Quảng Nam:

Những kỳ vọng, đề xuất 'sát sườn' với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

TPO - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc chia sẻ với Tiền Phong, để nâng cao chất lượng giáo dục, ông kỳ vọng, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có giải pháp nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm, nâng cao đời sống giáo viên, các địa phương giảm sĩ số lớp học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Ngành Giáo dục đang ở giai đoạn đầu đổi mới giáo dục phổ thông, ông có kỳ vọng, đề xuất gì cho tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT?

Để làm thay đổi diện mạo giáo dục như một cuộc cách mạng, một mình Bộ trưởng hay cả tập thể lãnh đạo Bộ là rất khó khăn. Bộ trưởng có thể có quyết sách mới nhưng tôi có nhiều trăn trở, trong đó điều cốt lõi làm sao nâng cao đời sống giáo viên, tuyển chọn đầu vào ngành sư phạm tốt hơn hiện nay.

Tôi thường đặt câu hỏi, tại sao đầu vào ngành sư phạm thấp như vậy? Làm thế nào để học sinh ưu tú chọn thi sư phạm như những em đang chọn Ngoại thương, Công an?

Chính sách để thu hút nhân tài ngành Giáo dục không có quyền quyết định nhưng để thay đổi chất lượng đội ngũ điều cốt yếu lại nằm ở đây. Nếu chúng ta muốn 5 năm, 10 năm nữa có một giáo viên giỏi, xuất sắc, kỹ năng tốt thì phải tuyển được người trẻ giỏi từ giờ. Người ta nói “có bột mới gột nên hồ” là vậy. Còn hiện nay, chúng ta thực hiện đổi mới chương trình, SGK, xây dựng trường học an toàn, thân thiện… đều là việc cần thiết, phải làm nhưng nói đến đội ngũ đáp ứng chưa, tôi nghĩ chưa phải là tất cả.

Cô trò một trường tiểu học ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam)

Bộ GD&ĐT qua rất nhiều đời Bộ trưởng, đã có ý kiến tham mưu, đề xuất nhưng vấn đề nâng lương giáo viên chưa được giải quyết. Phải làm sao, viên chức nhà giáo sống bằng lương để họ đầu tư tâm huyết vào soạn bài, giảng dạy. Mỗi thầy cô yên tâm với mức sống để chăm bẵm, dạy dỗ học sinh của mình. Lương thấp cũng chính là nhân khiến học sinh giỏi không thi sư phạm. Cô nuôi cấp dưỡng hiện cũng chỉ được trả 2,9 triệu đồng/ tháng. Bây giờ ở vùng cao, đời sống giáo viên có được quan tâm nhưng có đủ khiến họ yên tâm bán bản, bám làng hay không là chưa? Trưởng phòng GD&ĐT ở vùng cao kêu khó vì thầy cô lên ít năm rồi lại xin chuyển về xuôi.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam.

Không ít thầy cô dạy cho xong rồi về

Thưa ông, ông có quan điểm, đổi mới giáo dục phải từ người thầy, thậm chí từ người làm quản lý giáo dục. Ở vai trò Giám đốc sở, bản thân ông đổi mới giáo dục như thế nào?

Nhiều năm làm quản lý giáo dục, tôi trăn trở làm sao vừa nâng cao chất lượng giáo dục nhưng học sinh, thầy cô đến trường phải an toàn, phải vui. Nếu xảy ra nhiều chuyện, môi trường giáo dục không an toàn, thân thiện, hạnh phúc phụ huynh đưa con đến trường họ cũng thấp thỏm. Học sinh đến trường không thấy thích là mình thất bại rồi. Do đó, làm sao để thầy cô đi dạy mà thương yêu học trò như chính con em mình.

Ngành giáo dục hiện nay rất áp lực. Tôi quản lý 346.000 học sinh, mỗi ngày mở mắt ra là lo rất nhiều chuyện, không biết chỗ nào học sinh sẽ đánh nhau, chỗ nào học sinh có thể gây chuyện…

Tôi nói, muốn giáo dục thay đổi đầu tiên phải từ vai trò người quản lý. Đi đầu là Giám đốc Sở, đến các trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các nhà trường. Người làm quản lý phải công tâm, khen đúng người, phê bình đúng sự việc. Giáo viên có tâm huyết, trách nhiệm phải được quan tâm, khen thưởng để lan tỏa tinh thần đó đến những người chưa chịu thay đổi, chưa biết cho đi. Nghĩa là phải biết đánh giá công bằng, để thầy cô nhiệt huyết có lòng tin tới lãnh đạo, tạo động lực làm việc.

Trong nhiệm kỳ 5 năm, tôi từng chuyển 5 hiệu trưởng sang phó hiệu trưởng vì tôi chỉ ra, thầy cô không nên ngồi vị trí đó. Người hiệu trưởng không tâm huyết, trách nhiệm, không vì lợi ích của hàng nghìn học sinh, giáo viên là không được.

Làm sao để thầy cô đi dạy mà thương yêu học trò như chính con em mình.

