Những món quà vô giá

TP - Sau 10 năm chờ đợi đằng đẵng, cuối năm 2015, vợ chồng đại úy Thái Tiến Dũng (anh Dũng đang công tác trong lực lượng biên phòng Hà Tĩnh) đã được hưởng trọn hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Với anh chị, đây là món quà vô giá mà cả hai người đã phải rất nỗ lực mới có được.

Gian nan “tuyển quân”

Ngày chị Mai, vợ anh Dũng sinh con, nhiều người thân hai bên nội ngoại đều túc trực ở bệnh viện. Hạnh phúc như vỡ òa khi bác sĩ thông báo chị Mai vừa sinh bé trai nặng 3,8kg, khỏe mạnh... Anh Dũng chia sẻ: “Cả gia đình mừng lắm vì tôi là con trai độc nhất. Mẹ tôi năm nay đã hơn 70 tuổi rồi. Được tin vợ tôi sắp sinh bà tức tốc bay từ Hà Tĩnh vào TPHCM động viên con cháu. Hơn 10 năm chờ đợi giờ mới có cháu trai nên mẹ tôi vui lắm. Từ ngày cháu đích tôn ra đời, bà như khỏe ra. Người thân, bạn bè ở xa đều gọi điện động viên, người ở gần thì đến thăm, chúc mừng và chia vui với vợ chồng tôi”.

Thực sự có ở trong cuộc mới cảm nhận được niềm hạnh phúc của vợ chồng anh Dũng vô giá đến nhường nào. Còn nhớ, lần đầu, tôi gặp vợ chồng anh Dũng trong “tổ ấm” thứ hai của anh chị tại cơ quan thường trực phía Nam của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Gọi là “tổ ấm” thứ hai bởi đó là phòng ở do Bộ Tư lệnh bố trí cho vợ chồng anh chị ăn nghỉ trong những ngày điều trị hiếm muộn tại TPHCM. Lúc đó, chị Mai đang mang bầu tháng thứ 8. Trò chuyện với tôi, khuôn mặt anh chị rạng ngời hạnh phúc, nụ cười luôn nở trên môi. Anh Dũng vừa nấu cơm vừa trò chuyện vui vẻ: “Làm thụ tinh ống nghiệm phải hạn chế vận động nên vợ tôi được đặc cách ngồi nguyên một chỗ. Tôi tình nguyện làm ô sin, đảm nhiệm tất cả mọi việc”.

Những món quà vô giá ảnh 1

Vợ chồng đại úy Thái Tiến Dũng hạnh phúc bên con trai.

Kết hôn từ năm 2005, qua hai cái Tết nhưng trong nhà vẫn vắng bóng trẻ thơ, vợ chồng anh Dũng bắt đầu hành trình tìm kiếm con cái. Nhớ lại thời gian đã qua, anh Dũng bảo đó là những ngày vất vả, âu lo và phấp phỏng. “Bị hiếm muộn rõ nguyên nhân điều trị đã khó, vợ chồng tôi hiếm muộn không rõ nguyên nhân càng khó hơn. 5 năm đầu, chúng tôi ra Hà Nội điều trị. Chờ đợi mãi không có kết quả, chúng tôi chuyển hướng vào TPHCM. Thời gian trôi nhanh, tiền bạc tích góp được cũng tiêu tán hết mà 2 lần thụ tinh đều thất bại. Kinh tế gia đình suy kiệt, sức khỏe giảm sút, có lúc tôi cảm thấy chán nản, thất vọng, thậm chí muốn buông xuôi tất cả”, chị Mai tâm sự.

Nhưng rồi khát khao được làm cha, làm mẹ lại thôi thúc giúp anh chị có thêm quyết tâm chữa trị. Cũng đúng lúc đó, sự động viên, hỗ trợ kịp thời của Bộ Tư lệnh BĐBP đã tiếp sức cho anh chị bước tiếp trên hành trình gian nan. “Trong buổi gặp mặt quân nhân hiếm muộn ở Hà Nội, nguyên Tư lệnh Võ Trọng Việt đã trực tiếp thăm hỏi, động viên chúng tôi và nói Bộ Tư lệnh sẽ hết sức tạo điều kiện thuận lợi để quân nhân hiếm muộn điều trị. Sau buổi gặp mặt đó, chúng tôi yên tâm hơn và có thêm niềm tin vào việc điều trị”, anh Dũng kể và cho hay. “Từ sâu thẳm trong trái tim, tôi luôn trân trọng và biết ơn sự hỗ trợ, động viên quý báu của thủ trưởng Bộ Tư lệnh và chỉ huy, anh em trong đơn vị”.

