Tận cùng tuyệt vọng…
Đang công tác tại một đoàn ca múa thuộc quân đội, Bích Ngọc có một giọng trung trầm màu mỡ và thường xử lý những bài nhạc Trịnh kỹ đến từng chữ.
Cô chia sẻ: “Không ù ì đều đều như mọi người vẫn cảm nhận, tôi thấy nhạc Trịnh có những gai góc, xù xì. Chính vì thế bước chân vào cõi Trịnh, tôi rất sợ bắt chước. Tôi không đứng dưới bóng mát tượng đài của ai mà chọn con đường riêng của mình”.
Bích Ngọc quê Hà Nam, bố mẹ đều là những nghệ nhân chèo có tiếng. Tưởng yên phận với trường sư phạm, bỗng đoàn văn công Tổng cục Chính trị về tuyển và cô trúng. Mãi đến khi đang học ở trường Nghệ thuật Quân đội, một hôm ngồi ghế đá nghe thấy tiếng nhạc: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…”, cô cảm thấy như bị thôi miên, phải lập tức chạy bổ lên tầng hai để hỏi xem ai hát và hát cái gì. Đó là năm 1993.
Bích Ngọc thường chọn những bài ít người hát như Sóng về đâu, Biển nghìn thu ở lại, Hành hương trên đồi cao, Xin cho tôi, Vườn xưa… để thể hiện theo kiểu blues. Hồi đầu, có khán giả ý kiến: “Cô hát thế thì phá nát nhạc Trịnh à?”. Bích Ngọc đáp: “Thế anh làm ơn cho em xin cái công thức hát nhạc Trịnh đi”.
Trịnh Công Sơn từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Ngọc đem câu này vận vào đời mình: “Ai cũng có nỗi buồn và niềm vui. Một là mình sẽ lãnh đạo nỗi buồn, tức là dùng nó làm đòn bẩy. Hai là để nỗi buồn nhấn chìm mình. Tôi mượn nỗi buồn để thăng hoa”.
“Anh có cách gọi nắng của anh, tôi có cách gọi của riêng tôi. Hà Lê phải đứng giữa núi đồi gọi nắng. Người khác thì có khi lại he he cái rèm ra nhìn ánh nắng cũng là một cách. Trịnh Công Sơn nói sở dĩ âm nhạc của ông trường tồn theo thời gian là vì mỗi người đều có thể hát và hát theo cách riêng”.
Ca sĩ Bích Ngọc
Hồi mới vào nghề, từng được một nhạc sĩ ướm hỏi: “Em rất tài năng và thông minh nhưng đấy mới là 50%. Nếu em muốn thành sao, anh sẽ tặng 50% còn lại”. Ngọc đáp, chỉ muốn là một nghệ sĩ bình thường để còn chu toàn gia đình. “Sao không có nghĩa là nghệ sĩ không chân chính! Nói chung làm gì trước tiên cũng do mình. Nếu mình xuất chúng, khó mà không nổi tiếng. Chắc là tôi vẫn chưa đủ tài năng hoặc may mắn”, cô nói.
Chính vì sẵn sàng đặt gia đình lên trên sự nghiệp nên khi gặp biến cố cách đây 6 năm, Ngọc rơi vào khủng hoảng, cũng là lúc sự nghiệp hát phòng trà của cô bắt đầu. Nhưng đồng thời cô thấy thật may mắn được tiếp cận và đi sâu vào dòng nhạc Trịnh: “Bây giờ tôi thấy lạc quan, giọt nước mắt mình có rơi xuống cũng phải có giá trị. Không phải chỗ nào mình cũng rơi nước mắt, không phải bất cứ ai cũng được thấy nước mắt mình rơi”.
Bài học Ngọc rút ra: “Khi yêu thương và tôn trọng bản thân, mình sẽ cố gắng vươn lên. Khi đó tất nhiên mọi người sẽ tôn trọng và yêu quý mình. Đó là điều tôi nhận thấy. Hơi muộn, nhưng may mắn còn nhận ra. Dù xuống sườn dốc bên kia hơi bị sâu rồi nhưng được tiếp cận mỗi bài hát hay, nhân sinh quan mình lại mở ra, nên tuổi già chưa mon men đến”. Cô cũng khẳng định chính tư tưởng lạc quan của Trịnh Công Sơn đã “cứu rỗi”, là “ngọn đèn soi sáng khi mình không biết rẽ về đâu”.
Âm nhạc chữa lành
Nhiều người lần đầu tiên nghe Mai Loan cất giọng chắc cũng giật mình như tôi. Vì độ trầm và dày hiếm có. Tại fanpage của chị, từng có những bình luận kiểu như: “Tại sao giọng ca này không cống hiến cho đất nước?!”. Chị chỉ cười: “Tôi nghĩ có khi như thế tôi mới có cuộc sống bình an như bây giờ”. Chị hát tốt nhiều thể loại nhạc nhưng tự gọi mình là “Mai Loan hát nhạc Trịnh”. Và được nhiều người biết đến từ những “đêm nhạc chữa lành” trong đó hầu như chỉ có mình chị hát và trò chuyện cùng “nhạc khách”- cách chị gọi khán giả.
Chị đã thoát khỏi trầm cảm nhờ nhạc Trịnh. Mai Loan từng quản lý một nhà văn hóa cho một doanh nghiệp lớn trực thuộc tập đoàn than ở Quảng Ninh. Nhưng rồi chị quyết chuyển lên Hà Nội vì giới tính của con. Chị xác định ở địa phương, những người như con mình sẽ khó được chấp nhận. Và giờ đây chị có thể mỉm cười khoe: “Tôi đẻ một cô con gái nhưng lại được làm mẹ chồng”.
Mai Loan từng hát trước vài ngàn khán giả ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ trong chương trình Quà tặng Âm nhạc được VTV3 truyền hình trực tiếp. Nhưng chị cho hay vẫn hồi hộp trước khi bước vào “thánh đường” Nhà hát Lớn: “Từ trước anh em vẫn nhận xét càng đông người Mai Loan hát càng sung. Bây giờ có tuổi rồi chả biết thế nào. Chỉ có một tiết mục đơn ca trong chương trình thôi mà tôi thấy căng thẳng hơn cả khi đảm nhiệm vị trí bầu sô, tổng đạo diễn những chương trình lớn của ngành than thời trước”.
Nhưng 10 năm ngừng hát của chị còn có lý do từ sự ra đi của người chồng thứ hai, khiến chị không gượng dậy nổi, chỉ thu mình trong bóng tối theo nghĩa đen. Cho đến một ngày đứa con làm cho chị bừng tỉnh: “Mẹ cứ như thế này là mẹ sẽ mất con đấy”.
Mai Loan bắt đầu “khởi nghiệp” trà đá, rồi trà chanh, rồi thành phòng trà lúc nào không hay. Tất nhiên chỉ là một không gian nhỏ chứa tầm ba bốn chục “những người cùng tần số”. “Lúc ấy như vũ trụ đưa đến rất nhiều người truyền cảm hứng cho tôi. Tôi thấy cần mạnh mẽ hơn và quyết định hát lại, vì bản thân thấy cần được chữa lành và rất nhiều người cũng cần”, chị nói.
Thừa hưởng giọng hát từ bố mẹ đều là những ca sĩ phong trào nổi bật của ngành than, từ khi học cấp 3, Mai Loan trúng tuyển nhiều trường chuyên nghiệp khi họ về Quảng Ninh tuyển sinh. Nhưng hồi đó mọi người vẫn có cái nhìn không được thiện cảm với công việc ca hát. Mai Loan từng “sốc nhẹ” khi nhận được đề nghị đánh đổi từ một “đàn anh” năm 16 tuổi.
Nhưng rồi chị được Mộng Tuyết - nữ ca sĩ vùng mỏ có tài chơi trống truyền nghề và giới thiệu vào đoàn nghệ thuật Công an tỉnh. Từ đây chị được cử đi học tại trường VHNT tỉnh. Khi còn hoạt động nghệ thuật ở Quảng Ninh, Mai Loan chủ yếu hát nhạc nhẹ. Trong thời gian trầm cảm, chị hay nghe nhạc không lời, trong đó có nhiều bài của Trịnh. Khi quay lại hát, chị chọn nhạc Trịnh, vì tìm thấy chất thiền trong đó.
“Mỗi nghệ sĩ sẽ yêu nhạc Trịnh theo cách riêng nhưng nhạc Trịnh chính xác đã chữa lành tôi. Tôi thấm thía bài Tình xa. Bài hát ứng nghiệm phải đến 70-80 % những gì xảy ra với tôi. Tôi không biết sao nhưng lần nào hát cũng chỉ chực khóc. Kỳ lạ lắm...”, chị nói. Cũng như thế chị thấy bản thân trong bài Sóng về đâu: “Tâm hồn nghệ sĩ, sống bản năng, không có kỹ năng phòng bị. Bão tố đến, mình không biết làm thế nào để vượt qua. Cũng may mắn tôi không bị tiêu cực, chỉ nghĩ mình cần phải thích nghi”.
Và bây giờ Mai Loan kết luận: “Sóng gió nhiều rồi nên giờ đối diện khó khăn gì cũng thấy bình thường, sẵn sàng đón nhận, không sợ hãi như trước”.
Thúy gọi mưa
Trong đêm nhạc Giấc mơ Trịnh, Diệu Thúy được phân công mở màn. Hẳn là do lối hát không thể mộc hơn của cô. Tổng đạo diễn Nguyễn Quang muốn Diệu Thúy làm sống lại giây phút đầu tiên nhiều người đã có với nhạc Trịnh, khi nghe giọng Khánh Ly vang lên đâu đó…
Tôi vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên về tiếng hát này trong bài Ngày về. Đến nỗi tôi phải chia sẻ ngay cho bạn bè cùng nghe. Nỗi đau mất con sau chiến tranh của bà mẹ được Trịnh Công Sơn mô tả: “Một bàn cơm ngon trước ghế không người/ Mẹ bày cho con với nước mắt rơi/ Gọi hồn con thiêng hãy đến đây ngồi/ Lòng mẹ nghe như có tiếng nói cười...”. Chắc vì sự sắc lạnh của nhạc và lời mà bài hát ít được các ca sĩ lựa chọn. Nhưng phải nói chắc cũng không có nhiều người làm toát lên được độ sắc lạnh đó như Thúy.
Diệu Thúy từng có hẳn liveshow nhạc Trịnh Gọi tên bốn mùa đông chật khán giả tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Thúy lý giải sức hút của mình đến từ 5 năm ròng rã trước đó hát ở Trịnh Ca, sau khi cô mua lại phòng trà này. Thúy bắt đầu tiếp xúc với Diễm xưa từ năm lớp 9, mới đầu thấy buồn buồn không thích nhưng “càng nghe càng nghiện”. Cô tốt nghiệp Sư phạm Mẫu giáo, dạy trẻ mấy năm rồi về Tỉnh Đoàn Hòa Bình phụ trách công tác thiếu nhi. Thúy từng được giải Ba tiếng hát Truyền hình tỉnh, Huy chương Bạc Tiếng hát Giáo viên Mầm non toàn quốc...
Phải đến khi chuyển công tác về Hà Nội, cô mới có dịp thử sức với nhạc Trịnh. Sân khấu đầu tiên cô tìm đến chính là Du Ca của ca sĩ Trịnh Sơn Truyền. Thúy còn nhớ tay mình run lẩy bẩy khi giở cuốn nhạc Trịnh ra tìm bài để hát. Giờ cô vẫn run trước khi lên sân khấu nhưng đến khi nhập tâm vào bài hát quên cả khán giả.
Thúy tự mô tả mình là người “đơn giản”, nếu gặp bên ngoài không ai nghĩ là ca sĩ. Cô thể hiện nhạc Trịnh cũng đúng như con người mình. Không dụng công, không trưng trổ, có sao hát vậy. Không muốn đi học thêm thanh nhạc vì sợ mất đi sự tự nhiên, cô tự luyện giọng qua YouTube.
“Ca từ của ông đã đủ hay, sâu sắc, nên nếu mình cứ trưng trổ khi hát dễ thành thừa. Thể hiện một bài hát của Trịnh Công Sơn cũng giống như thiền vậy. Khi hát tôi xác định như mình rong chơi, có dùng kỹ thuật cũng vừa phải để người nghe vẫn thấy dễ chịu, thư giãn”, Thúy nói.
Thúy vẫn nhớ trong đêm nhạc kỷ niệm ngày phát hành album Sơn Ca 7, khi cô hát Nghe những tàn phai, Ướt mi… có khán giả đã khóc. “Mình thấy trân trọng, xúc động trước những khoảnh khắc ấy”, cô nói. Rồi trong khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp, đúng lúc Thúy cất tiếng hát Diễm xưa thì ngoài phố Tràng Tiền, trời đổ cơn mưa bóng mây thật. Mặc cho tiết trời tháng Sáu nóng như đổ lửa từ sáng...
Thúy vừa hoàn thành album đầu tay nhưng chưa có bài nhạc Trịnh nào. “Cái gì mình thích, chuyên sâu thì để sau đi”, Thúy cười. Và tính có khi phải ra hai đĩa nhạc Trịnh liền lúc, trong đó không thể thiếu những bài phản chiến mà cô đặc biệt yêu thích.