Sau vụ tai nạn thương tâm này, ngành giao thông Đồng Nai cùng Tổng Cty Đường sắt Việt Nam khảo sát các đường ngang dân sinh mở ra trái phép. Ban ATGT xác định 8 “điểm đen” tại các huyện, TP Biên Hòa cần phải có người cảnh giới. Điểm km 1692 là một trong hai “điểm đen” về ATGT đường sắt qua địa bàn TP Biên Hòa với 4 người thay ca làm nhiệm vụ cảnh giới.

Chỉ vì trách nhiệm cộng đồng

 Có mặt tại điểm 1692, trước giờ tàu đến, hai người phụ trách cảnh giới tàu là chị Trần Trung Trinh và chị Nguyễn Thị Huệ. Khi đoàn tàu xuất hiện từ xa, chị Trinh thổi còi báo hiệu, đồng thời hạ cần barie tự chế xuống ngăn đường bộ. Chị Huệ đứng ở phía đường đối diện báo hiệu cho mọi người dừng lại. Đoàn tàu lao nhanh qua, cần barie được kéo lên. Chuyến tàu qua, chị Huệ lật sổ trực ghi lại nhật trình. Nói về công việc của mình, chị Trinh cho hay từ ngày tuyến đường ngang dân sinh này được tổ chức cảnh giới đã không còn tình trạng mất ATGT tại đây.

Với mức thù lao 3,5 triệu đồng/tháng, chị Trinh nói: “Chúng tôi làm cũng vì trách nhiệm cộng đồng, chứ không ai dựa vào thu nhập từ công việc này”. Từ khi nhận việc, những người làm công việc cảnh giới tàu được ngành đường sắt tập huấn về nghiệp vụ và phát cho một cây cờ, còn thù lao thì nhận ở địa phương.

Kể lại ngày đầu làm việc từ gần 1 năm trước, chị Huệ cho hay: “Những ngày đầu mới bắt đầu công việc này, mỗi khi tàu đến chỉ với cây còi thổi toe toe, 2 chị em xông ra ngăn người tham gia giao thông đang đi đến. Chặn được người này thì người khác lại cố tình lách qua để vượt đường sắt. Rồi lại có trường hợp thanh niên cự cãi, hành hung luôn bác cựu chiến binh tham gia trong tổ chỉ vì giữ an toàn tính mạng cho họ”.

 Vì là không phải là đường ngang hợp pháp, nên điểm giao cắt không được ngành đường sắt đầu tư gác chắn, nhà trực, đèn, chuông báo hiệu. Việc cảnh giới tàu hoàn toàn do người gác tự xử lý. Thấy vất vả, chồng chị Trinh tự mua sắt về làm cần barie chắn đường. Chị Huệ thì  kể: “Vậy mà có hôm đang kéo cần xuống có người còn cố vượt, làm  chiếc xe máy lọt qua chắn còn người bị chắn giữ lại, trước nguy cơ chiếc xe lao vào đoàn tàu đang phóng đến, một thanh niên đạp ngang chiếc xe máy ngã dụi tránh được vụ tai nạn. 5 giờ sáng ngày mùng 2 Tết vừa qua, khi  2 chị em ra chuẩn bị gác tàu thì phát hiện 1 thanh niên có ý định tự tử khi cố tình đứng giữa đường tàu, vậy là 1 người phải chạy đến xô thanh niên này xuống đường ”. 

Để nắm được thông tin giờ tàu qua, tổ cảnh giới phải tự liên hệ với nhân viên điểm gác chắn gần nhất. Vừa nghe xong điện báo tàu chuẩn bị qua, chị Trinh nói: “Cái điện thoại này do tổ tự trang bị dùng trong ca trực để nhân viên gác chắn gọi báo tàu. Rồi một điện thoại khác được sắm để ngay tại trạm gác chắn cho nhân viên trực dùng để gọi đến”. Chị Trinh băn khoăn, hiện tổ chỉ được giao cảnh giới từ 5 giờ sáng đến 20 giờ đêm hàng ngày. Nếu trực 24/24 giờ thì rất khó bởi đêm hôm, mưa gió không biết trú ở đâu?  Rồi vấn đề an ninh nơi đường vắng.

Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, những “điểm đen” có tổ chức cảnh giới đã đảm bảo tốt về ATGT. Tuy nhiên đến nay nhiều địa phương vẫn chưa triển khai được cảnh giới tàu. Đại diện các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc cho rằng với mức hỗ trợ cho người cảnh giới 1,2 triệu đồng/người/tháng, như 2 địa phương này đang thực hiện người dân không mặn mà, nếu nâng mức tiền cao hơn nữa thì về lâu dài địa phương không có khả năng chi trả.    

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.