Sau lần Bộ Tư lệnh tổ chức gặp mặt tại Hà Nội, anh Dũng được đơn vị cho nghỉ phép dài ngày vào TPHCM chữa trị. Vợ chồng anh chị được đơn vị bố trí nơi ăn nghỉ thuận tiện nhất. Và rồi ở lần thụ tinh ống nghiệm thứ 3, may mắn đã mỉm cười, bù đắp cho những tháng ngày dài gian nan trong hành trình “tuyển quân” của hai người…

Quả ngọt yêu thương

Giống như vợ chồng anh Dũng, hành trình chữa trị hiếm muộn của đại úy Đinh Thái Đạt (BĐBP Lào Cai) là chuỗi ngày truân chuyên với không ít nước mắt. Kết hôn được một năm mà chưa có tin vui, vợ chồng anh Đại xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám và điều trị. Hết đợt thuốc này tới đợt thuốc khác không mang lại kết quả, vợ chồng anh quay sang “cầu cứu” đông y. Kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh.

Trong lúc việc chữa trị chưa mang lại kết quả, tháng 7 năm 2012, anh Đạt được đơn vị điều động tăng cường vào công tác tại BĐBP Bình Thuận. “Tôi nghe chồng báo tin mà muốn chết ngất. Hai vợ chồng gần nhau bao năm chữa trị đủ loại thuốc mà vẫn chưa có con. Giờ lại xa nhau biền biệt như vậy thì biết khi nào mới có con. Tới lúc anh ấy hoàn thành thời hạn quay về thì tôi 37 tuổi rồi. Liệu có đẻ được con nữa không. Anh ấy bảo nhiệm vụ của người lính phải thế biết làm sao được. Khi anh ấy vào Bình Thuận, 3 tháng liền tôi ôm gối khóc, người sụt mất 4kg”, chị Khầm Thị Xuyến, vợ anh Đạt nhớ lại.

Lẽ ra đến tháng 7/2015, anh Đạt mới hết thời gian tăng cường nhưng thực hiện chủ trương hỗ trợ quân nhân hiếm muộn của Bộ Tư lệnh BĐBP, tháng 10/2013, anh Đạt đã được trở về đơn vị cũ công tác. Anh đưa vợ xuống Viện 103 làm thụ tinh ống nghiệm nhưng kết quả không được như mong đợi. “Tôi thất vọng và hụt hẫng. Hy vọng vừa mới nhen lên lại chợt tắt. Thất vọng rồi hy vọng rồi lại thất vọng. Chu trình tâm lý đó lặp đi lặp lại khiến nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến tương lai, vợ chồng tôi lại động viên nhau cố gắng chữa trị”, chị Xuyến tâm sự.

Đầu năm 2015, vợ chồng chị Xuyến lặn lội vào TPHCM làm thụ tinh ống nghiệm. Lần này may mắn đã đến. Đậu thai rồi nhưng những lo lắng trong lòng chị Xuyến vẫn chưa vơi. Khi thai được 7 tuần tuổi, chị bị sảy thai mất một bé gái. “Tôi bị động thai suốt, 2 lần phải đi cấp cứu giữa đêm. Cũng may, ở đây anh chị em sống rất chân thành, nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ nhau. Tôi rất cảm kích vì sự giúp đỡ của các anh chị em ở đây cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Tôi còn nhớ có lần Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Tư lệnh BĐBP, lúc đó là Phó Chính ủy BĐBP đã trực tiếp tới thăm và động viên chúng tôi. Nghe chú Ngọc nói, ai cũng xúc động, bật khóc. Thực tế có nhiều cặp vợ chồng tan vỡ hạnh phúc gia đình vì không có con cái. Chú Ngọc đã động viên chúng tôi rất nhiều. Sự gần gũi và tình cảm của chú khiến cho chúng tôi cảm động và trân trọng”, chị Xuyến nói.

Sau chuỗi ngày thấp thỏm, âu lo, đầu năm nay, vợ anh Đạt đã sinh con gái đầu lòng kháu khỉnh. Được biết, vợ chồng anh Dũng và anh Đạt chỉ là 2 trong số 483 quân nhân hiếm muộn của BĐBP được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Tư lệnh BĐBP qua “Quỹ hỗ trợ quân nhân hiếm muộn trong BĐBP” từ năm 2013.

Qua “Quỹ hỗ trợ quân nhân hiếm muộn trong BĐBP”, đến nay, có 128 cặp vợ chồng quân nhân điều trị có kết quả, trong đó đã có 112 trường hợp sinh con, 6 trường hợp đang mang thai và 10 trường hợp bị sảy thai. Bộ Tư lệnh BĐBP đã trích quỹ hiếm muộn hỗ trợ 2 lần cho 336 cặp vợ chồng hiếm muộn với số tiền 6,2 tỉ đồng. Ngoài ra, 57 gia đình quân nhân hiếm muộn đã nhận được hỗ trợ 1,7 tỉ đồng từ nguồn quỹ của Bộ Quốc phòng.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.