Những lần thế giới suýt chiến tranh hạt nhân vì báo động sai

Một góc trung tâm chỉ huy của NORAD. Ảnh: New York Times.
Một góc trung tâm chỉ huy của NORAD. Ảnh: New York Times.
Các trung tâm cảnh báo tên lửa của Mỹ và Liên Xô nhiều lần đưa ra báo động sai vì nhầm lẫn Mặt Trăng, hoặc Mặt Trời, khiến nhân loại suýt diệt vong vì chiến tranh hạt nhân.

Ngày 13/1, tin nhắn khẩn cấp về cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên được gửi đến người dân trên khắp Hawaii. Tin nhắn có nội dung: “Mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đang hướng đến Hawai, tìm chỗ trú ẩn ngay lập tức. Đây không phải tập trận”.

Tin nhắn gây hoảng loạn cho người dân trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang gia tăng. Cảnh báo được gửi bởi Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii và được thu hồi 38 phút sau đó. Sử gia nổi tiếng Garrett M. Graff cho biết rất hiếm khi có một cảnh báo sai về cuộc tấn công tên lửa sắp tới được gửi cho công chúng.

Tuy nhiên, sự cố ở Hawaii không phải là lần đầu tiên các trung tâm cảnh báo tên lửa đưa ra báo động nhầm lẫn. Những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ ít nhất 4 lần đưa báo động sai khiến nhân loại đứng bên bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực.

Mặt Trăng đánh lừa radar

Ngày 5/10/1960, radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Greenland báo động Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) rằng họ phát hiện hàng chục tên lửa đạn đạo Liên Xô đang hướng về Mỹ.

Báo động được gửi đến NORAD ở mức khẩn cấp cao nhất, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức quân sự sau đó xác định rằng radar đã bị lừa bởi “Mặt Trăng đang mọc ở Na Uy”. Ánh sáng của Mặt trăng bị hiểu nhầm thành luồng sáng phát ra từ động cơ tên lửa.

6 phút hoảng loạn vì game

Ngày 9/11/1979, các máy tính tại trung tâm chỉ huy của NORAD báo động Mỹ đang bị tấn công bởi tên lửa phóng từ tàu ngầm Liên Xô. Theo New York Times, 10 máy bay đánh chặn từ 3 căn cứ của Mỹ và Canada chuẩn bị để cất cánh. Các căn cứ tên lửa hạt nhân được chuyển sang báo động cấp thấp.

6 phút căng thẳng diễn ra bên trong phòng chỉ huy của NORAD. Dữ liệu vệ tinh không xác nhận cuộc tấn công, các quan chức đã quyết định không cần phải hành động ngay lập tức. Cuộc điều tra sau đó cho thấy một game mô phỏng cuộc tấn công của Liên Xô được cài vào máy tính của NORAD dùng để huấn luyện. Một kỹ thuật viên vô tình bật nó lên mà không biết.

Đoạn game này mô phỏng cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Bắc Mỹ và do lỗi cơ học, thông tin này đã được truyền vào hệ thống cảnh báo sớm cực nhạy. Hệ thống cảnh báo đọc dữ liệu như một cuộc tấn công trực tiếp. Nó bắt đầu một chuỗi các cảnh báo để xác định liệu Mỹ có bị tấn công hay không.

Thảm họa từ con chíp 46 cent

Ngày 3/6/1980, máy tính của trung tâm cảnh báo sớm Mỹ phát đi thông báo về cuộc tấn công của 2.200 tên lửa Liên Xô nhắm vào Mỹ. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, các phi hành đoàn máy bay ném bom và xe tiếp nhiên liệu được lệnh chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu khẩn cấp.

Những lần thế giới suýt chiến tranh hạt nhân vì báo động sai ảnh 1

Tiêm kích đánh chặn của Mỹ chặn máy bay ném bom Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: New York Times.

Bộ chỉ huy Không quân khẩn cấp, Cục Quản lý Hàng không liên bang chuẩn bị ra lệnh cho tất cả máy bay thương mại hạ cánh khẩn cấp. Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter, nhận được cuộc điện thoại thông báo 2.200 tên lửa đang hướng về Mỹ.

Vài phút sau đó, Brzezinski nhận được cuộc gọi khẩn cấp khác rằng đó là báo động sai. Cuộc điều tra sau đó phát hiện một con chíp máy tính trị giá 46 cent bị lỗi đã gây ra vấn đề.


Mặt Trời đánh lừa vệ tinh

Ngày 26/9/1983, trung tâm cảnh báo sớm bí mật bên ngoài Moscow nhận được thông báo 5 tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ đang hướng về Liên Xô. Trung tá Stanislav Petrov, 44 tuổi chỉ huy trung tâm nhớ lại trong cuộc phỏng vấn với Washington Post.

“Trong 15 giây đầu tiên, chúng tôi thực sự sốc và bối rối”. Trung tâm mà Petrov chỉ huy có vai trò rất quan trọng trong chuỗi đáp trả hạt nhân của Liên Xô. Cấp trên của ông tại trụ sở của hệ thống cảnh báo sớm báo cáo cho các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội. Họ sẽ tham vấn Tổng bí thư Yuri Vladimirovich Andropov về việc có tấn công đáp trả hay không.

Trong vài phút tiếp theo Petrov chăm chú nhìn vào bản đồ điện tử và màn hình để ghi nhận thêm thông tin về cuộc tấn công. Kinh nghiệm và trực giác nói với ông rằng cuộc tấn công từ Mỹ sẽ diễn ra ồ ạt chứ không chỉ có 5 tên lửa.

Sau 5 phút căng thẳng, Petrov quyết định thông báo lại cho cấp trên cảnh báo có thể là báo động sai. Cuộc điều tra cho thấy vệ tinh đã nhầm tia sáng Mặt Trời chiếu qua đỉnh những đám mây là luồng sáng của động cơ tên lửa.

Trò đùa của Tổng thống Reagan

Ngày 11/8/1984, trong lúc chuẩn bị cho chương trình phát thanh – truyền hình thường lệ vào chiều thứ 7, Tổng thống Ronald Reagan nói đùa trên radio trực tuyến rằng ông đã “ký một sắc lệnh sẽ kiềm chế Liên Xô mãi mãi và chúng ta sẽ bắt đầu ném bom trong 5 phút”.

Theo New York Times, 2 ngày sau câu nói đùa của Tổng thống Reagan, một sĩ quan quân đội Liên Xô ở vùng Viễn Đông đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị chiến đấu. Cảnh báo được hủy bỏ sau khoảng 30 phút bởi cấp có thẩm quyền cao hơn.

Sự nhầm lẫn của máy móc, câu nói đùa của lãnh đạo Mỹ khiến thế giới nhiều lần đứng bên bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt nhân loại. Tuy nhiên, sự bình tĩnh của con người đã giúp thế giới thoát khỏi thảm họa trong gang tấc.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG