Những lời tâm huyết

TP - Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều tổn thất về kinh tế nhưng đồng thời cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước, đặc biệt là tại “tâm bão” TPHCM chuyển đổi mô hình, hoạt động nhằm thích ứng linh hoạt trong điều kiện sống chung với dịch bệnh bằng việc tái cấu trúc và sắp xếp lại quy trình làm việc.

Đây là một trải nghiệm khó khăn song cũng rất cần thiết đối với cộng đồng DN trong nước đang từng bước hội nhập vào sân chơi toàn cầu.

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM:

Trong những năm gần đây ngành chế biến lương thực, thực phẩm (LTTP) của TPHCM đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ngành LTTP được TPHCM xác định là một trong bốn ngành trọng điểm, chiếm gần 14% giá trị sản xuất và đóng góp 13,7% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp của thành phố.

Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn TPHCM, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành LTTP đã bị ảnh hưởng nặng nề. Dù vậy, các DN quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo đầy đủ LTTP phục vụ người dân. Chúng tôi may mắn được thành phố cho tiếp cận vắc xin sớm, giúp lực lượng lao động yên tâm và cố gắng duy trì “ánh đèn luôn sáng trong nhà máy”.

Rất nhiều khó khăn bủa vây DN, từ thiếu vốn, nguyên liệu đến thiếu lao động đến cả việc bảo dưỡng máy móc, thiết bị; chi phí quản lý DN tăng. Bên cạnh đó còn phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch… Khó khăn là vậy, nhưng các DN LTTP vẫn cam kết không để thiếu lương thực thực phẩm ra thị trường, và đặc biệt là không tăng giá đến hết năm.

Sau cuộc chiến sinh tử, các DN đều trọng thương nhưng phải được điều trị “trúng và đúng” để hồi phục sức khỏe. Tôi cho rằng, để thích nghi với xu thế mới, DN cần chú trọng tới việc nghiên cứu sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi với phương thức bán hàng mới, thuận tiện trong vận chuyển, tối ưu hóa giá trị sử dụng. Đồng thời, chủ động và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh… và xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh, tránh bị động. Ngoài cố gắng của DN, rất cần có sự hỗ trợ, giúp sức từ nhà nước, cơ quan chức năng. Trong nhiều năm tới, câu chuyện lao động cũng là áp lực nên DN cần có sự chủ động tính toán đầu tư máy móc thiết bị. Vì vậy, thành phố cũng cần xem xét quỹ đổi mới sáng tạo và hỗ trợ với chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho DN đổi mới máy móc, công nghệ hiện đại.

Chúng tôi cũng mong thành phố xem xét một quỹ đất giúp cho DN ngành LTTP có khu công nghiệp tập trung. Trong khu này cần xây dựng hệ thống kho đông, kho mát đảm bảo đủ công suất dự trữ LTTP điều phối cho thị trường, không chỉ cho thành phố mà còn hỗ trợ cho các tỉnh thành lân cận. Nếu TPHCM xây dựng được Trung tâm logistics của vùng sẽ giúp các DN thuận lợi hơn trong luân chuyển nguyên liệu, hàng hóa, giảm được nhiều chi phí… Đối với người lao động, TPHCM cần có phương án sớm xúc tiến đề án “1 triệu căn nhà cho người có thu nhập thấp”, quan tâm, đánh giá những nơi ở đủ điều kiện cho người lao động yên tâm “an cư” để góp sức cùng thành phố phát triển.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA):

Giai đoạn hậu đỉnh dịch COVID-19, đa số các DN đều đã phục hồi sản xuất nhưng vẫn còn một số ngành nghề, các lĩnh vực rơi vào tình trạng tê liệt, đóng cửa, ngừng kinh doanh. Nhiều khoản từ chi phí y tế cho đến các loại chi phí khác như nguyên vật liệu, vận chuyển… đã tăng vọt, đẩy giá thành sản phẩm lên cao trong khi không thể tăng giá bán để bù lại, khiến DN gần như rơi vào tình trạng sản xuất không có lợi nhuận. Các DN nhỏ và vừa gần như cạn kiệt, vốn tích lũy hầu như đã sử dụng hết. Nhiều người chưa dám trở lại vì vốn ít, làm thì không ra lãi. DN đang cố gắng chuyển dịch nhưng cái khó nhất vẫn là tài chính vì không có tài sản thế chấp để tiếp cận vốn ngân hàng. Do đó, DN rất cần Nhà nước, ngân hàng có gói vay hỗ trợ lãi suất tiếp thêm “ô xy” giúp DN dễ tiếp cận để có thể gượng dậy sau dịch.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần phải rút ngắn thủ tục hành chính. Nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước đưa ra từ đầu mùa dịch là phù hợp, nhưng triển khai ở địa phương thì còn gặp nhiều rắc rối về mặt thủ tục hành chính. Do đó, rất cần thủ tục hành chính đồng bộ ở các địa phương, sự thông thương đầu ra chuỗi cung ứng cần phải liên thông. Ngoài ra, khi quyết định mở cửa thì mở luôn chứ đừng “mở ra rồi đóng lại”, đẩy DN vào thế trở tay không kịp. Chúng ta đã xác định thích ứng với dịch, mở cửa tái khởi động và phục hồi nền kinh tế vẫn là một sự lựa chọn không thể nào khác và hiện Chính phủ kiên định chủ trương này. Quá trình này không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới nhiều nước cũng phải chọn giải pháp sống chung với dịch.

