Những lưu ý để tránh hiểm họa khi đi thang cuốn

Bé trai một tuổi ở Trung Quốc bị kẹt tay trong thang cuốn hôm 27/7. Ảnh: Shanghaiist.
Bé trai một tuổi ở Trung Quốc bị kẹt tay trong thang cuốn hôm 27/7. Ảnh: Shanghaiist.
Sau sự việc một phụ nữ bị thang cuốn "nuốt chửng" hôm 26/7 tại Trung Quốc, cư dân mạng lan truyền bức ảnh đánh dấu điểm nguy hiểm khi đi thang này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó không đúng.

Tai nạn do thang cuốn xảy ra như với trường hợp người phụ nữ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc không phải là trường hợp đầu tiên và hy hữu. Gần đây nhất, hôm 27/7, một bé trai một tuổi ở Trung Quốc bị ngã và kẹt tay vào thang cuốn khi đang đi chơi ở siêu thị với bà. Em bé bị trượt chân và ngã xuống thang cuốn đang di chuyển, khiến toàn bộ bàn tay trái bị kẹt vào bên trong.

Trước đó, hồi đầu năm, một bé 6 tuổi đã tử vong tại trung tâm mua sắm ở Malaysia sau khi ngã từ khoảng trống giữa thang cuốn và thanh chắn xuống đất. Năm ngoái, một phụ nữ cũng thiệt mạng khi ngã lúc đang đi thang cuốn ở thành phố Montreal, Canada. Năm 2003, một giáo sư người Mỹ, bị kẹt trong những bánh răng của thang cuốn tại bến tàu ở Rome, Italy.

Sau hàng loạt các vụ việc trên, hai ngày nay, cư dân mạng nhanh chóng lan truyền một bức ảnh đánh dấu vị trí được cho là vùng an toàn khi đi hết thang cuốn, để bước lên sàn nhà.

Theo chia sẻ này thì ở phần tiếp giáp với hai đầu cầu thang sẽ có một ô mà khi bước lên có cảm giác khá bập bênh, chính là vị trí số 2 trong hình dưới - đó là nắp phía trên của cả hệ thống motor bên dưới, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bởi vậy, người đi thang cuốn nên bước vào ở vị trí số 1 và số 3, tránh vị trí số 2.

Những lưu ý để tránh hiểm họa khi đi thang cuốn ảnh 1

Chia sẻ trên mạng về vị trí các điểm an toàn và nguy hiểm khi bước lên thang cuốn. Facebook.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Hiến, chuyên gia về kỹ năng an toàn tại một công ty của Hàn Quốc ở Việt Nam, các vị trí an toàn hay không theo ảnh chụp và chia sẻ trên là vô lý, không có cơ sở khoa học nào.

"Thang cuốn là một sản phẩm đã hoàn thiện, tiện nghi và không thể khuyến cáo người dùng cần bước rón rén chỗ này hay cứ thoải mái đứng chỗ kia... trên cùng một chiếc thang. Thay vào đó, để đảm bảo an toàn, hãy thay đổi văn hóa sử dụng các thiết bị công cộng: Quan sát và tuân thủ đúng các biển báo, quy định", ông Hiến nói. Ông cho rằng, để đảm bảo an toàn, người sử dụng thang cuốn cần lưu ý các điều sau, đặc biệt cha mẹ cần dạy kỹ trẻ nhỏ:

- Quan sát thang máy vận hành trước và trong khi sử dụng, trước khi quyết định bước lên. 

- Nhìn biển báo và tín hiệu đèn để lên xuống đúng kỹ thuật. Thông thường, ở vị trí thang cuốn luôn có đèn tín hiệu, biển báo cho biết tình trạng sử dụng, thang lên hay xuống, vị trí bước lên. Hiện nay thị trường có nhiều kiểu thang cuốn khác nhau: có thang cuốn cho phép bước lên ở hàng thứ nhất nhưng có loại thang lại yêu cầu bước lên ở hàng thứ hai. Trước khi bước lên, bạn chỉ cần quan sát các biển báo ở trước thang là biết. Nếu thang cuốn nào không có biển báo chỉ dẫn là không cung cấp đủ thông tin cho người dùng, là không tuân thủ đúng quy định. Ngoài ra, tâm lý nhiều người cứ thấy thang cuốn là bước vào, không nhìn xung quanh, điều này cần thay đổi.

- Không cho tay vào các khe hẹp kỹ thuật vì có thể gây nguy hiểm, bị kẹt, cuốn.

- Việc đi guốc cao của chị em cũng cần chú ý. Gót nhọn của giày có thể bị vướng vào rãnh kỹ thuật, làm người dùng bị ngã, cuốn. 

- Trẻ em dưới 6 tuổi nên được người lớn bế khi di chuyển bằng thang cuốn.

- Cần khuyến cáo, kiểm soát không cho trẻ dùng que chọc vào các khe kỹ thuật trên thang cuốn. 

- Người tóc dài đi thang cuốn cần búi tóc gọn gàng (vì nhiều trường hợp ngã xuống là máy cuốn tóc, mất cả mảng đầu). Bạn cũng nên mặc áo gọn gàng cổ tay, tránh váy quá xòe, rườm rà vì nếu vướng vào thiết bị thì dễ bị cuốn cả người theo. 

- Nếu thấy một phần trang phục bị vướng vào thang cuốn, đừng cố kéo ra mà tốt nhất là nên cởi khỏi người (nhất là với trẻ em).

- Các trung tâm thương mại nên có hướng dẫn ngắn gọn cho khách hàng hoặc có biển báo bằng hình ảnh để mọi người biết sử dụng thang cuốn đúng cách trước khi dùng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".