Trong giáo dục, nếu nhìn thẳng sẽ thấy không phải ai cũng tâm huyết, nhiều giáo viên có sức ì ghê gớm. Một hội đồng sư phạm có từ 60-100 giáo viên, trong đó có nhiều người lên lớp cho xong rồi về. Họ không mặn mà công việc nhưng cũng không vi phạm để kỷ luật họ. Người quản lý phải biết đánh giá, động viên, khuyến khích để giúp thay đổi thầy cô.

Thay đổi từ người thầy, sẽ phải hình dung như thế nào thưa ông?

Nhiều năm qua, có những sự việc xảy ra như bạo lực học đường, gian lận thi cử… dù chuyện ở đâu, người ta đều đánh giá ngành giáo dục nói chung. Do đó, tôi luôn nói với tất cả thầy cô ở địa phương, mỗi người phải giữ gìn hình ảnh, có trách nhiệm với học sinh, với chính mình.

Luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm đến học sinh, đừng để những chuyện nhỏ ảnh hưởng đến danh tiếng nhà giáo. Khi đã làm thầy, làm cô ai cũng nên nghĩ đến lòng tự trọng nghề nghiệp.

Quản lý phân cấp, phân quyền gây khó cho giáo dục

Giáo dục phổ thông chiếm tỉ lệ lớn nhưng có ý kiến cho rằng, sự quan tâm, đầu tư cho đối tượng học sinh phổ thông chưa đúng mức. Ông có đồng tình như vậy?

Nói không quan tâm Giáo dục phổ thông thì không đúng nhưng GDPT thuộc trách nhiệm địa phương nhiều hơn nên sự đầu tư, quan tâm khác nhau. Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ những chủ trương, chính sách mới còn nâng cao chất lượng, tổ chức ngày hiệu quả phần lớn do địa phương đảm trách, ngành giáo dục cơ sở tham mưu.

Tôi cho rằng, hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong GDPT rất cần được quan tâm.

Đầu tiên là sự phân cấp trong quản lý có phần hạn chế chất lượng giáo dục. Ví dụ, mỗi tỉnh/ TP ngành giáo dục quản lý chuyên môn, Giám đốc sở chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh về quản lý chuyên môn các cấp học nhưng quản lý con người, ngân sách thì giáo dục chỉ quản lý ở bậc THPT. Những việc liên quan khác như bổ nhiệm đề bạt từ mầm non, tiểu học, THCS phân cấp cho UBND quận, huyện, xã… Trong giáo dục, để nâng cao chất lượng, trước hết là vấn đề con người. Tôi quản lý giáo dục không chỉ là vào dự giờ, xem họ lên lớp mà chọn ai quản lý, đánh giá quản lý thế nào tôi lại không có quyền. Đây là cái rất khó.

Khi phân quyền như vậy, có vấn đề gì, ngành chỉ kiến nghị giải quyết. Như hiện nay, đi về các khu công nghiệp sẽ thấy, trẻ mầm non chưa được quan tâm đúng mức, nhóm trẻ 3-4 tuổi không có trường học rất lớn. Thi tuyển giáo viên mầm non, không có nhiều người muốn vào vì việc nặng, chế độ đãi ngộ thấp. Một số giáo viên mầm non đang ở trường học xin đi làm thợ may cho nhẹ đầu.

Ở giáo dục phổ thông, để nâng cao chất lượng, việc đầu tiên tôi nghĩ là làm sao để giảm được sĩ số lớp học. Phòng học diện tích nhỏ, chương trình GDPT mới có rất nhiều hoạt động, các em xoay xở làm sao để hoạt động nhóm khi sĩ số lớp cao. Ở địa phương 38- 45 học sinh tôi đã thấy khó đạt chất lượng trong khi TP lớn có nơi, có lớp sĩ số lên tới 60. Rõ ràng, sĩ số cao, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Tôi ví dụ, lớp gần 50 em, học tiếng Anh làm sao có hiệu quả. Mỗi giờ học chỉ có 45 phút, cô giáo mất 5-7 phút hỏi bài, dạy bài mới chỉ hỏi được một ít em để nghe nói, sửa lỗi số còn lại có được cô hỏi đến hay không? Vì thế, phụ huynh không lạ khi con học bao nhiêu năm vẫn không nói được.

Tuy nhiên, nếu đề xuất giảm sĩ số, tăng lớp học lại chạm đến câu chuyện tăng giáo viên, tăng biên chế là không được. Để giải quyết được vấn đề này, đòi hỏi sự quan tâm, điều kiện, chính sách của từng địa phương, một mình ngành giáo dục khó có thể làm được.

Xin cảm ơn ông!

Kính mời bạn đọc góp ý, hiến kế, nêu các ý tưởng đề xuất về cải cách giáo dục, những tâm tư gửi gắm đến Tân Bộ trưởng Giáo dục với mong muốn đổi mới, thúc đẩy sự phát triển cho ngành giáo dục nước nhà. Mọi thông tin xin gửi về hộp thư: http://www.online@baotienphong.com.vn.