Những lá ấn…“ế”

TP -  “Ế” ấn đền Trần? Chùm ảnh trên VietnamNet sáng qua cho thấy cảnh thưa vắng chỉ sau gần 2 tiếng phát ấn đền Trần (Nam Định). Kỳ thực, cảnh nhốn nháo hỗn loạn lúc chờ dâng lễ, khai lễ phát ấn vẫn xuất hiện từ nửa đêm như mọi năm, nhưng nhanh chóng nguội lạnh.

Để rồi đầu giờ sáng, đền thưa vắng người, thấy phơi hẳn ra từng lớp song sắt chắc nịch, kín mít vốn dùng để bảo vệ người phát ấn bên trong trước đám đông cuồng nộ bên ngoài chỉ chực xông vào cướp ấn. Như những mùa phát ấn trước. Giờ, những chiếc “lồng sắt” ấy bỗng trở nên vô tác dụng. Và phản cảm.

Tự hỏi, cũng lá ấn ấy, cũng giữa không gian đình đền linh thiêng hương khói ấy, cũng trong buổi sáng ngày rằm tháng Giêng, sao lại lúc nháo nhào giành giật, lúc lặng ngắt ơ hờ?

Có phải vì tâm lý gì cũng cứ phải phải vượt lên hàng đầu, chen chân giành giật đã trở thành thói quen khó bỏ với không ít người, trong mọi sinh hoạt? Kể cả với việc dâng hương, lễ bái vốn rất cần sự tĩnh tâm, thanh tịnh. Hay bởi thông tin năm nay có đến 6 đền Trần ở miền Bắc cùng phát ấn, trải dài từ Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam đến Thanh Hóa?

“Ế”, biết rằng đó chỉ là một cách nói, để cho thấy sự trái ngược hoàn toàn so với cảnh tượng sôi sùng sục của đám đông trong những lễ phát ấn vốn quá quen thuộc mấy năm nay. Nhưng dẫu sao cảnh “ế” ấn này ở nhiều góc độ, đem lại cảm giác dễ chịu hơn. Ít ra, là với suy nghĩ: Đức tin không cần phải chen lấn, giành giật!

Lá ấn đền Trần thời nay kỳ thực đã thoát đi rất xa ý nghĩa nguyên gốc của nó. Khởi thủy từ hơn 3 thế kỷ trước, nghi thức khai ấn vào rằm đầu tiên trong năm của các vua Trần là để tế lễ trời đất, tổ tiên, và cũng là hình thức mở đầu một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Điều này giới nghiên cứu đã nói nhiều, trong nỗ lực “giải thiêng” những suy diễn kỳ bí về  “công dụng” quan lộ, lộc tài của lá ấn. Giờ đến lúc công cuộc “giải thiêng” ấy đã hiệu quả?

Lá ấn, hay tờ xăm tốt xin được đầu năm nơi đền chùa linh thiêng ngày đầu năm là liều thuốc an thần khó thể phủ nhận. Giữa đời sống hiện đại mà mọi tiện nghi chỉ mươi năm trước mơ cũng không thấy, nhưng vẫn chất chứa đầy rẫy bất ổn. Con người càng cần đến ảo tưởng nội tâm. Sứ mệnh của những lá ấn, lá số, quẻ bói vì thế ngày càng nặng hơn. 

Nhưng dõi theo mọi tôn giáo, thấy không có loại đức tin sớm và muộn. Không có chuyện đức tin nhận trước vài tiếng đồng hồ là “tốt” hơn, là loại 1 so với đức tin nhận muộn hơn vài tiếng.

Mở báo ra những ngày này, đập vào mắt là tin ảnh, video clip cảnh chen chúc, giẫm đạp của ngàn vạn người tìm cách dâng lễ cầu an nơi lễ hội đình chùa khắp mọi vùng miền. Như trong tâm thế mai là ngày cuối.

Mà không nghĩ, mỗi người góp phần tạo ra không khí bình an, nhẹ nhõm thanh sạch cho lễ hội, là đem lại sự bình an, thanh thản trước hết cho chính mình?

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.