> 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Báo Tiền Phong nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
* Vụ án liên quan đến Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (đăng 1987). Tác giả: Xuân Ba, Trung Hiền.
Cái chết của cô Nguyễn Thị Kim (19 tuổi) tuổi tại Thanh Hóa ngày 12/10/1984 đã khiến ba cô gái Phương, Hà và Hoa phải chịu 15 tháng tù oan. Gia đình họ gửi thư kêu oan tới báo Tiền Phong. Tại Thanh Hóa, thông tin về vụ việc bị phong tỏa theo lệnh của bí thư tỉnh ủy.
Loạt bài minh oan cho ba cô gái được cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan tỉnh Thanh Hóa tiếp thu, những người bị oan được gỡ tội.
* Phóng sự "Hai nghìn ngày oan trái" (đăng trên Tiền Phong năm 1988). Tác giả: Hồ Hồng Tuyến (CTV), Mạnh Việt.
Tết 1983, Nguyễn Sỹ Lý (Nghệ An) bị Bùi Văn Lai vu cho là đâm chết Bùi Văn Vinh (em Lai), người mà Lai đâm nhầm. Do bị giam giữ quá khổ sở, Lý đã nhận tội, bị tuyên án 17 năm tù. Trong tù, Lý quen và kể nỗi oan cho Cao Tiến Mùi. Sau khi ra trại, anh Mùi đã đi điều tra, làm sáng tỏ sự thật.
Loạt phóng sự “2000 ngày oan trái” của Tiền Phong góp phần khiến Chánh án TANDTC đã ra quyết định “Tha ngay Nguyễn Sỹ Lý”.
* Loạt ghi chép về Tạ Đình Đề (1991). Tác giả: Xuân Ba.
Tạ Đình Đề, nhân vật nổi tiếng có pha chút bí ẩn một thời. Ngày 15/9/1985, ông bị bắt giam. Qua một thời gian nghiên cứu hồ sơ, phân tích đúng sai về cách quản lý kinh tế của Tạ Đình Đề, ngày 7/12/1987, VKSNDTC đã quyết định trả tự do cho ông Đề.
Bạn một thời háo hức với những ghi chép của Xuân Ba trên báo Tiền Phong, những bài báo góp phần trả lại danh dự cho Tạ Đình Đề.
* Vụ Phó Văn phòng Chính phủ để quên tại sân bay chiếc cặp đựng phong bì tiền (2006). Tác giả: Tùng Duy.
Tháng 4/2006, từ đơn tố cáo của một cán bộ PMU 18, Tiền Phong phanh phui vụ việc xảy ra từ năm 2003 nhưng còn rất ít người biết: Ngày 11/4/2003, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Văn phòng Chính phủ để quên trên xe đẩy ở Sân bay Nội Bài chiếc cặp có chứa 11 chiếc phong bì đựng một số tiền lớn. Đó là phong bì ông Lâm nhận từ các địa phương và đơn vị trong chuyến công tác Tây Nguyên. Kết quả, ông Lâm phải viết đơn xin từ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
* Loạt liên quan các ông Hoàng Văn Nghiên, ông Lê Đức Thúy (năm 2006). Tác giả: Hữu Khôi - Võ Văn Thành - Phùng Sưởng - Nguyễn Tuấn.
"Nhà công, đất công" nêu việc một số quan chức Hà Nội sau khi nghỉ hưu hoặc thôi chức vụ đã âm mưu biến nhà công vụ thành tài sản riêng. Cụ thể, ông Hoàng Văn Nghiên - nguyên Chủ tịch TP không những không chịu trả lại mà còn viết đơn xin hóa giá biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa.
Cũng như vậy, Thống đốc Lê Đức Thúy "mua" nhà công vụ có mặt tiền hơn 4m tại số 6 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Loạt bài quyết liệt trên Tiền Phong đã góp phần khiến ông Lê Đức Thúy quyết định làm đơn trả lại nhà cho Nhà nước.
* Đưa những khuyết tật của Vinashin ra trước công luận sớm trước khi nó sụp đổ (tháng 3/2010). Tác giả: Phùng Công Sưởng.
Ngày 31/3/2010, báo Tiền Phong khởi đăng loạt bài phóng sự “Cận cảnh con tàu Vinashin” đề cập đến công tác quản lý vốn (trong đó chủ yếu là vốn vay) một cách lỏng lẻo, việc đầu tư dàn trải, đặc biệt là Vinashin đã vung hàng ngàn tỷ đồng đi vay để “ôm” nhiều con tàu quá tuổi. Đến đầu tháng 8/2013, vụ án Vinashin được khởi tố.
* Làm báo dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng qua đời (tháng 10/2013).
Chiều tối thứ 6, ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Trên số báo ra sáng hôm sau, 5/10/2013, Tiền Phong là tờ báo đưa đậm nhất về Đại tướng trong ngày đó.
Ba ngày sau, thứ 2, 7/10/2013, tòa soạn đã ra được số báo đặc biệt 20 trang hoàn toàn dành cho Đại tướng khiến nhiều người sửng sốt.
Ngay ngày hôm sau, Tiền Phong điện tử đã tổ chức tọa đàm trực tuyến rất thành công với chủ đề "Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Bộ đội Cụ Hồ, Đại tướng của Nhân dân". Ngày 14/10, Tiền Phong một lần nữa ra số đặc biệt 20 trang về Đại tướng rồi mở diễn đàn "Lập thêm những Điện Biên thời bình".