Những màn ‘khóa môi’ bất hủ trong lịch sử nghệ thuật

TPO - Hình ảnh nụ hôn - đỉnh cao cảm xúc của tình yêu đã được tái hiện trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của lịch sử nhân loại, ngay từ khi kĩ thuật điêu khắc của con người còn sơ khai, cách đây hàng chục ngàn năm.

“Người tình Ain Sakhri” (10.000 năm TCN)

“Người tình Ain Sakhri” là tác phẩm điêu khắc đá đơn sơ mô tả hình ảnh một cặp đôi đang hôn nhau, được tìm thấy trong một hang động gần Bethlehem và hiện tại đang thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Anh.

Bức tượng "Người tình Ain Sakhri"

Bức tượng được thực hiện vào buổi bình minh của thời đại nông nghiệp, và là sự miêu tả cổ xưa nhất của tình yêu - tình dục. Mặc dù 2 nhân vật trong bức tượng không có mặt và không thể xác định ai là nam, ai là nữ nhưng có một điều rõ ràng rằng: họ đang hôn nhau, hai người yêu nhau, hình ảnh được tạc vào đá và họ ở bên nhau từ đó cho đến mãi sau này.

Lọ hoa gốm Attica (480 năm TCN)

Hình ảnh “khóa môi” không hề hiếm gặp trên các bình hoa gốm của Hy Lạp cổ, nhưng đó thường là nụ hôn giữa 2 người cùng giới tính chứ hiếm có nụ hôn dị tính.

Trong khi việc công khai thể hiện tình yêu dị tính có thể bị phản đối mạnh mẽ, thì những hình ảnh thân mật giữa 2 người đàn ông với nhau - như đã thấy trên chiếc lọ hoa gốm Attica lại được xem là có thể chấp nhận về mặt đạo đức.

Hiện chiếc bình gốm này đang nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Louvre.

Hình ảnh trên chiếc lọ hoa gốm Attica.

Hercules và Omphale (năm 1735)

Việc miêu tả hình ảnh nụ hôn là một việc khá hiếm gặp trong hội họa thời Phục hưng. Công chúng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh Judas ôm Chúa Giêsu, nhưng hình ảnh một đôi nam nữ hôn nhau thì không.

Với sự nổi lên của phong trào Rococo, tình yêu và nhục dục đã trở thành chủ đề xuất hiện thường xuyên hơn trong tác phẩm của các họa sĩ đầy tham vọng.

Bức tranh tái hiện nụ hôn giữa Hercules và Omphale.

Đây là bức tranh vẽ Hercules và Omphale của François Boucher, một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của Pháp thời bấy giờ, mô tả hình ảnh người anh hùng Hy Lạp đang nằm trên giường với Omphale - Nữ hoàng của Lydia, người mà Hercules đã bắt làm nô lệ trong một năm.

Nụ hôn hồi sinh của Thần Cupid (năm 1787 – 1793)

Nghệ sĩ điêu khắc người Ý - Antonio Canova là nhà điêu khắc vĩ đại nhất của thời kỳ tân cổ điển ở châu Âu. Ông nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, tạc nên hình ảnh xác thịt trần trụi của con người từ đá lạnh.

Bức tượng "Psyche hồi sinh nhờ nụ hôn Thần Cupid"

Bức tượng thần Cupid hồi sinh Psyche từ trạng thái vô thức bằng một nụ hôn là một trong những kiệt tác của ông về tình yêu thần thoại.

“Bài thơ của những chiếc gối” (“Poem of the Pillow – năm 1788)

Tình yêu – tình dục là một trong những chủ đề thường gặp của tranh in của Nhật Bản thời kỳ Edo, trong đó có các tác phẩm của tác giả Utamaro Kitagawa.

Bức tranh này là tác phẩm hội họa “kín đáo” nhất trong tổng số mười hai bản in của bộ “Poem of the Pillow” với độ “nóng” vô song.

Một trong số 12 tác phẩm trong bộ tranh "Poem of the Pillow"

Bức tượng “Nụ hôn” (“The Kiss” – năm 1882 – 1889)

Đây là một tác phẩm điêu khắc của Auguste Rodin mang tính biểu tượng về tình yêu lãng mạn trong nghệ thuật phương Tây: một người đàn ông và một người phụ nữ được khắc từ chung một tảng đá lớn.

Cặp đôi đang ôm hôn này là Francesca da Rimini (con gái của Chúa tể vùng Ravenna – Ý) cùng nhân tình – người em ruột của chồng cô. Cặp đôi này sau đó đã bị chồng của Francesca phát hiện và giết chết lúc vừa lén lút hẹn hò. Đó là lí do vì sao 2 nhân vật được khắc trên bức tượng dù ở rất gần nhưng thực chất không hề chạm môi nhau.

Bức điêu khắc "The Kiss"

"Pygmalion và Galatea" (năm 1890)

Dù được biết đến rộng rãi với các tác phẩm nghệ thuật về Đông Phương, nhưng trên thực tế, Jean-Léon Gérôme còn sở hữu một lượng lớn tác phẩm nghệ thuật về Pygmalion – người nghệ sĩ điêu khắc mang trong lòng tình yêu đặc biệt đối với chính tác phẩm của mình.

Hình ảnh Pygmalion hôn chính tác phẩm điêu khắc của mình.

Tình yêu ấy thường được cho là một tình yêu viên mãn, khi người nghệ sĩ cứ như vậy mà hạnh phúc đến

cuối đời. Nhưng câu chuyện về Pygmalion cũng đồng thời đề cập đến ranh giới mong manh nhưng nguy hiểm giữa hiện thực và lý tưởng.

Bức tranh “Nụ hôn” (“The Kiss” – năm 1908 – 1909)

“Nụ hôn” (tiếng Anh “The Kiss”, tên gốc tiếng Đức “Der Kuss”) là bức tranh của danh họa Gustav Klimt, và có thể coi là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Klimt bắt tay vào thực hiện bức tranh vào năm 1907, năm đỉnh cao trong “thời kì hoàng kim” của Klimt.

Bức tranh "Nụ hôn" danh tiếng của Klimt

Bức tranh miêu tả một đôi nam nữ hôn nhau, được vẽ trong sắc vàng và nhiều hình khối, với phông nền màu đồng. Chất liệu được sử dụng là sơn dầu với những miếng vàng đắp trên vải. Có thể coi “Nụ hôn” là lời khẳng định khéo léo của Klimt về tư tưởng tình dục và tự do tình dục.

“Người tình” (“The Lovers – năm 1928)

Hình ảnh người che kín mặt thường xuyên xuất hiện trong tranh của họa sĩ người Bỉ - René Magritte.

Bức tranh “The Lovers” khắc họa hình ảnh một người đàn ông và một người phụ nữ đang hôn nhau qua lớp vải che mặt, khiến nhiều người liên tưởng đến sự ngăn cách trong tình yêu, hoặc những giá trị vô hình nhưng quý giá mà con người phải cảm nhận bằng trái tim.

Hai người che kín mặt đang hôn nhau trong tác phẩm của René Magritte.

"LiTer II" (năm 2012)

Một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu ở Nam Phi ngày nay, Zanele Muholi đã chụp lại những bức ảnh tài liệu về cuộc sống của một cặp đồng tính nữ ở châu Phi. Cả hai người đều hoạt động tích cực trong lĩnh vực chống lại bạo lực và thù ghét đồng tính.

Năm 2012, trộm đã đột nhập căn hộ của nữ nhiếp ảnh gia Zanele Muholi ở Cape Town và phá hủy các tác phẩm nghệ thuật của cô. Nhưng bức ảnh này đã may mắn “sống sót”, chứng minh cho sự bền bỉ của tình yêu đích thực khi đối mặt với những thế lực ngăn chặn nó.

Theo Theo BBC