Những ngọn đèn trước gió - kỳ 5

Những ngọn đèn trước gió - kỳ 5
TP - Tôi quen dần với cuộc sống của một bệnh nhân. Ngày nào cũng vậy, khoảng bốn giờ, nhận thuốc để dùng cho hôm sau. Tám giờ sáng là giờ tiêm, truyền thuốc.

>> Kỳ 4 : Những người bạn mới

Những ngọn đèn trước gió - kỳ 5 ảnh 1
Nguyễn Văn Toán (bìa phải) và bạn học cấp ba tại biển Hải Thịnh (Nam Định) tháng 3/2009

Những người đã truyền xong hóa chất sẽ được bác sĩ theo dõi các chỉ số trong máu theo từng ngày. Vì vậy ngày nào họ cũng được lấy máu làm xét nghiệm.

Quá tải

Bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, mỗi phòng bệnh có diện tích khoảng tám, chín mét vuông mà hầu như phòng nào cũng có bốn bệnh nhân nằm và ít nhất cũng có thêm bốn người đi chăm sóc nữa, tất cả là tám người.

Đó là chưa kể những đồ đạc khác như bếp ga thổi nấu, giường gấp, túi xách, vali… Tất cả đều được để trong phòng khiến cho căn phòng đã chật lại càng chật hẹp hơn.

Buổi tối, những người đi chăm sóc bệnh nhân thường kê giường gấp ra ngoài hành lang, ngay sát phòng mình để ngủ. Hành lang đi lại cũng không phải là rộng mà giường gấp lại nhiều nên thường có lời qua, tiếng lại để tranh nhau chỗ kê giường.

Nhìn từ đầu tới cuối, dãy hành lang không khác gì một bến cảng tấp nập mà tàu bè là những chiếc giường gấp đang đua nhau cập bến.

Buổi sáng, sau khi y tá tiêm truyền xong cho bệnh nhân, khoảng mười giờ, ai nấy lo chuẩn bị nấu cơm cho bệnh nhân. Tôi cũng như nhiều bệnh nhân truyền hóa chất khác ở viện này, chúng tôi luôn có cảm giác chán ăn.

Mỗi khi ăn xong, tôi lại phải nghĩ xem ngày mai nên ăn món gì cho có cảm giác ngon miệng. Nhưng xem ra việc nghĩ ra món ăn cho phù hợp cũng là một công việc khó, đôi khi còn không nghĩ ra nổi.

Trò giải trí phổ biến mà hình như cũng là duy nhất ở trong bệnh viện này là đánh bài. Có người đánh bài vui, không mang tính chất được thua nhưng hầu hết là bệnh nhân, có cả người nhà của họ nữa, thường đánh bài để ăn tiền, để sát phạt nhau.

Tôi nghe người ta kể là ở khoa C7, hầu như tối nào cũng có những đám người tụ tập đánh bài thâu đêm. Có lẽ, kiếm tiền từ việc đánh bài trở thành thú vui của họ, khiến cho họ bận rộn hơn và ít ra cũng khiến cho mỗi ngày trôi qua bớt tẻ nhạt hơn đối với họ.

Phần đông bệnh nhân ở khoa C7: u máu, máu khó đông. Không phải truyền hóa chất nhưng dường như cuộc sống của họ đã gắn liền với bệnh viện. Có người lớn tuổi nhưng thân hình lại nhỏ bé như một đứa trẻ. Nhiều người còn bị tàn tật như teo chân, tay, đi lại rất khó khăn.

Nguyên nhân có lẽ là trong người họ không có đủ lượng máu cần thiết để nuôi cơ thể.  Họ có vẻ rất tiêu cực, tiêu cực không chỉ trong hành động mà cả trong khi họ nói chuyện với nhau.

Án chung thân, tử hình

Khi gặp những bệnh nhân mới nhập viện lần đầu tiên thì họ thường giải thích ai nằm ở khoa C7 nghĩa là mang án chung thân, còn ai nằm ở khoa C8, C8A là mang án tử hình. Gặp những bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch phải thở bằng máy thở oxy, họ lắc đầu, chép miệng: “Sắp lên C9 rồi”.

Tôi lấy làm lạ vì bệnh viện chỉ có hai tầng, tầng một là khoa C7, tầng hai là khoa C8 và khoa C8A. Tôi đã đi khắp bệnh viện nhưng không thấy chỗ nào có đề biển: Khoa C9. Mãi sau này mới biết chín ở đây là chín tầng mây, nói “sắp lên C9”, có nghĩa là người đó sắp đi về cõi vĩnh hằng.

Những buổi chiều không phải truyền thuốc, tôi, Quyết, Khỏe và anh Duyên lại ngồi đánh bài tính điểm, ai được ít điểm nhất sẽ phải dẫn ba người còn lại đi uống nước, đi chơi.

Tôi đã truyền xong mũi hóa chất thứ ba. Bây giờ chỉ có mẹ ở đây chăm sóc cho tôi. Chị ba tôi mới phải về quê vì con chị còn nhỏ. Hai anh tôi chỉ có buổi tối hay ngày nghỉ mới vào thăm tôi được. Vậy là tôi chỉ còn phải truyền một mũi hóa chất cuối vào ngày thứ Sáu tới và một lần tiêm tủy nữa là ra viện.

Từ khi truyền xong mũi hóa chất thứ ba, tôi lúc nào cũng mong đến ngày thứ Sáu để truyền nốt mũi hóa chất cuối cùng . Tôi biết, ở nhà, người thân, hàng xóm đang chờ tôi.

Trước khi về, tôi, Khỏe, anh Duyên, Lệ Quyên, Huỳnh, Tứ ngồi cùng nhau nói chuyện vui vẻ và cũng là cuộc gặp mặt để tôi chia tay mọi người. Huỳnh đã truyền xong hóa chất.

Bạn ấy đang bị đau dạ dày nhưng, mấy ngày nữa, cũng được ra viện. Lệ Quyên sau khi truyền xong hóa chất thì bị men gan cao, da vàng như bôi nghệ, cả mắt cũng thế, chắc Quyên phải nằm lại viện khá lâu nữa. Anh Duyên và Tứ thì chuẩn bị truyền hóa chất.

Tôi đã ở viện hơn một tháng và có thêm được những người bạn, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung là, tất cả đều rất cố gắng. Mỗi khi nói chuyện với họ về bệnh tật, tự dưng những mặc cảm, sự sợ hãi trong tôi đều biến mất.

Và tôi nghĩ, đây chỉ là thử thách đầu đời mà chính tôi phải vượt qua được. Tôi chào mọi người ra về, Tứ bắt tay tôi nói là để lấy may mắn. Tôi nắm chặt tay Tứ và chúc bạn cũng như những người khác sẽ vượt qua các đợt điều trị hóa chất còn lại một cách an toàn.

Kỳ sau: Niềm vui được về nhà

MỚI - NÓNG