Trước tác động chưa từng có của dịch bệnh, điều mà nền kinh tế cần và các DN kỳ vọng đó là các chính sách, gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ... đủ liều lượng, quy mô đủ lớn để giúp DN sớm “bình phục” và nền kinh tế sớm phục hồi. Theo đó, cần đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, vươt trội, hoàn thiện môi trường kinh doanh với những mô hình kinh doanh mới, tận dụng hội nhập... Đặc biệt, các DN phải tận dụng lợi thế, cơ hội và xu thế cùng sự sáng tạo, chuyển động của cuộc cách mạng 4.0, với các giải pháp về chuyển đổi số để cho ra các sản phẩm mới, “thông minh hóa” quản trị và quy trình sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khả năng tương tác với các DN cùng ngành, DN đối tác; xây dựng thương hiệu gắn với trách nhiệm “xanh”…

Chuyển đổi số là một trong những cách để DN phục hồi vì tái cấu trúc DN là tái cấu trúc quản lý. Nếu không áp dụng chuyển đổi số vào quản lý thì không thể tái cấu trúc. Với tình hình hiện nay, việc mua sắm sản phẩm, hàng hóa của người tiêu dùng đã thay đổi, việc cung ứng hàng, quản trị và chống dịch cũng khác trước rất nhiều. Do đó, phải áp dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động quản lý, kể cả vấn đề truyền thông quảng cáo, phân phối, kinh doanh, thanh toán… Đây là vấn đề sống còn của DN, cần phải có sự quyết tâm lớn của lãnh đạo DN, các Hiệp hội để hỗ trợ DN…

Hàng nghìn xe container chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ tại cửa khẩu vào cuối năm 2021

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn:

Việc đón nhận đợt dịch này đối với DN là hết sức bất ngờ nếu không nói là khủng khiếp. Lúc đó, chúng tôi trở tay không kịp. Khi xây dựng nhà máy, chúng tôi không xây dựng khu công nhân lưu trú và trong 100 DN thì thường chỉ có 30 DN mới có bộ phận y tế. Tất cả những vấn đề liên quan đến bệnh lý đều ra y tế địa phương hoặc bảo hiểm.

Để hoạt động trở lại trong lúc dịch COVID-19 căng thẳng, bắt buộc DN ở TPHCM phải ngồi lại, đặc biệt là những DN ở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, phải quyết định hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ". Công ty Nam Thái Sơn chỉ có 1 tuần để chuẩn bị. Việc này tạo áp lực lớn cho DN và tỷ lệ lao động ở lại thực hiện 3 tại chỗ chỉ 30-40%, còn lại khoảng 70% phải ở lại nhà trọ.

Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) tăng tốc sản xuất sau dịch ảnh: U.P

Qua đợt dịch này, các DN đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc. Cơn bão COVID-19 đã sàng lọc cộng đồng DN, đặc biệt là DN sản xuất. DN nào vượt qua được là vượt qua được luôn. Đây là trải nghiệm mà trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước thì chỉ có DN TPHCM thấm nhất. Sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, từ tháng 10 đến hết tháng 11/2021, các DN tại TPHCM đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau nhưng đều có một thích ứng chung. Đó là DN đã bắt đầu hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe.

Các DN có lực lượng nhân sự tham gia vào quy trình này, đó là nhân viên điều dưỡng, nhân viên y tế.Những DN đã có nhân viên y tế rồi thì cho tập trung rất nhiều vào phòng dịch. Khoảng 70% các DN nói chung và 90% DN sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, nhận ra được triệu chứng của những F0 sức khỏe như nào và nên cần đi xét nghiệm.

Trước đây, DN chỉ quan tâm trả lương cao cho người lao động, chế độ ăn uống, môi trường làm việc nhưng chưa quan tâm lắm đến chỗ ở. Hiện nay, các DN rất quan tâm đến khu trọ và sẽ có bộ phận chuyên trách kiểm tra xem phòng trọ có đủ tiêu chuẩn chưa bởi khu trọ là nơi phát sinh F0 nhiều nhất.

Các DN sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh được xây dựng trên hoạt động cố định hàng mấy chục năm nay, bây giờ phải thay đổi.Đầu tiên là hoạt động của văn phòng, các hoạt động của văn phòng mang tính trực tuyến nhiều hơn. Các cuộc họp sẽ hạn chế họp trong phòng, họp nhanh, họp ít người. Trong nhà xưởng, điều quan trọng nhất và xu thế bây giờ là vấn đề thông gió, phải đặt lên hàng đầu. Về tuyển dụng lao động, trước đây, tuyển dụng thiên về về năng suất, kỹ năng nhưng bây giờ thêm ý thức. Hiện nay, ý thức của người lao động cực kỳ quan trọng, nhất là khi làm việc theo nhóm. Người lao động có kỹ năng, năng suất cao nhưng nếu bừa bãi trong hoạt động tham gia, trong sinh hoạt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.

Việc TPHCM thiết lập khu thu dung (bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 1) tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn rất kịp thời và đúng đắt. Người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất khi bị nhiễm tâm lý rất sợ hãi, hoang mang nếu phải tới các bệnh viện dã chiến ở xa nơi làm việc và nơi ở của họ. Khi có bệnh viện dã chiến ngay trong khu công nghiệp, các công nhân lao động là F0 cảm giác như đó là phòng khám y tế của nhà máy nên rất yên tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Cà-phê Meet More, sáng lập Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu:

Thời gian gần đây, chúng ta lại rộ lên vấn đề giải cứu trái cây cho nông dân Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên các DN Việt Nam làm điều này mà hầu như cứ cách 1-2 năm, khi thị trường Trung Quốc gặp vấn đề, chúng ta lại phải “giải cứu” nông dân và dần dần đây sẽ trở thành một tiền lệ hết giải cứu dưa hấu, thanh long, xoài, nhãn… rồi lại đến trứng gà, tôm hùm…

Nhà nước cần đẩy mạnh khuyến khích các DN đầu tư nghiên cứu chế biến sâu vào các lĩnh vực nông sản nhằm nâng cao giá trị cho nông sản Việt và cũng nhằm tạo sự ổn định, giúp đảm bảo đầu ra cho người nông dân và doanh nghiệp. Thị trường Việt Nam đầy tiềm năng từ nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp nhưng thực sự chúng ta đang bỏ ngỏ.

Cách đây 5 năm, giá trái thanh long Bình Thuận chỉ có 2.000 đồng/kg và phải đổ cho bò ăn, vì không có đầu ra. Thương lái Trung Quốc không thu mua dẫn đến khó khăn cho người nông dân nói chung, và kinh tế của tỉnh nhà cũng gặp khó khăn theo. Khi đó, tôi đã chia sẻ những vấn đề này cùng Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Với thế mạnh của nông nghiệp như hiện nay, nhất là những loại trái cây của Việt Nam giàu chất dinh dưỡng, giàu các loại vitamin và bổ dưỡng cho cơ thể mà chỉ có ở Việt Nam mới có, chúng ta lại không biêt tận dụng để chế biến thành những loại nước uống hàng ngày nhằm giúp cho nông dân chúng ta có một thị trường đầu ra ổn định vì có hơn 90 triệu dân ủng hộ.

Tôi nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng. Tôi biết, để làm thay đổi được những điều đó không đơn giản, từ việc phải đầu tư công nghệ, đến việc để cho người dân nhận thức được các vấn đề đó và thay đổi được thói quen tiêu dùng (thích hàng ngoại) quả thực không đơn giản. Chính vì vậy, tôi đã âm thầm tìm hiểu để làm sao cho người dân Việt Nam thay đổi và hướng đến sử dụng các sản phẩm của chúng ta bằng cách đưa các sản phẩm trái cây vào các món ăn, thức uống cho mọi người, dần tạo thành thói quen tiêu dùng hàng ngày vì chúng có giá trị về sức khỏe. Nếu thành công, có thị trường lớn thì chúng ta sẽ không còn phải loay hoay mãi bài toán “giải cứu” như hiện nay.

Năm 2017 tôi đã cùng một số anh em, đồng nghiệp nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cà-phê hòa tan trái cây (không phải hương vị trái cây). Các loại trái cây như dừa, mít, khoai môn, xoài, trái nhàu… đã được đưa vào cà-phê hòa tan bằng phương pháp kỹ thuật để hòa quyện vào cà- phê và trở thành một loại thức uống hàng ngày cho giới trẻ và cho những người không uống được cà phê và đã trở thành một món đồ uống mới trên thị trường. Mặc dù tôi biết sẽ rất khó khăn để có thể thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận ngay được, nếu tôi chỉ có một mình thực hiện việc thay đổi này.

Khi tôi ra được các dòng thức uống này thì người tiêu dùng trên thế giới đã nhanh chóng chấp nhận ngay vì có thể họ hiểu rõ về lợi ích của các sản phẩm nông nghiệp đến từ Việt Nam, và cũng là để các sản phẩm nông nghiệp này xuất được sang các nước sẽ nhanh hơn bằng con đường xuất nguyên liệu thô vì các rào cản về thương mại. Do đó, sản lượng chính của tôi là xuất khẩu, và hiện nay đã xuất khẩu chính thức đến được 6 nước trên thế giới. Trong mùa dịch vừa qua, tôi đã đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và được người tiêu dùng trong nước ủng hộ rất cao.