Những mốc son chói lọi

0:00 / 0:00
0:00
Chào quê hương để vào chiến trường năm 1971 Ảnh: Mầu Hoàng Thiết
Chào quê hương để vào chiến trường năm 1971 Ảnh: Mầu Hoàng Thiết
TP - Sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam là một dấu mốc lịch sử trọng đại của thế hệ trẻ Việt Nam. Trải qua 90 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khẳng định bản lĩnh cách mạng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc. Tổ chức Đoàn là lực lượng xung kích cách mạng, là tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam, đội dự bị tin cậy của Đảng. Môi trường hoạt động Đoàn là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam.

Đáp ứng đòi hỏi của lịch sử

Sau một thời gian ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc khẳng định:“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.Tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên”, ra báo Thanh niên, mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ để tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, thành lập tổ chức “Thanh niên Cộng sản Đoàn”, đưa nhiều thanh niên ưu tú vào tổ chức để bồi dưỡng”…

Trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào giai cấp công nhân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dựa vào thanh niên, qua đó, những thanh niên yêu nước được giác ngộ về giai cấp và dân tộc. Họ là lớp người trẻ tuổi có lòng yêu nước, căm thù giặc, hăng hái tham gia cách mạng, nhạy bén với cái mới và có tri thức.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức một nhóm bí mật, gồm 9 người là Lý Thụy, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ, Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long và Lâm Văn Dĩnh. Nhóm có chương trình và điều lệ. Tất cả phải đọc lời thề tuân theo chương trình, điều lệ và suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng… Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển các tổ chức thanh niên cách mạng theo xu hướng cộng sản cũng như sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở nước ta.

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên cộng sản. Hội nghị đã thông qua: “Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”. Đặc biệt là thông qua “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”.

Trong Án nghị quyết có ghi: “Đảng phải thi hành ngay Án nghị quyết của Quốc tế cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tính độc lập…”. “Đảng Cộng sản phải cần kíp công tác trong quần chúng thanh niên, phải lãnh đạo quần chúng thanh niên… Muốn vậy, chỉ có thể tổ chức ra một đoàn thể của thanh niên mới được”.

“Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động” là văn kiện nền tảng về lý luận vận động thanh niên đầu tiên của Đảng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của phong trào yêu nước trong thanh niên đang phát triển và thực sự tạo nên những chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng tổ chức Đoàn.

Thực hiện Án nghị quyết trên, các cơ sở Đoàn được xây dựng trên hầu hết các địa phương cả nước, nhưng hệ thống tổ chức của Đoàn vẫn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng.

Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 2 diễn ra tại Sài Gòn (tháng 3/1931) do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì, đã dành nhiều thời gian bàn về công tác xây dựng Đảng và xây dựng Đoàn. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cần kíp mà Đảng phải làm, trong đó có việc phải nhanh chóng thành lập tổ chức Đoàn...

Sau khi có Nghị quyết của Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các chi bộ đảng ở địa phương đã cử ngay các cấp ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thanh niên ngày càng lớn mạnh, đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Một số địa phương đã hình thành hệ thống tổ chức đoàn xã, huyện lên đến tỉnh.

Đến cuối năm 1931, số lượng đoàn viên trong cả nước lên đến khoảng hơn 2.500 đoàn viên. Qua cao trào cách mạng 1930 - 1931, với những đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Quốc tế thanh niên cộng sản đã công nhận Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương là một bộ phận của Quốc tế thanh niên cộng sản.

Theo đề nghị của T.Ư Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hằng năm.

Những mốc son

Ngay sau khi thành lập, Đoàn TNCS Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô - Viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này, đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh, hy sinh vì Tổ quốc, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.

Tháng 7/1936, Hội nghị T.Ư Đảng đã đề ra đường lối chuyển hướng nhiệm vụ từ đấu tranh bí mật, bất hợp pháp sang đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương tiếp nối truyền thống của Đoàn TNCS Đông Dương, tích cực vận động thanh niên đấu tranh chống thực dân, đế quốc, phản động tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trong tình hình mới, tổ chức Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức chặt chẽ với tên mới là Đoàn Thanh niên Phản Đế Đông Dương.

