Những mảnh đời 'sợ' Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2021, dịch COVID-19 khiến hơn 1,4 triệu người thất nghiệp, 1,4 triệu người thiếu việc làm. Tết đã đến gần nhưng nhiều người con xa quê thay vì háo hức trở về bên gia đình như thường lệ giờ “sợ” Tết vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Ngủ trọ 25.000 đồng/đêm để dành tiền lo Tết

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều tài xế xe ôm nấn ná trên chiếc xe máy nơi góc đường, cố chờ những vị khách cuối cùng. Lặng lẽ nhìn dòng người hối hả ngược xuôi, ông Nguyễn Văn Lực ngồi thu mình trên chiếc xe cũ góc đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa) chờ khách. Chiếc áo khoác cũ, chiếc mũ bảo hiểm gỉ nút cài, khẩu trang y tế đã ngả màu vì lớp bụi đường, cùng mái tóc nhuốm nhiều sợi bạc, khiến ông Lực trông già hơn nhiều so với tuổi 55.

Từ quê Kim Động (Hưng Yên) lên Hà Nội mưu sinh đã 7 năm nay, đây là cái Tết buồn nhất của ông Lực. Trước đây, ông làm nghề giao hàng cho cửa hàng đồ chơi trẻ em. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của ông Lực khoảng 10 triệu đồng. Sau khi trả tiền nhà trọ, điện nước, tiền ăn, ông Lực vẫn còn đủ tiền để dành gửi về quê nuôi mẹ già hơn 80 tuổi, phụ vợ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.

“Trước khi dịch xảy ra, thu nhập từ tiền giao hàng nhiều nên tôi cùng 2 người bạn làm xe ôm thuê một phòng trọ. Mỗi tháng tiền trọ, điện nước khoảng 1,3 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi tháng, tôi dành được khoảng 5 triệu đồng gửi về quê biếu mẹ già, mua gạo, mắm muối cho vợ”, ông Lực chia sẻ.

Những mảnh đời 'sợ' Tết ảnh 1

Anh Dương Ngọc Đông trong ca trực tại siêu thị

Dịch COVID-19 bùng phát, đơn hàng của cửa hàng đồ chơi, nơi ông Lực làm việc, ít dần. Từ chỗ chạy không hết đơn, đến nay, vài ngày mới có một đơn hàng. Để duy trì cuộc sống, ông Lực vạ vật đứng ở ngã tư đường chờ khách. Ngồi suốt từ 7h sáng nhưng đến 3 giờ chiều, ông Lực mới có cuốc xe ôm đầu tiên với số tiền công 50.000 đồng. Cầm những tờ tiền lẻ đầu tiên trong ngày, ông Lực cười bảo “Như này là tối nay đủ tiền ăn tối và ngủ qua đêm rồi”.

Từ khi mất việc, ông Lực không dám thuê trọ cùng bạn vì “không đủ tiền trả”. Thu dọn vài bộ quần áo cho vào chiếc ba lô cũ, ông Lực tìm đến khu nhà trọ tính tiền theo đêm tại khu vực bãi Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Quần áo của mình cho gọn vào túi, nhờ chủ nhà trọ cất vào một góc. Ban ngày lăn ra đường ngồi chờ khách. Đêm về nhà trọ ngả lưng lấy sức, tiền thuê chỗ trọ ngủ một đêm là 25.000 đồng, bao gồm tiền nước tắm giặt. Tôi ngủ đêm nào tính tiền đêm ấy”, ông Lực chia sẻ.

Số lao động thất nghiệp năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm 2020. Ngoài ra, cả nước còn hơn 1,4 triệu lao động thiếu việc làm, tăng 370 nghìn người so với năm trước, Tổng cục Thống kê cho biết.

Những ngày Tết Nguyên đán cận kề, ông Lực nấn ná chờ đến 28 Tết mới trở về quê vì mong sẽ kiếm thêm được ít tiền để mua quà cho cháu nội, cho mẹ già. Mọi năm, trước Tết, ngoài tiền chở hàng để dành, chủ cửa hàng thường thưởng thêm cho ông vài triệu đồng. Nhưng năm nay, tiền lương chở hàng cũng không có. Thu nhập cố lắm cũng chỉ còn 3-4 triệu đồng/tháng, trừ tiền ngủ trọ, tiền ăn, tằn tiện chỉ còn hơn 1 triệu đồng.

“Giáp Tết, nhu cầu đi lại tăng, tôi hy vọng có thêm nhiều khách để kiếm thêm tiền về biếu mẹ già sắm cây giò, bánh chưng. Cháu nội cứ dặn, Tết ông về mua cho con đôi giày mới nên tôi cố gắng kiếm thêm”, ông Lực chia sẻ. Ông Lực là một trong hàng triệu lao động lao đao vì dịch COVID-19 trong 2 năm gần đây.

Những mảnh đời 'sợ' Tết ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Luyến (50 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm dịch vụ giao hàng để kiếm thêm tiền lo Tết

Theo Tổng cục Thống kê, dịch bệnh kéo dài và phức tạp hơn. Trong năm 2021 có hàng triệu người thiếu việc làm, thất nghiệp. Số lao động thất nghiệp năm 2021 lên tới hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm 2020. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,2%, tăng 0,5% so với năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 4,4%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là gần 8,5%. Ngoài ra, cả nước còn hơn 1,4 triệu lao động thiếu việc làm, tăng 370 nghìn người so với năm trước. Thu nhập của người lao động giảm xuống, bình quân của người lao động đạt 5,7 triệu đồng/người, giảm 32.000 đồng so với năm 2020.

Diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã đẩy tỉ lệ lao động thiếu việc làm ở khu vực thành thị tăng cao hơn ở khu vực nông thôn. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta những năm qua.

Thêm nỗi khổ vì mắc COVID-19

Không chỉ gặp khó khăn do thiếu việc làm, thất nghiệp, nhiều lao động còn khốn khổ vì nhiễm COVID-19. Anh Dương Ngọc Đông (20 tuổi, Hương Sơn, Hà Tĩnh), nhân viên bảo vệ Trung tâm thương mại Aeon Long Biên (Hà Nội) thở dài khi nhắc đến Tết. Không may mắc bệnh tan máu bẩm sinh, anh Đông làm bảo vệ với mức lương 17.000 đồng/giờ. Hằng tháng, thu nhập của Đông khoảng 4 triệu đồng. Ngoài tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, số còn lại, Đông dành nộp viện phí cho các đợt truyền máu, lọc máu ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Trước khi dịch bùng phát, công việc ổn định, tiền lương đủ cho sinh hoạt, truyền máu. Dịch bùng phát, công việc ít dần, giảm lương, mẹ Đông ở quê phải vay mượn gửi cho anh tiền viện phí. Cuối tháng 12/2021, không may nhiễm vi rút SARS-CoV-2, sức khỏe của Đông suy giảm.

Hơn 20 ngày điều trị, cách ly là thời gian mẹ Đông phải vay tiền, gửi ra Hà Nội trả từ tiền thuê phòng trọ, tiền mua thuốc và tiền ăn cho con. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình Đông khó khăn. Bố Đông bị bệnh thần kinh, cả gia đình trông chờ vào tiền rửa bát thuê, phụ hồ của mẹ. Mẹ Đông chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền điều trị cho 2 anh em Đông.

“Mọi năm, gần ngày Tết, em cố dồn tiền, Tết về biếu mẹ trả nợ, mua sắm. Năm nay, ốm suốt, rồi dịch COVID-19 kéo dài nên em không mang được tiền về cho mẹ, mà còn là gánh nặng khiến mẹ phải vay thêm ngân hàng gửi cho em điều trị bệnh. Nhắc đến Tết em sợ lắm. Thêm một cái Tết, em không đỡ đần được gì, lại là gánh nặng cho mẹ”, Đông nói.

Cùng hoàn cảnh khó khăn như Đông, bà Nguyễn Thị Luyến (50 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng khốn khó vì dịch bệnh. Sau khi chồng bị bỏng do tai nạn, bà Luyến bán hết nhà cửa ở Điện Biên theo chồng về Hà Nội để chữa trị. Hết đợt điều trị, chồng được xuất viện về nhà trọ, hằng ngày bà Luyến chạy Grab. Lúc mới chạy, nhiều khi khách vội, quên gửi tiền và mũ bảo hiểm làm mất thời gian quay lại lấy nên bà Luyến ghi sẵn dòng chữ “tiền, mũ bảo hiểm” dán cạnh tay lái. Không kể nắng mưa, nhiều tháng qua, bà Luyến cặm cụi chạy xe ôm để kiếm tiền lo sinh hoạt phí và chữa bệnh cho chồng.

“Chồng tôi ốm, bị liệt, tôi phải lo cơm nước, bế đi vệ sinh, tắm giặt, vì thế, tôi không tìm được công việc toàn thời gian mà chạy xe ôm để chủ động. Trước khi xảy ra dịch, mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoảng 200 nghìn đồng để lo sinh hoạt phí”, bà Luyến chia sẻ.

Dịch COVID-19 bùng phát, không còn khách đi xe, bà Luyến chỉ có thể chạy ứng dụng giao hàng. Ít việc, số tiền lương cũng giảm theo, bà Luyến phải tằn tiện hết sức mới đủ sinh hoạt cho cả vợ chồng. Tết đến gần, vợ chồng bà Luyến động viên nhau ở lại Hà Nội không về quê để đỡ chi phí tàu xe.

Không chỉ lao động ở khu vực phi chính thức, nhiều công nhân lựa chọn “tha hương nơi đất khách” trong mùa Tết này. Chị Trịnh Thị Oanh (32 tuổi, quê Thanh Hóa) đang làm việc tại Đồng Nai chia sẻ, Tết này, gia đình chị ở lại phòng trọ vì khó khăn. Mọi năm, khoảng 25 Tết, cả gia đình về quê, tiền tàu xe, chi tiêu Tết hết khoảng 10 triệu đồng. Nhưng năm 2021, trường học đóng cửa, chị Oanh phải xin nghỉ ở nhà trông con. Cả gia đình trông vào đồng lương của chồng chị Oanh làm công nhân công ty điện tử.

“Biết là Tết không về thì ông bà ngóng cháu, nhớ con. Đón Tết nơi xa cũng buồn và nhớ nhà lắm. Nhưng về lại phải vay lãi mới có tiền đi tàu xe, mua sắm quần áo cho con. Giá mà không có Tết thì đỡ tốn”, chị Oanh ngậm ngùi.

Để hỗ trợ người lao động vượt khó khăn trong dịch bệnh, Quốc hội vừa thông qua chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chương trình này đưa ra chính sách toàn diện, nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp vượt khó khăn do dịch bệnh.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thị trường lao động như: Tiêm nhanh vắc xin; Triển khai kịp thời gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích địa phương thiết lập kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động các chiến lược phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ và thu hút lao động. Kế hoạch và quy định xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh của địa phương để họ xây dựng và thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.