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Người đã chủ trì Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 8, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó do Đảng, Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên Độc lập Tự do cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng, đoàn viên, thanh niên là lực lượng hăng hái đi đầu trong phong trào chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

Thế nhưng, thời gian độc lập không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cả dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến là tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập các Đội Thanh niên xung phong cảm tử, thanh niên tự vệ kiên quyết đánh trả kẻ thù. Tại Thủ đô Hà Nội trong suốt 60 ngày đêm, nhiều chiến sỹ với tuổi đời còn rất trẻ đã ôm bom ba càng chặn xe tăng giặc ngay trên đường phố...

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại Đại Từ, Thái Nguyên (từ ngày 7 đến ngày 14/2/1950) với chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Phát huy tinh thần của Đại hội, hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào “Tòng quân giết giặc lập công” phát triển khắp mọi nơi.

Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, tháng 5/1954, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Họ xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

“Ba sẵn sàng” đến “năm xung phong”…

Ngày 19/10/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (năm 1956) , Bác Hồ đã ân cần căn dặn: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”.

Từ sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Hàng vạn thanh niên tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang phục hóa đất đai; hàng triệu thanh niên hăng hái theo học các lớp bổ túc văn hóa...

Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man song không hề nao núng. Trong những ngày đồng khởi, các đội “Trung kiên”, “Xung phong” do thanh niên đảm nhận đã được thành lập ở khắp mọi nơi, tiến hành vây đồn, lấy bốt, trừ gian, phá ấp chiến lược...

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (năm 1961), đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Được sự chỉ đạo kịp thời của T.Ư Đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước, ở miền Bắc, hàng triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương”.

Tháng 2/1965, Đại hội Đoàn Thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong”, sau một thời gian ngắn, có hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào này.

Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc như: 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Bảy dũng sỹ Điện Ngọc (Quảng Nam) anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; Nguyễn Văn Trỗi “Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc”; Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ra quyết định: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được mang tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một Đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng CNXH. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên trên khắp các mặt trận. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Xung kích xây dựng, phát triển đất nước

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV (1980) đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Vào thời điểm này, hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”; gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và “Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên nhi đồng tham gia.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V (năm 1987) phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (1992); tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa VI (tháng 2/1993) đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là: “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII (1997) quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định chọn là “Năm thanh niên Việt Nam”. Từ thời điểm này, phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (năm 2002) với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện” đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng siết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (năm 2007), tập trung triển khai hai phong trào lớn là “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X (năm 2012), là Đại hội của khát vọng tuổi trẻ. Đại hội đã quyết định tiếp tục triển khai 2 phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, tạo không gian mở, sáng tạo cho cơ sở triển khai thực hiện.

Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị”, các phong trào học sinh, sinh viên như: “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”, “Sinh viên 5 tốt”; hay phong trào thi đua “3 trách nhiệm”, “Sáng tạo trẻ”... được triển khai thiết thực, hiệu quả.

Nhiều chương trình, cuộc vận động hướng về biển đảo thu hút sự quan tâm, tham gia của tuổi trẻ cả nước như: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi”... với nội dung có nhiều đổi mới, sáng tạo đã thu hút được đông đảo thanh niên tham gia, được xã hội ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (năm 2017) khẩu hiệu hành động “Tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển”. Tập trung triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”; “Tuổi trẻ sáng tạo”; “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng, tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù…

Toàn Đoàn triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”;“Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.

Những mốc son chói lọi ảnh 1 Thanh niên tình nguyện Thủ đô ảnh: Hồng Vĩnh

Với những cống hiến to lớn trong 90 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước: 2 lần nhận Huân chương Sao Vàng, 2 lần nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, 13 Huân chương Lao động, 10 Huân chương Kháng chiến và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã mang nhiều tên gọi khác nhau, cụ thể:
- Từ 1931 - 1936: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
- Từ 1936 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.
- Từ 1939 - 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
- Từ 1941 - 1956: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.
- Từ 1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
- Từ 1970 - 1976: Đoàn Thanh niên Lao động
Hồ Chí Minh.
- Từ 1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.